ClockChủ Nhật, 23/06/2019 08:46

Phó giáo sư trẻ và những công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế

TTH - Hiếm khi thấy mệt mỏi trong mắt anh, dù căn bệnh về tiêu hóa mỗi năm buộc anh ít nhất phải một lần nằm viện. Nỗ lực khiến người ta nhớ đến Bùi Đình Hợi với những công trình nghiên cứu vật lý giá trị. Ở tuổi 36, số công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí quốc tế ISI của anh đã vượt qua con số sáu chục.

Phó giáo sư trẻ Nguyễn Duân: “Mình phải luôn cố gắng”

PGS.TS. Bùi Đình Hợi (ngoài cùng, bên phải) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Đam mê, bận rộn & thành công

Nếu không có lời giải thích, có lẽ lần gặp đầu tôi đã hiểu nhầm Bùi Đình Hợi (công tác tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế) có sở thích “kỳ quặc”. Phòng làm việc của anh có cả những đồ chơi trẻ con, những thỏi son và đôi ba nét vẽ nghệch ngoạc trên tường. Anh trấn an tôi bằng lời tâm sự ngắn gọn: “Chủ nhật nhà trẻ nghỉ, mình phải mang con theo để tiện làm việc”.

Bận rộn “vận” vào cuộc đời anh từ thời đi học. Thuở ấy, những người bạn tưởng anh là mọt sách, vì nỗi đam mê nghiên cứu. Tốt nghiệp ĐH (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế) năm 2005, Bùi Đình Hợi học thạc sĩ ngay và bắt đầu “dấn thân” tìm hướng nghiên cứu cho các vật liệu bán dẫn thấp chiều. Sau khi vào công tác tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (năm 2008), giảng viên trẻ này tiếp tục đề đạt nguyện vọng học tiếp để nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.

Gần 6 năm làm nghiên cứu sinh (từ năm 2009), Bùi Đình Hợi bảo vệ xong luận án tiến sĩ (năm 2015) ở cả 3 cấp (bộ môn, cơ sở và cấp ĐH Quốc gia) sau đó được chuyển về Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế công tác. Anh kể, thời điểm đó, theo quy định để được phong hàm phó giáo sư thì ngoài những tiêu chí “cứng” phải trải qua đủ 3 năm sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ mới được xét hồ sơ, song anh lại là trường hợp khá đặc biệt, nhờ chính những nghiên cứu. “Cơ duyên một người thầy gặp gỡ đã chỉ ra vẫn có tiêu chí phụ là số công trình nghiên cứu gấp đôi so với quy định (nếu chưa đủ tiêu chí thời gian). Ngồi nhẩm tính, đến khi làm hồ sơ, mình có 36 bài, trong đó có 21 bài quốc tế thuộc danh mục ISI, số điểm gấp gần 3 lần quy định, nhờ đó được xét phong học hàm phó giáo sư năm 2017, lúc mình 34 tuổi”, anh Hợi tâm sự.

Trong “gia tài” của PGS.TS. trẻ Bùi Đình Hợi hiện tại “sở hữu” số lượng khủng với 60 bài báo quốc tế đăng tải trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín ISI (chưa kể công trình công bố trong nước). Đặc biệt, trong năm 2018, Bùi Đình Hợi để lại ấn tượng khi có 19 bài báo trong tạp chí ISI. Bản thân anh cũng làm chủ nhiệm 1 đề tài Nafosted và tham gia 3 đề tài Nafosted. Hỏi đến thành tựu này, anh chỉ dám nhận mình đam mê chứ chưa phải tài giỏi. Anh phân trần: “Tôi may mắn có những người thầy giỏi, được gặp gỡ và có cơ hội cùng nghiên cứu với những người đồng nghiệp tài năng trong nước và quốc tế. Bản thân chỉ có đam mê. Từ năm 2010, tôi lập gia đình và có con nhưng khoảng thời đó phải làm nghiên cứu sinh. Ngày bận con, nhiều đêm phải thức trắng để hoàn thành công việc. Đam mê và khát khao với khoa học đã giúp tôi theo đuổi”.

Nhắc đến Bùi Đình Hợi, PGS.TS. Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế dành nhiều lời khen: “Anh Hợi là cán bộ trẻ nhưng rất có năng lực, minh chứng cụ thể là số bài báo quốc tế nhiều. Với đặc thù nghiên cứu vật lý lý thuyết nên Bùi Đình Hợi có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để làm việc”.

Mong có sức khỏe và thời gian

PGS.TS. Bùi Đình Hợi có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, như: “Tính chất từ - topo có thể điều chỉnh và kỹ thuật điều chỉnh vùng cấm trong mạng Lieb sắt từ hai chiều”; “Hấp thụ quang phi tuyến và cộng hưởng cyclotron – tạp chất trong silicene đơn lớp”; “Nghiên cứu cộng hưởng cyclotron – phonon trong molybdenum disulfide đơn lớp”…

Buột miệng đặt câu hỏi “Anh không mệt à?”, Bùi Đình Hợi trả lời thành thật: “Mệt chứ, nhưng mỗi khi nghĩ đến những hướng nghiên cứu đang dang dở, đam mê và động lực lại trỗi dậy thôi thúc mình làm việc”.

Vị phó giáo sư trẻ phân tích, không như hướng nghiên cứu ứng dụng có sản phẩm cụ thể, hướng nghiên cứu của anh là vật lý lý thuyết và công việc anh làm là tiếp tục khám phá đối tượng vật liệu, đi tìm hiệu ứng mới. Giá trị những công trình ấy bổ trợ cho thực nghiệm, góp phần giải thích, định hướng và tiên đoán với những cái thực nghiệm chưa chế tạo ra. Dựa trên những tính chất thu được, người ta có thể đưa ra các ứng dụng tiềm năng trong các lĩnh vực, như quang điện tử, các thiết bị điện tử nano…

Từ lúc học đến nay, Bùi Đình Hợi “trung thành” với hướng nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực vật lý các chất đông đặc nhưng anh luôn buộc mình phải liên tục đi tìm những cái mới. Anh bảo: “Không biết trước thành công nhưng vẫn làm, đó mới là nghiên cứu. Nếu ngại khó không thử, làm sao có thể cống hiến cho khoa học”. Với suy nghĩ đó, nghiên cứu xong các vật liệu bán dẫn thấp chiều truyền thống, Bùi Đình Hợi lại chuyển sang các vật liệu đơn lớp nguyên tử…

Nghiên cứu và ngồi lì trong phòng làm việc hay phòng thí nghiệm khiến anh “phát sinh” một số chứng bệnh. TS. Lê Thị Thu Phương, vợ của anh kể, trên cơ thể chưa đến 50kg ấy, mỗi năm anh Hợi ít nhất phải gặp bác sĩ hay nằm viện một vài lần. Có khi đang bệnh, nhưng nghĩ đến công trình đang nghiên cứu, anh phải vừa nằm vừa… “gõ máy tính”. PGS. Bùi Đình Hợi giải thích: “Việc của mình cũng có thể làm trên máy. Nhiều khi, mình chỉ ước là có sức khỏe, thời gian để làm tốt công tác giảng dạy và nghiên cứu hơn”.

Trong câu chuyện của Bùi Đình Hợi, điều anh còn thấy có lỗi là chưa dành nhiều thời gian cho con. Anh nói như tâm sự: “Hai vợ chồng cùng giảng dạy và nghiên cứu. Lắm lúc, phải cho con chơi điện thoại để “yên ổn” làm việc dù rất hiểu công nghệ không có lợi cho con nhỏ”. Trăn trở đó, theo vị phó giáo sư 36 tuổi sẽ được anh cân bằng hơn khi giờ đây anh đang vạch mốc thời gian hợp lý hơn. Anh khẳng định, vợ chồng anh đã đoàn tụ tại Huế và giảng dạy cùng trường, đó là cơ hội để anh vừa có thêm thời gian lo cho con vừa thực hiện mục tiêu lớn hơn, nghiên cứu những công trình chất lượng và có giá trị hơn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

TIN MỚI

Return to top