ClockChủ Nhật, 04/06/2017 06:50

Phố tây không chỉ có tây

TTH - Tuyến phố tây: Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu không chỉ đông khách nước ngoài mà bây giờ luôn dập dìu người trẻ tuổi, có người tìm đến đây với nhu cầu học hỏi, giao tiếp, mưu sinh, nhưng cũng có người tìm đến để biết thêm "cảm giác lạ".

Một góc “ngã tư quốc tế” Chu Văn An – Võ Thị Sáu đông đúc bạn trẻ Huế về đêm

Chiều vừa tàn, gửi xe ở một góc nhỏ, chúng tôi tản bộ quanh phố tây. “Ngã tư quốc tế” kìa, dừng lại làm ly nước rồi đi tiếp - một người bạn đề nghị. Vừa nghe, nhiều người ồ lên vì tên gọi “ngã tư quốc tế” khá thú vị.

Hỏi mới biết, từ ngày ngã tư Chu Văn An – Võ Thị Sáu nơi giao nhau các tuyến phố tây được chỉnh sửa khang trang, nơi này trở thành một điểm đến sầm uất. Và, cái “địa danh” ấy ra đời từ đó.

Cái hay ở ngã tư này đó là không gian quán bia bao giờ cũng đông khách, lẫn lộn tây ta. “Ở đây vui lắm, món ăn tây, ta gì cũng có, khách Việt chủ quán đưa thực đơn bằng tiếng Việt, còn người tây họ có thực đơn bằng tiếng Anh. Ai đến đây, dù không quen biết nhưng gặp nhau là cười, ngồi lâu hơn tí có thể nhập bàn, giao lưu rồi hát hò. Rứa mới biết giới trẻ mình cũng đang hòa nhập và “chịu chơi”, Nhật Trường (27 tuổi, TP. Huế) người tự nhận thường xuyên đến phố tây chơi hào hứng nói.

Một bạn trẻ mưu sinh nghề bán hàng lưu niệm trên phố Tây

Lân la một hồi, Trường dẫn chúng tôi làm quen với nhiều người, chủ yếu là bạn trẻ Huế. Ai cũng áo quần lịch sự, gặp là cười nói, chia sẻ vui nhộn. Rồi cách chơi cũng tây. Ai ăn phần nào, uống cái gì thì tự trả cho mình. Trường kể, người trẻ tìm đến phần vì tìm cảm giác vui nhộn, phần vì giá cả rất bình dân, phù hợp túi tiền. “Nhưng có nhiều bạn trẻ đến đây không phải để vui chơi mà tìm kiếm cơ hội cho chính mình. Họ tranh thủ gặp khách nước ngoài để trò chuyện nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tìm công việc thử sức mình trước ngày ra trường, cũng có người mưu sinh bằng những món hàng lưu niệm”, Trường nói thêm trước khi cùng chúng tôi tiếp tục dạo vòng các tuyến phố.

9h đêm, khung giờ khách ở phố tây tập trung khá đông cũng là thời điểm nhiều để nhiều bạn trẻ mưu sinh. Dưới ánh đèn trên mặt cuốn menu đặt ngay lối ra vào cửa hàng trên đường Phạm Ngũ Lão, một bạn trẻ đang nhiệt tình giới thiệu các món ăn cho du khách nước ngoài. Cô gái nhỏ nhắn ấy tên Kiều Diễm, có 2 năm chạy bàn chuyên phục vụ khách tây.

Diễm kể từng là sinh viên trường chuyên đào tạo du lịch. Hồi còn đi học đã làm thêm ở khu phố này với mức lương tự nuôi đủ bản thân và tích góp cho mình một chút ít kinh nghiệm nghề. Với Diễm, đã làm nghề này thì tính chuyên nghiệp phải đặt lên hàng đầu. Nhiều khách khó tính tới mấy cũng phải cười thật tươi. “Mang tiếng là phố tây nhưng thời gian sau này, khách Việt, nhất là bạn trẻ Huế còn đông hơn nhiều. Các bạn ấy khá thoải mái trong việc vui chơi, giải trí... Nhưng có cái dở là xả rác bừa bãi”, Diễm thốt lên giữa câu chuyện và như cũng ngầm nhắc chúng tôi.

Một người thâm niên hơn Diễm khi có hơn 10 năm bán hàng lưu niệm ở khu phố tây là Quỳnh. Và tất nhiên, Quỳnh cũng là người chứng kiến nhiều thay đổi nơi này. “Ngoài bar, quán ăn thì quán cà phê mọc lên dày đặc, chủ yếu phục vụ cho bạn trẻ Huế. Tới đây vừa vui, vừa "sang chảnh", lại không đắt nên ai cũng thích. Mà nhiều khi khách ta chịu chi hơn khách tây”, Quỳnh chia sẻ sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng, và chỉ từng quán. Mỗi quán ở đây mang một dấu ấn, kiến trúc riêng nhưng có điểm chung phong cách hiện đại, trang trí đẹp với mục đích chính đáp ứng nhu cầu chụp ảnh của giới trẻ mỗi khi “check-in”.

Càng về khuya, nơi đông vui nhất ở đây có lẽ là DMZ Bar ở đầu đường Phạm Ngũ Lão, nơi giao nhau với đường Lê Lợi. Tiếng nhạc, tiếng cười nói rộn ràng ngay lúc bước vào cửa. Đâu đó, một vài người nhún nhảy theo điệu nhạc. Hình ảnh bạn trẻ Huế cũng chiếm phần đông trong quán, nếu bạn đến đây sẽ rất dễ bắt gặp người quen. “Ban đầu mình chỉ đi cho biết. Riết rồi thấy thích. Không phải vì mê bia rượu, mà ghiền cái không khí ở đây. Nó vui nhộn, giải tỏa căng thẳng của bộn bề công việc sau một ngày dài”, Nguyễn Bá Vương (dân kiến trúc) nói như hét bên tiếng nhạc khi chúng tôi hỏi lý do tìm đến không gian này.

Anh Lê Xuân Phương, chủ DMZ Bar kể, chừng ba năm trở lại đây, nhiều người Huế đã có góc nhìn khác về phố tây thay vì nghĩ khu này là riêng biệt, dành cho ăn chơi, xa xỉ. Đến đây, họ tìm được cảm giác thoải mái, được giao lưu với người nước ngoài, hướng đến xu hướng hội nhập văn hóa, nâng cao trình độ ngoại ngữ...

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
“Tắm rừng”

Khi những “cánh cửa” di sản văn hóa được mở dần theo năm tháng, những “cánh cửa” về cảnh quan thiên nhiên cũng đang tiếp tục được mở ra… mang đến cho du khách về một Cố đô độc đáo vô cùng.

“Tắm rừng”
Du khách trải nghiệm ngắm tết Huế trên xe buýt thoáng nóc miễn phí

Hơn 10 giờ sáng ngày mùng 1 Tết (ngày 10/2), 2 chiếc xe buýt hai tầng thoáng nóc (City Sightseeing) bắt đầu lăn bánh chở khách tham quan thành phố Huế. 84 hành khách may mắn đầu tiên của năm Giáp Thìn được Công ty cổ phần Ngắm Cảnh Việt Nam - Chi nhánh Huế tặng vé miễn phí.

Du khách trải nghiệm ngắm tết Huế trên xe buýt thoáng nóc miễn phí
Return to top