ClockThứ Tư, 28/10/2015 09:52

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngăn chặn ngay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép

TTH.VN - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm, phòng chống khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu ngăn chặn ngay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

 

Phó Thủ tướng nêu rõ: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang khiến xã hội rất bất bình. Một vài địa phương có dấu hiệu bao che cho người khai thác cát, sỏi trái phép.

Do vậy, tại cuộc họp này, các bộ, ngành, địa phương cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đề ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể từ Trung ương đến địa phương, đồng thời tìm hiểu xem sự giám sát của nhân dân như thế nào? Làm điều này là để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Phải xác định rõ, “cát tặc” là một loại tội phạm, để có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại: Qua việc kiểm tra trực tiếp, bất ngờ tại huyện Thường Tín (Hà Nội), đoàn công tác thấy nhiều đống cát khai thác trái phép. Thành phố Hà Nội xử lý việc này ra sao, có hay không việc “bảo kê” cho vấn nạn này?

Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện Luật Tài nguyên và khoáng sản, xử lý nghiêm những cán bộ có dấu hiệu vi phạm, bảo kê; kịp thời biểu dương những tấm gương trong công tác chống “cát tặc”; tuyên truyền mạnh mẽ hơn đến các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức và đấu tranh chống tình trạng khai thác lậu cát, sỏi. Đồng thời, xem xét dừng việc cấp mới khai thác cát nhiễm mặn.

Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần vào cuộc quyết liệt, ráo riết, lập các đoàn kiểm tra tại các địa phương để chấn chỉnh công tác khai thác cát. Chẳng hạn, Bộ Công an cần vào cuộc điều tra, xử lý hình sự các vụ việc nổi cộm. Các địa phương xem xét lại việc cấp phép khai thác cát, sỏi. Phân rõ vùng giáp ranh giữa các tỉnh để làm rõ trách nhiệm cụ thể của địa phương, lực lượng chức năng khi có sai phạm xảy ra.

Ở đâu để xảy ra nạn khai thác trái phép, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bí thư, chủ tịch, trưởng công an nơi đó phải bị xem xét đầu tiên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, hằng tháng, hằng quý, các địa phương phải báo cáo kết quả xử lý việc khai thác cát, sỏi trái phép lên Thủ tướng Chính phủ, cũng như công bố đường dây nóng để nhân dân phản ánh tình trạng nêu trên kịp thời và hiệu quả.

Cũng tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, phải đưa vào quản lý nề nếp các loại vật liệu xây dựng để sử dụng lâu dài, hiệu quả. Tình trạng khai thác cát trái phép phải xử lý nghiêm; lập kênh thông tin nóng từ cấp xã đến Trung ương để người dân phản ánh đến cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.

Việc nạo vét đường thủy nội địa cũng bị không ít đối tượng lợi dụng, dẫn đến phá hủy lòng sông, ảnh hưởng đến dòng chảy.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị dừng cấp mới việc xuất khẩu cát nhiễm mặn, vì việc này sẽ dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển. Các giấy phép đã cấp thì kiểm tra, lấy ý kiến của địa phương về tình hình này. Bộ Công an cần tăng cường, xử lý mạnh hơn tại một số địa phương còn khó khăn trong công tác xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu chỉ ra một số luồng tuyến trọng điểm để xảy ra nạn khai thác cát trái phép như sông Hồng, sông Đà, sông Cầu, sông Thái Bình, sông Trà Lý, sông Kinh Thầy, sông Lai Vu... ở miền Bắc; sông Mã, sông Chu, sông Lam, sông Hiếu, sông Hương, sông Hàn, sông Thu Bồn... ở miền Trung; sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... ở miền Nam.

Hầu hết các phương tiện vi phạm không có đăng ký, đăng kiểm; các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng các phương tiện lớn như sà lan tải trọng lớn, ghe sắt, ghe gỗ để khai thác cát trái phép.

Theo thống kê, cả nước có hơn 500 giấy phép bến bãi, kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát do cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, có hàng trăm bến bãi khác hoạt động không phép, nằm sát đê ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn đê điều trong mùa lũ.

Theo Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trên sông và cửa biển rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là tại các địa bàn giáp ranh chưa được xác định địa giới hành chính trên sông, hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương.

Đề cập vấn đề khai thác cát, sỏi trái phép, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, tình hình tuy phức tạp nhưng nếu các địa phương vào cuộc quyết liệt chắc chắn sẽ có chuyển biến. Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu đưa những hành vi này vào Bộ luật Hình sự sửa đổi nhằm xử lý nghiêm minh, hạn chế vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương nêu lên thực trạng khó khăn trong công tác chống khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Các địa phương đều cho rằng đã chỉ đạo xử lý kiên quyết việc thác cát, sỏi trái phép và tình trạng này đã có dấu hiệu lắng xuống. Tuy nhiên, không lãnh đạo địa phương nào đề cập đến việc có hay không tình trạng “bảo kê”, “bao che” cho tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: Hà Nội đã ban hành các văn bản trong quản lý khai thác cát, sỏi trái phép. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật đến nhân dân.

Hà Nội cũng kiểm điểm nghiêm túc về những tồn tại trong việc quản lý thác cát, sỏi; tuy nhiên, công tác này vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm, nhất là vùng giáp ranh với Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Một số tỉnh đã cấp phép khai thác cát chồng lấn sang địa giới hành chính thuộc Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho rằng, từ tháng 7/2013 đến nay, nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Tình hình được khắc phục cơ bản với việc chỉ đạo các ngành vào cuộc ngăn chặn đã hạn chế tình trạng này.

 

Theo VPCP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân

Ngày 28/3, ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp dân tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cùng dự buổi tiếp dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, TX. Hương Trà, lãnh đạo phường Hương Xuân và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top