ClockThứ Năm, 14/09/2017 13:19

Phòng chống bão số 10: Cấm biển, di dời dân vùng ven biển, đầm phá...

TTH.VN - Theo Trung tâm Khí tưởng Thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 10, khu vực Bắc và giữa biển Đông có mưa bão; gió giật cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, 11, vùng gần tâm bão qua cấp 12, giật cấp 15. Dự báo từ ngày 14-16/9, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa cả đợt từ 100 – 250mm.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Sáng 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì đã họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống bão số 10. Phía đầu cầu Thừa Thiên Huế tham dự có Chủ tịch UNBD tỉnh Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở ngành.

Nhằm chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ gây ra, toàn tỉnh đã thu hoạch gần hết diện tích lúa vụ hè thu. Hiện còn 875 ha lúa đang non, chưa thu hoạch tập trung ở huyện A Lưới, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển tăng cường số lần bắn pháo hiệu báo bão theo quy định, sẵn sàng phương tiện ca nô để phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền vào khu tránh trú an toàn.

Đến 17 giờ ngày 13/9, toàn tỉnh có 138 phương tiện với 1.320 lao động đánh bắt xa bờ chủ yếu họat động tại vùng biển tiếp giáp Đà Nẵng đến đảo Cồn Cỏ đã nắm được thông tin về hướng đi của bão số 10, dự kiến đến 10 giờ ngày 14/9, toàn bộ phương tiện tàu thuyền sẽ về nơi tránh trú an toàn và sẽ tổ chức cấm biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá, hiện mực nước các hồ chứ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và an toàn, không có công trình nào đang triển khai thi công. ‘Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường kiểm tra để đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương. Các đập thủy lợi ngăn mặn, gồm: đập Cửa Lác đã mở 70/70 cửa, đập Thảo Long đã mở 2 cửa, khi có mưa lũ, tỉnh sẽ chỉ đạo mở tất cả 15 cửa để đảm bảo thoát lũ’, ông Phương nhấn mạnh.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu/106.104 hộ. Dự kiến đến 19 giờ ngày 14/9, sẽ hoàn thành việc sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn. Chủ động dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt năm 2017 với hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100 nghìn lít xăng, 100 nghìn lít dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa… Ngoài ra tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ lương thực và hướng dẫn người dân ở các cùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu 7 ngày cho gia đình để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm tra các công trình đang thi công, khu công nghiệp, kho tàng, nhà xưởng, hệ thống cột anten, di tích văn hóa, các ngầm, đò ngang…;  hướng dẫn người dân giằng chống nhà cửa, cảnh báo lều trại nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc, thuốc men. Tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ động cho học sinh các cấp nghỉ học từ ngày 15/9; các sở, ngành liên quan đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú tại địa phương.

Ngay sau buổi họp trực tuyến, Chủ tịch UNBD tỉnh Nguyễn Văn Cao đã triển khai một số nội dung nhằm phòng, chống bão số 10. Theo đánh giá, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp. Do đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra hệ thống thủy lợi để đảm bảo cho việc tiêu úng số diện tích lúa hè thu còn lại nhằm giảm tối đa thiệt hại; các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra công tác chằng chống nhà cửa, việc neo đậu tàu thuyền và người trên tàu thuyền để kiên quyết đưa lên bờ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

* Cũng trong sáng nay, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế Nguyễn Thanh Tuấn Anh cho hay, chiều 14/9 sẽ cho dừng thi công tất cả các tuyến thi công đường cống trên địa bàn, với khoảng từ 60-70 điểm thi công, đồng thời toàn bộ các hạng mục đang thi công của Nhà máy xử lý nước thải với khoảng hơn 200 nhân công đang làm việc cũng được cho nghỉ từ chiều 14/9 đến lúc nào thời tiết ổn định mới thi công trở lại.

Hiện, các đơn vị thi công cùng với Ban quản lý dự án, các đội giám sát… tiến hành kiểm tra, rào chắn công trình, đặt biển cảnh báo để tránh nguy hiểm cho người đi đường. Đối với một số khu vực bị đọng nước do mưa, đơn vị thi công tiến hành đổ đất đá, san lấp mặt đường để dễ đi lại. Các khu vực ở cuối vùng hạ lưu được tập trung khơi thông cống rãnh, dòng chảy để thoát nước.

Đơn vị thi công đổ đất đá để lấp vũng nước đọng ở đường Dương Văn An trong sáng 14/9. Ảnh: Tâm Huệ

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh lo lắng, đối với những điểm rào chắn bằng tôn hoặc lưới thép B40, dù đã chỉ đạo các đơn vị thi công buột dây, cột kỹ song nếu bão to, mưa lớn, khả năng rơi, đổ tấm che ra đường khó tránh khỏi, do đó, người dân cần cẩn trọng hơn khi ra đường trong lúc mưa bão.

Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn cho hay sẽ cử người thường xuyên, kiểm tra tại các điểm thi công để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

*Liên quan đến việc chỉ đạo các đơn vị thi công đảm bảo an toàn trước, trong và sau cơn bão số 10, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song cho biết, UBND TP. Huế đã chỉ đạo các đơn vị thi công kịp thời thu dọn cần cẩu để đảm bảo an toàn, đồng thời tiến hành cắm cọc tiêu, đặt biển cảnh báo ở những nơi thi công để người dân biết. Các đơn vị như cây xanh, môi trường đô thị thường xuyên túc trực 100% để tiến hành xử lý nếu có cây gãy đổ phải kịp thời cắt dọn để đảm bảo giao thông và dọn dẹp vệ sinh sau bão lũ. Các địa phương chủ động, sẵn sàng trong việc di dời người dân ở vùng xung yếu, đồng thời tổ chức trực 24/24 để kịp thời xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Lãnh đạo TP. Huế cũng giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động có kế hoạch để cho học sinh nghỉ sớm nếu bão đổ vộ vào Huế gây mưa to, lũ lớn.

Đến 13h, tất cả tàu thuyền ở Phú Lộc đã vào bờ tránh trú bão an toàn

Ban chỉ huy phòng TCTT & TKCN huyện Phú Lộc cho biết, đến 12h trưa 14/9, tất cả tàu thuyền trên địa bàn huyện đã vào bờ trú tránh an toàn.

Theo Ban chỉ huy TCTT & TKCN huyện Phú Lộc, công tác đối phó với bão số 10 đã được triển khai. Toàn bộ diện tích lúa vụ hè thu và hoa màu đã thu hoạch xong. Khoảng 60% lồng cá đang thả nuôi đã được néo cột lại an toàn. Các địa phương tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá không được rời bến khi bão đổ bộ.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, địa phương có gần 2.000 lồng cá. Trước tình hình mưa bão, xã đã yêu cầu người dân tiến hành kiểm tra lại các lồng nuôi, dùng dây nối các lồng lại với nhau tránh bị trôi dạt. Nếu mưa kéo dài sẽ tiến hành đưa các lồng xuống đáy để có độ mặn cao hơn.

Người dân xã Vinh Hiền giằng chống tàu thuyền trước khi bão vào đất liền

Tại xã Lộc Vĩnh, đến 13h, toàn bộ tàu đánh bắt gần bờ đã vào neo đậu ở sông Lạch Giang. UBND xã Lộc Vĩnh cũng đã lên phương án di dời các hộ dân sống hai bên bờ sông Bù Lu nếu có sạt lở xảy ra.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho hay, qua nắm tình hình người thân của các thuyền đánh bắt xa bờ, tất cả đã vào trú tránh an toàn ở Thuận An, một số vào trú ở Đà Nẵng. Riêng tàu thuyền đánh bắt gần bờ tất cả đã vào bờ.

Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng giáo dục huyện Phú Lộc cho biết, chiều 14/9 và ngày 15/9, toàn bộ học sinh trong hyện được nghỉ học

* Một số hình ảnh người dân chuẩn bị ứng phó bão số 10:

Tàu thuyền về nơi trú ẩn

Ngư dân hối hả vận chuyển cá tại cảng Thuận An

Thu hoạch lúa tránh bão. 

Thuyền được ngư dân chuyển đến nơi cao ráo

Ngư dân chuyển ngư lưới cụ đến nơi an toàn. 

Các hộ nuôi cá lồng tại xã Hải Dương (TX Hương Trà) đội mưa kiểm tra cá. 

Tin, ảnh: Lê Thọ - Hà Nguyên - Tâm Huệ - Đức Quang

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phương án ứng phó mưa lớn

Dự báo có mưa lớn, vùng tâm điểm mưa có nơi lên đến trên 800 mm, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện được yêu cầu vận hành để đưa về mực nước thấp nhất, sẵn sàng đón lũ; các địa phương tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn trước ngày 25/11.

Chủ động phương án ứng phó mưa lớn
Return to top