ClockThứ Sáu, 05/06/2015 15:08

Phòng chống MERS xâm nhập Việt Nam: Siết mọi cửa khẩu

TTH.VN - Từ 0h hôm nay (5/6), tại tất cả các cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường thủy và đường bộ trên toàn quốc, áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch MERS, bao gồm: Ảrập Xêút, Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Oman, Yemen, Kuwait, Lebanon, Jordan, Iran, Bahrain và Hàn Quốc.

Hành khách Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam tối 3/6 điền tờ khai y tế. Ảnh: Ngọc Châu 

Hành khách Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam tối 3/6 điền tờ khai y tế

Giám sát 24/24h

Tại khu vực cửa khẩu, đặt các poster về khuyến cáo của Bộ Y tế phòng chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) bằng 3 ngôn ngữ (Việt-Anh-Hàn Quốc), có biển báo hướng dẫn hành khách cần chủ động khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày và phát hằng ngày clip truyền thông của Bộ Y tế về phòng chống MERS-CoV để tuyên truyền cho hành khách nhập cảnh.

 Trước nguy cơ MERS-CoV có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua đường cửa khẩu hàng không, đại diện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, để chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch MERS-CoV, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng chống tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tại sân bay, đã triển khai tờ khai y tế và máy đo thân nhiệt đối với khách nhập cảnh đến từ các vùng có dịch. Kế hoạch được vạch ra để đối phó ba tình huống. Tình huống thứ nhất là khi chưa có hành khách có biểu hiện MERS-CoV trên các chuyến bay quốc tế đến nhưng dịch có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Tình huống hai là phát hiện có hành khách nghi ngờ nhiễm MERS-CoV trên máy bay. Tình huống ba là có dịch lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm bổ sung các bàn khai và cán bộ hướng dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khai tờ khai y tế. Để tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm dịch y tế khi có nhiều chuyến bay đến cùng lúc, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp chặt chẽ với bộ phận cảng vụ làm việc với các hãng hàng không chuyển tờ khai y tế lên các chuyến bay để hành khách khai báo ngay trên máy bay. Hiện tại, sân bay Nội Bài mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc và Trung Đông đến Hà Nội với trung bình 200 hành khách trên mỗi chuyến bay.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận cảng vụ bố trí thêm 2 khu vực cách ly tại nơi nhập cảnh phòng trường hợp có nhiều ca bệnh nghi ngờ. Trung tâm bố trí 2 ca làm việc/ngày, 7 cán bộ/ca, trực làm việc 24/24h.

 Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết nếu phát hiện ca bệnh nghi ngờ, sẽ cách ly và chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tổ chức giám sát dịch tại
cộng đồng.                     

Chiều qua (4/6), Sở Y tế thành phố Đà Nẵng họp khẩn cấp với các bệnh viên và trung tâm y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác phòng chống lây nhiễm MERS-CoV. Đà Nẵng đón 22 chuyến bay thẳng từ Hàn Quốc mỗi tuần, mang theo khoảng 4.500 hành khách; 63 chuyến bay/tuần với 12.000-13.000 người từ Trung Quốc tới, ngành y tế thành phố lo ngại dịch MERS-CoV sẽ vào Đà Nẵng.

Sở Y tế đã áp dụng tờ khai y tế, đo thân nhiệt, điều tra dịch tễ đối với hơn 200 hành khách từ Hàn Quốc và Trung Quốc tới Đà Nẵng từ 3/6. Tiếp đó, ngày 4/6, cho áp dụng tờ khai y tế cho các du khách Hàn Quốc đi bằng đường tàu biển đến thành phố. Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã sẵn sàng phương án phòng chống dịch với 2 đội phòng chống dịch cơ động, 90 bộ quần áo chuyên dụng, 1.500 kg chloramin B…

TPHCM: Nguy cơ MERS xâm nhập rất lớn

Chiều 4/6, đoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu, đã làm việc tại 2 bệnh viện lớn của TPHCM nhằm kiểm tra khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân MERS-CoV.

  

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (giữa) kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân MERS-CoV tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại về tốc độ lây lan MERS-CoV ở Hàn Quốc - quốc gia có mối thông thương lớn với Việt Nam. Theo ông Long, trong số 35 ca mắc tại Hàn Quốc, đáng lo ngại có những ca lây nhiễm thế hệ thứ 3, tức đã có người bị lây mà không qua tiếp xúc trực tiếp với ca mắc đầu tiên. 

Thứ trưởng Long cho rằng, nguy cơ MERS-CoV thâm nhập vào Việt Nam rất lớn, đặc biệt là phía Nam. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 2.000 khách đến TPHCM và 1.000 khách đến Hà Nội từ Hàn Quốc. Ngoài các biện pháp giám sát tại cửa khẩu, tại các cơ sở điều trị, phải hết sức chú ý yếu tố dịch tễ người đến từ vùng dịch. “Do thời gian ủ bệnh lâu (2-14 ngày) kèm biểu hiện lâm sàng của MERS-CoV rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp, cảm cúm thông thường khác, nên hễ thấy bệnh nhân sốt, đau đầu, buồn nôn thì bác sĩ phải hỏi ngay trước đó bệnh nhân có đến, đi từ vùng dịch hay không”, ông Long lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn,  Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân MERS-CoV, gồm trang thiết bị hồi sức cấp cứu, máy thở, vật tư y tế, hóa chất… Bệnh viện cũng thiết lập đường dây nóng với các bệnh viện tuyến tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, lo ngại nhất là tình trạng lây nhiễm chéo khi lượng bệnh nhân đến viện rất đông, lên đến 2.700 bệnh nhân/ngày, chưa kể thân nhân đi theo. “Do đó, nếu có ca MERS-CoV vào viện, nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ rất lớn”, ông Sơn cảnh báo.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Khoa Khám bệnh đã có kế hoạch phân loại bệnh nhân. Ngoài ra, để phục vụ công tác quan trọng của bệnh viện là tiếp nhận những trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV chuyển về từ sân bay Tân Sơn Nhất, Khoa Nhiễm D đã triển khai khu cách ly, với các phòng cách ly áp lực âm hiện đại. Bệnh viện cũng đủ khả năng chẩn đoán, xét nghiệm MERS-CoV.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trường hợp hành khách đi về từ vùng dịch có biểu hiện nghi ngờ MERS-CoV sẽ được cách ly theo quy định và xét nghiệm hoàn toàn miễn phí.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, MERS-CoV xuất hiện lần đầu tiên tại Ảrập Xêút vào tháng 9/2012 do virus corona (từ dơi lây sang lạc đà, từ lạc đà lây qua người) gây ra. Từ đó đến nay, bệnh đã xuất hiện tại 26 nước với 1.179 ca mắc và 442 người tử vong (tỷ lệ tử vong 40%). Tại Hàn Quốc, kể từ trường hợp đầu tiên phát hiện vào đầu tháng 5, chỉ trong vòng 2 tuần đã tăng lên 35 bệnh nhân, trong đó có 2 ca tử vong.
Theo Tiền Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top