ClockThứ Hai, 13/05/2019 06:00

Phòng, chữa cháy ở các chợ: Chỉ có 2/154 chợ đảm bảo tốt yêu cầu

TTH - Là nơi tập trung đông người, lượng tài sản lớn với những hoạt động dễ phát sinh cháy nổ cao, trong khi, lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) vừa thiếu, vừa yếu, nên các chợ truyền thống đang canh cánh nỗi lo cháy.

Tập huấn an toàn lao động và phòng chống cháy nổPhổ biến, quán triệt về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạnHơn 200 hộ kinh doanh được tập huấn kiến thức và thực hành phòng cháy chữa cháy

Hằng năm, chợ Đông Ba thường tổ chức huấn luyện, diễn tập PCCC cho cán bộ công nhân viên, tiểu thương của chợ

2/154 chợ đảm bảo hạ tầng, trang thiết bị 

Toàn tỉnh hiện có 154 chợ đang hoạt động; trong đó, 4 chợ hạng 1, 21 chợ hạng 2 và 129 chợ hạng 3.

Dù công tác PCCC được quan tâm song do tồn tại nhiều khó khăn như: hạ tầng chợ xuống cấp; thiếu lực lượng tuần tra, canh gác; kinh phí đầu tư, duy trì trang thiết bị PCCC và sự hỗ trợ đóng góp từ tiểu thương còn hạn chế, nên nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Không chỉ các chợ hạng 2, hạng 3, chợ nông thôn, ngay cả các chợ quy mô lớn trên địa bàn TP. Huế như: Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, Bến Ngự... vẫn còn thiếu phương tiện, dụng cụ PCCC chưa đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Minh, Phó Trưởng BQL chợ Đông Ba, năm 2016, chợ được UBND TP. Huế đầu tư ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, thiết bị PCCC và hằng năm, BQL chợ chi ngân sách của đơn vị từ 70-100 triệu đồng trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, nhưng so với yêu cầu hệ thống PCCC đối với quy mô chợ loại 1, chợ Đông Ba vẫn chưa đáp ứng đủ, như còn thiếu: hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, camera quản lý giám sát...

Nhiều BQL chợ chia sẻ, muốn trang bị phương tiện, thiết bị PCCC cơ bản cho một chợ nông thôn cần ít nhất từ 400-500 triệu đồng. Trong khi thực tế, nguồn thu của chợ còn "ì ạch", nguồn ngân sách của địa phương hay của DN quản lý chợ còn hạn chế, nên việc đầu tư trang cấp thiết bị PCCC đúng theo quy định gặp nhiều khó khăn.

Ngoài khó khăn về kinh phí, hầu hết các chợ truyền thống đều đã cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, xây dựng liền kề với khu dân cư, không còn phù hợp với tình hình đặc điểm kinh tế, xã hội và tiêu chuẩn về an toàn PCCC hiện hành. Trong khi đó, quy mô, ngành hàng, số lượng, các hộ kinh doanh trong chợ không ngừng tăng lên; chủng loại, số lượng hàng hóa đa dạng, nhiều chợ đã quá tải; các hộ dân xung quanh chợ tận dụng tối đa diện tích không gian xung quanh chợ, vỉa hè để bày, bán hàng quán, lấn chiếm che khuất các trụ cấp nước chữa cháy. Khoảng cách an toàn PCCC, lối ra thoát nạn, giao thông, phương tiện chữa cháy tại chỗ không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Theo ông Phạm Văn Trai, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương, chợ truyền thống có hạ tầng, trang thiết bị PCCC đảm bảo tốt nhất hiện chỉ khoảng 1-2 chợ. Điển hình như chợ Phù Bài (phường Phú Bài, TX. Hương Thủy), chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) mới được xây dựng, có quy hoạch ngành hàng, lối đi, bố trí diện tích lô rộng, thoáng, đảm bảo. Còn lại, hầu hết các chợ do xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục cũ kỹ, hệ thống điện, trang thiết bị phục vụ PCCC không được đầu tư, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên.

Thiết bị PCCC được đầu tư tại chợ Đông Ba

Phòng là chính

Đa phần các chợ đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" do chờ đầu tư nâng cấp xây mới chợ để đồng thời đầu tư cải tạo lại hệ thống điện, PCCC đảm bảo. Nên, trong giai đoạn này, một số chợ chỉ đầu tư từng phần, đồng thời kêu gọi tiểu thương tự trang bị bình bột, xô đựng nước, dụng cụ chữa cháy đề phòng dập tắt kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Điển hình như chợ Đông Ba, ngoài kinh phí từ ngân sách địa phương và BQL chợ trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC, năm qua, đơn vị đã vận động tiểu thương tự trang bị thêm 85 bình bột chữa cháy. Một số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý sang HTX, DN quản lý như chợ Hương Hồ (TX. Hương Trà), Dạ Lê, Mai... (TX. Hương Thủy), Trung tâm thương mại Quảng Điền... đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiểu thương bố trí, sắp xếp, trưng bày hàng hóa trong quầy, sạp theo đúng diện tích quy định, không lấn chiếm lối đi để giữ khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ.

Trong điều kiện cơ sở vật chất về PCCC còn hạn chế, thiếu thốn, biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn PCCC đang được các chợ tập trung thực hiện là tập trung phòng là chính, bằng cách tuyên truyền trên loa phát thanh, nhắc nhở trực tiếp đến các tiểu thương, khách vào chợ cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện, không sử dụng lửa trần; tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đối với từng hộ kinh doanh...

Kinh nghiệm từ các vụ cháy chợ đã xảy ra trên địa bàn trong những năm trước ở chợ Tứ Hạ (TX. Hương Trà), chợ Nong (Phú Lộc), chợ Điền Hải (Phong Điền) đều xuất phát từ nguyên nhân bất cẩn của tiểu thương do sử dụng điện, đốt lửa trần và thiếu sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ chợ. Để đảm bảo an toàn, ngoài việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn PCCC, BQL các chợ phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức thực tập, huấn luyện về công tác PCCC cho toàn thể nhân viên và các hộ kinh doanh biết sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay được trang bị.

Đối với các chợ quy mô lớn, BQL chợ chú trọng tuân thủ bố trí, phân công lực lượng thường trực 24/24, đảm bảo về số lượng khi có sự cố cháy nổ xảy ra để xử lý kịp thời và hiệu quả, nhất là tập trung các khu vực trọng điểm, các đợt cao điểm nắng nóng, dịp lễ, tết.

Năm 2018, có 123/154 chợ có hệ thống cấp điện (chiếm 79,8%), nhưng khoảng 50% số chợ vẫn chưa tách biệt nguồn cấp điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt với hệ thống điện bảo vệ... theo quy định PCCC. Trang thiết bị PCCC tại chợ đa phần là dụng cụ thô sơ. Chỉ có 42,85% chợ có bể chứa nước và 35,7% chợ có máy bơm nước phục vụ công tác chữa cháy.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”

Ngày 1/3, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Ban CHQS 9 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc đồng loạt tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2024.

Huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”

TIN MỚI

Return to top