ClockThứ Hai, 29/01/2018 14:15

Phong Điền bảo vệ cây cổ thụ

TTH - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Phong Điền xuất hiện tình trạng "chảy máu" cây cổ thụ, gây bức xúc dư luận, đặt ra vấn đề giữ gìn, bảo vệ bởi cây cổ thụ không chỉ là di sản mà còn góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cây cổ thụ ở thôn Bồ Điền, xã Phong An đã được bán đi, nhường chỗ cho việc bán đấu giá đất ở

Mới đây, tại thôn Bồ Điền, xã Phong An, một số người dân phản ứng dữ dội khi Ban điều hành thôn Bồ Điền bán 3 cây duối cổ thụ đã trên 50 năm tuổi không thông qua người dân. Khi người mua 3 cây duối đang chuẩn bị di chuyển cây đi nơi khác thì dân làng ngăn cản, bởi theo người dân 3 cây duối là tài sản chung của làng.

Ông Phan Hải Phong, Trưởng thôn Bồ Điền cho biết, 3 cây duối trên là do người dân trong làng trồng với mục đích che nắng lúc nghỉ ngơi khi đi làm đồng. Sau khi vùng này quy hoạch đất ở, Ban điều hành thôn đã họp các trưởng họ để thông báo bán cây. Tuy nhiên, do không thông báo rộng rãi để người dân biết nên đã xảy ra phản ứng. Sau đó, UBND xã đã làm việc với thôn, các họ tộc trong làng Bồ Điền và thống nhất hoàn trả lại số tiền và công thuê đào cây lại cho người mua cây, để tổ chức đấu giá. Ngày 28/12/2017, thôn Bồ Điền đã công khai bán đấu giá 3 cây duối, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và người dân trong làng. Ông Nguyễn Đình Độ là người trúng đấu giá 3 cây duối với tổng số tiền là 30.100.000 đồng. Số tiền trên đã được giao lại cho làng để làm quỹ.

Vấn đề "chảy máu" cây cổ thụ có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân cây nằm trong vùng quy hoạch hay phải di dời để xây dựng các công trình phúc lợi khác còn có nguyên nhân về kinh tế. Không chỉ xã Phong An, tại cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã có nhiều ý kiến về việc làng bán cây cổ thụ quá nhiều. Bà Nguyễn Thị Đường trú tại thôn Cao Ban, xã Phong Hiền cho rằng, việc bán cây cổ thụ làm xói lở đất, ảnh hưởng đến việc sản xuất mùa vụ của người dân.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thừa nhận, cây cổ thụ trên địa bàn khá nhiều, nhất là ở thôn Gia Viên, Cao Ban, La Vần-Trung Cần, Sơn Tùng, Hương Long-Thượng Hòa. Trước tình trạng nhiều cây cổ thụ bị bán đi, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng quê; trong các buổi họp với hệ thống chính trị các thôn, chính quyền địa phương đã đề nghị các thôn không nên bán, chặt phá cây cổ thụ; sắp tới, xã sẽ có văn bản chính thức quy định vấn đề này.

Cây xanh là lá phổi cho môi trường sống của làng, tạo cảnh quan môi trường, giữ đất, chống xói lở khi mùa mưa lũ đến. Trong những cây cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Điền, nhiều nhất là cây vối. Do đây là cây thuốc quý, lá xanh, dáng thế đẹp, có thể làm cây cảnh nên được nhiều người ưa thích. Thời gian qua, nhiều cây vối đã được các làng bán đi để lấy kinh phí trang trải những việc như tu sửa đình làng, tổ chức các lễ hội… Vì vậy, trong một thời gian, số cây cổ thụ đã bị bán đi rất nhiều.

Ông Trần Quang Cườm, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho biết, việc bảo vệ cây cổ thụ được huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua đã có nhiều cây cổ thụ bị bán đi, gây tình trạng mất cảnh quan, ảnh hưởng đến môi trường.

Vấn đề trên, huyện đã đề nghị UBND các xã, thôn, làng, bản đưa vào quy ước, hương ước xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Theo đó, quy định Nhân dân phải có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ cây xanh, trong đó có cây cổ thụ. Ngoài ra, chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, ban điều hành các thôn không được tùy tiện bán, chặt phá cây cổ thụ; trừ những trường hợp cần thiết...

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top