ClockThứ Năm, 22/05/2014 09:04

Phong Điền đầu tư, phát triển bền vững đàn gia súc

TTH - Huyện Phong Điền phấn đấu đến năm 2015 tổng đàn bò đạt 6.000 con, đàn lợn 60.000 con. Huyện tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và cải tạo chất lượng đàn gia súc trên địa bàn theo hướng thâm canh, bền vững bằng nhiều hình thức...

Không ngừng mở rộng quy mô

Để phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò, đàn lợn trên địa bàn, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện ra nghị quyết, với quyết tâm, nỗ lực rất cao. Sau hai năm thực hiện nghị quyết cho thấy, tổng đàn bò, lợn tăng, nhất là tỷ lệ bò lai sind. Các đề án, dự án phát triển chăn nuôi đàn gia súc của huyện tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc phát triển quy mô lẫn chất lượng chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế mà chăn nuôi đã mang lại cho người dân là không nhỏ.

Một mô hình chăn nuôi lợn ở Phong Điền

Bà Ngô Thị Nhân, thôn Triều Dương, xã Phong Hiền tâm sự: “Được xã cấp 2 ha đất, gia đình tui đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, đảm bảo kỹ thuật để thả nuôi 100 con lợn. Những năm qua, nhận thức của người chăn nuôi có những chuyển biến nhất định. Bà con quan tâm nhiều đến chất lượng giống, công tác phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật nuôi dưỡng. Nhờ vậy, nhiều người chăn nuôi ở Phong Hiền có cuộc sống ngày càng khá lên nhanh chóng”.

Qua tiến hành thí điểm chăn nuôi gia súc tại 6 xã vùng nông thôn miền núi của huyện Phong Điền cho thấy, có sự chuyển biến đáng kể. Quy mô, chất lượng nuôi chính là những động lực để thúc đẩy chăn nuôi nơi đây phát triển. 22 hộ ở 6 xã là, Phong An, Phong Hiền, Phong Chương, Phong Hòa, Phong Xuân, Phong Sơn đã đăng ký tham gia, với số lợn nái F1 đưa vào nuôi 220 con, bình quân 10 lợn nái/hộ. Số lợn phối giống đạt kết quả 205 con; số lợn giống để lứa thứ nhất đạt 121 con, với 1.145 lợn con. 3 xã Phong Sơn, Phong Xuân và Điền Hương hiện tiếp tục cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò. 

Với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng đàn bò, đàn lợn, thời gian qua huyện Phong Điền chú trọng đến kỹ thuật phối giống; nhập bò giống ngoại. Lợn nái Móng Cái (Quảng Ninh), Thanh Hóa cũng đã đưa về các địa phương của huyện, thay thế dần những đàn lợn nái kém chất lượng. Huyện cũng đã đầu tư 7.841,2 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp để tập trung tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng lực chăn nuôi cho bà con; xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi có hiệu quả; hỗ trợ nâng cao chất lượng giống... 

Phát triển nhanh, bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, không phải địa phương nào cũng chăn nuôi hiệu quả, mà có những khó khăn nhất định. Lớn nhất chính là sự phát triển đàn bò, đàn lợn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Ông Nguyễn Văn Cho cho rằng, bà con chăn nuôi bò chủ yếu chăn thả tự do, tận dụng các thảm cỏ tự nhiên. Trong khi đó, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, người nông dân chưa áp dụng phương pháp nuôi mới như trồng cỏ để nuôi bò, nên đàn bò trên địa bàn huyện giảm hẳn. Đàn lợn phát triển không ổn định, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi tăng (thức ăn chiếm trên 70% giá thành sản xuất). Thế nhưng, giá bán sản phẩm lại thấp, có nhiều thời điểm giá bán sản phẩm thấp hơn giá trị đầu tư, nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi trong vùng quy hoạch thời gian qua còn thiếu đồng bộ, còn chồng chéo và một số địa phương không thực hiện đúng theo quy hoạch. Phần lớn các vùng chăn nuôi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, chưa huy động hết nguồn nhân lực để tập trung đầu tư xây dựng theo quy hoạch. 

Tổng đàn bò trên địa bàn huyện hiện có 3.007 con (đạt 50,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết), đạt giá trị sản lượng 19,85 tỷ đồng; đàn lợn 25.349 con, đạt giá trị sản lượng 102 tỷ đồng.
 
Toàn huyện có 9 gia trại chăn nuôi bò, với quy mô 10 bò cái sinh sản trở lên; 134 gia trại chăn nuôi lợn; trong đó có 12 gia trại có quy mô nuôi 100 con trở lên.
 

Trên cơ sở đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm, Phong Điền chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục, với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất. Đó là tập trung quy hoạch lại các vùng chăn nuôi một cách hợp lý, bền vững; tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ đầu tư chăn nuôi trang trại, gia trại; từng bước hạn chế chăn nuôi phân tán trong các hộ dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Đại Vui, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương tập trung bố trí quỹ đất để ổn định lâu dài các vùng chăn nuôi tập trung. Gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% trong sản xuất nông nghiệp. Ở các xã vùng cát nội đồng, như: Phong Hiền, Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa; vùng gò đồi, Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Thu và vùng bàu cát, vùng cát ven biển các xã Ngũ Điền phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại. Các xã vùng gò đồi, như: Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Thu... tập trung phát triển chăn nuôi bò trang trại, kết hợp với bố trí quỹ đất để làm bãi chăn thả và trồng thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi. Phong Điền phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lợn nạc đạt 20 – 30% tổng đàn; bò lai chất lượng cao đạt 35% tổng đàn. 

“Cùng với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ chăn nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đầu tư các điểm giết mổ tập trung tại các chợ; khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm từ gia súc trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định.

Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top