ClockThứ Hai, 22/08/2016 05:56
PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO, TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2016

Phòng là chính, ứng cứu nhanh và hiệu quả

TTH - Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN), Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều phương án để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhằm góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 diễn tập công tác PCLB - TKCN

Tăng lực lượng, phương tiện ở địa bàn xung yếu

Trung tá Bùi Đức Sanh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Điền cho biết, do huyện có địa hình khá phức tạp, tỷ lệ đồi núi cao (70%), hàng năm thường chịu nhiều thiệt hại do gió lốc, mưa lũ, sạt lở đất, còn các xã ven biển thường xuyên bị ngập lụt, nên Ban CHQS huyện đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch và các phương án phòng chống lụt bão do Bộ CHQS tỉnh đề ra. Trong đó, tập trung tăng cường lực lượng và phương tiện cho các địa bàn trọng yếu; chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án, phương tiện, lực lượng, nhất là chủ động về tàu thuyền để di dân ra khỏi vùng bão, lũ. Đồng thời, quán triệt các xã biển (Phong Hải, Điền Hải, Điền Môn…) dự trữ sẵn   bao cát, cọc tre, rọ sắt… để kịp thời gia cố bờ biển nếu xảy ra tình trạng sạt lở.

Không chỉ Phong Điền mà các địa phương, đơn vị đều xác định công tác PCLB - TKCN là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.

Trung tá Nguyễn Quyết Tiến, Phó Trưởng ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh cho biết, để làm tốt công tác PCLB -TKCN, hai yếu tố quan trọng là lực lượng và phương tiện phải luôn đảm bảo. Vì thế, ngay từ đầu năm, các đơn vị, địa phương đã lên kế hoạch, kiện toàn lực lượng và rà soát phương tiện, vật chất. Khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra, Bộ CHQS tỉnh có thể huy động hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ, khoảng 15 ngàn dân quân tự vệ tham gia PCLB - TKCN. Đối với các địa bàn trọng yếu, ngoài lực lượng tại chỗ và lực lượng Bộ CHQS tỉnh, còn có sự hỗ trợ lực lượng từ các đồn biên phòng, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh, huyện. Ban CHQS các huyện đã hợp đồng chặt chẽ với người dân để sẵn sàng huy động thêm ghe thuyền, xe tải... phục vụ  sơ tán bà con ra khỏi vùng lũ.

Bộ CHQS tỉnh cũng tích cực đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại: 68 xe ô tô, 20 xuồng máy công suất lớn, xe lội nước và gần 3 ngàn phao cứu hộ các loại; tăng cường luyện tập, diễn tập, tăng lực lượng, phương tiện cho các địa bàn xung yếu, trọng điểm. Mặt khác, thành lập các trung đội cơ động sẵn sàng tham gia ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố huy động các trung đội dân quân cơ động cùng tham gia. LLVT tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án PCLB - TKCN sát với tình hình thực tế, từ đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch PCLB - TKCN trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn xung yếu, trọng điểm như các xã ven biển huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, một số vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất như các xã: Thượng Nhật, Thượng Long (huyện Nam Đông), A Roàng, Đông Sơn, Hồng Thượng (huyện A Lưới)...

Phát huy sức mạnh hiệp đồng

Để thực hiện tốt công tác PCLB – TKCN, Bộ CHQS tỉnh đã lên kế hoạch hiệp đồng năm 2016 với những tình huống, phương án cụ thể. Trong đó, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng đơn vị, đảm bảo chủ động phòng ngừa, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng sẵn sàng cơ động khi có lệnh; phát huy tối đa lực lượng, phương tiện theo phương châm “5 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, vật tư, hậu cần, tự quản tại chỗ); đảm bảo lương thực phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn và lương thực hỗ trợ nhân dân địa bàn trọng yếu với hơn 5 tấn mì tôm, 100 tấn gạo.

Trung tá Nguyễn Quyết Tiến cho biết thêm, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ có thể xảy ra, Bộ CHQS tỉnh đã hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, LLVT Quân khu 5, Vùng 3 Hải quân, Sư đoàn 372 Không quân, LLVT tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng… sẵn sàng cơ động, tham gia PCLB.

 Bộ CHQS tỉnh cũng liên hệ chặt chẽ với các cơ quan dự báo tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai để chủ động công tác PCLB - TKCN; đẩy mạnh tuyên truyền về những tác hại của bão lũ để nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, duy trì nghiêm chế độ trực bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cập nhật tình hình sau động đất ở Nhật Bản:
Gần 100 người tử vong, hơn 200 người đang mất tích

Bị cản trở bởi thời tiết xấu và đường xá hư hỏng, đến ngày 5/1, lực lượng cứu hộ Nhật Bản cho biết sau trận động đất kinh hoàng ngày đầu năm mới, đến nay vẫn còn 222 người đang còn mất tích và số người tử vong đã chạm đến gần 100 trường hợp.

Gần 100 người tử vong, hơn 200 người đang mất tích
Thực hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

Sáng 11/10, UBND huyện Phú Lộc tổ chức tập huấn, thực hành phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2023. Tham dự chương trình có 150 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện và lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn.

Thực hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Vụ lật tàu đánh cá tại Hàn Quốc: Có 2 công dân Việt Nam mất tích

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 5/2 đã chỉ thị lãnh đạo các bộ và cơ quan thuộc chính phủ huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm và hỗ trợ các nạn nhân còn mất tích trong vụ lật tàu ở ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này đêm 4/2.

Vụ lật tàu đánh cá tại Hàn Quốc Có 2 công dân Việt Nam mất tích
Return to top