ClockThứ Bảy, 20/06/2015 10:15

Phóng viên mặt trận

TTH - Tôi vào đến chiến khu Thừa Thiên cuối năm 1965 và nhận “mác” phóng viên Báo Giải phóng của tỉnh ngay hôm sau. Đúng 50 năm rồi!

Tôi học khoa Văn-Sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội cùng lớp cùng khoa với Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Vương Trí Nhàn, Tô Hoàng…, cùng loại “chân cò tay nhện” cả, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có lúc lại là phóng viên mặt trận. Chữ Mặt trận, mới đọc lên đã nghe ùng oàng bom đạn ghê khiếp. Nhưng thực ra, đã vào chiến trường miền Nam thì chuyện bom đạn đã phải làm quen ngay trên đường đi bộ vượt Trường Sơn rồi.

Tác giả trong thời gian dưỡng thương ở Viễn Trình

Nhưng khi “nhập cuộc”, tôi lại ham đi với các đơn vị bộ đội để lấy tin, để “tường thuật trực tiếp”, đến mức có lần tòa soạn đã nhắc nhở hạn chế sự “ham hố” đó. Cũng bởi cả tòa báo chỉ có mình tôi là thực sự ở hẳn vùng sâu mặt trận phía Nam Huế, lại phụ trách cả tuyến cơ sở nội thành. Tôi mà… “toi” thì cũng hơi rắc rối cho cơ quan. Nhớ lại những lần tham gia các trận đánh quận lỵ Phú Thứ, trung tâm Mã thám Phú Bài, đánh hai đoàn Bình định nông thôn số 7 và số 8 ở Dưỡng Mong Thượng, trận chống phản kích của quân Mỹ tại tuyến Chợ Cống-Sân vận động Tự Do trong Xuân 1968, các đêm đi vào vùng địch với đại đội địa phương Phú Vang có cả một tiểu đội nữ, không biết bao nhiêu trận chống càn ở Phú Đa, Phú Xuân; lại các cuộc bị phục kích ở Thủy Cam, Thủy Dương… Tự điểm lại mấy vụ này, tôi ngẩn ra: Răng mình không chết hè? Nói rứa chứ lẽ ra tôi… chết rồi: vụ bị máy bay trực thăng vũ trang UH-1A của Mỹ bắn toạc cả hông, vỡ bụng ở Đông Di Tây, phải khâu cấp cứu 18 mũi và phải khiêng lên rừng, cả năm sau chưa lành. Hai chục năm sau mỗi lần nghe tiếng máy bay, cái bụng và hông còn giật giật.

Giấy chứng nhận phóng viên cấp cho Tô Thế Quảng

Nhớ lần đầu tiên tôi đi trận là vụ tấn công vào quận lỵ Phú Thứ (vùng Hòa Đa, Phú Đa) của tiểu đoàn địa phương tỉnh, có sự phối hợp của bộ đội địa phương Phú Vang. Trận đó do anh Khánh chỉ huy (sau này anh là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy QS tỉnh Thừa Thiên Huế). Tôi ở cùng vị trí của Ban chỉ huy, vòng ngoài cận quận lỵ, vị trí có thể quan sát toàn bộ khu vực. Anh em có khoét cho tôi một cái hố, giống như của các anh trong Ban chỉ huy, để tránh đạn. Nhưng khi súng vừa nổ và mỗi lúc một “tơi bời”, đạn chíu chíu xẹt xẹt, chớp lóa cứ như ngay trên đầu mình, cứ như chỉ chăm chăm vào mình, tôi thực sự… toát mồ hôi, lạnh xương sống! Cảnh ghê khiếp này tôi chỉ biết được… trên phim. Một thoáng tự trách: ai biểu mi làm hoanh, ra vẻ gan dạ đòi đi với bộ đội! Tôi úp mặt sát vách hố. Nhưng liếc qua mấy anh trong Ban chỉ huy thì thấy tất cả đã đứng hẳn trên mặt đất chỉ vào các hướng tấn công của quân ta, ra lệnh qua máy truyền tin để chỉ huy. Không, phải nói mà là hét lệnh. Cứ như những tiếng hét ấy đánh bạt cả hàng ngàn viên đạn bay trên đầu và chung quanh họ. Tiếng hét ấy cũng… đánh bạt cả sự run sợ của tôi nữa. Tôi run run…đứng dậy. Sụp lên sụp xuống vài lần rồi tôi cũng đứng hẳn được. Mình không thể tệ như rứa được! Tự ái của một anh suýt là nhà giáo, lại đã mạnh miệng đòi theo bộ đội đánh đồn, mãi mới được chấp nhận, khiến tôi… đỡ xấu hổ.

Anh Khánh quay sang tôi , động viên:

- Chuẩn bị di chuyển vị trí, theo được không?

Tôi xốc lại ba lô và nắn lại khẩu K54 đeo bên hông, tỏ rõ đã sẵn sàng, nhưng cổ họng khô rốp không nói nên lời.

Đêm đó quân ta san bằng quận lỵ Phú Thứ, gây một tiếng vang lớn vì đây là lần đầu tiên chủ lực tỉnh hạ sơn và tấn công cứ điểm là một quận lỵ. Khi quân rút về đến vùng giải phóng Viễn Trình, anh Khánh xoa vai tôi khen:

-Đi trận lần đầu mà rứa là giỏi đó!

Nghe lời khen mà tôi sướng rơn cả người!

Ở trận Dưỡng Mong Thượng, khi tôi đã “quen trận mạc” hơn, tôi lại có một xúc cảm đặc biệt khác. Quân ta đánh hai đoàn Bình định nông thôn ban đêm thì đến sáng hôm sau quân Sài Gòn phản kích quyết liệt. Đây là nơi xa vùng giải phóng, quân ta ở giữa vòng vây của địch. Lúc đó tôi ở tuyến 2, cùng với những chiến sĩ bị thương nặng đang được Quân y Tiểu đoàn cấp cứu. Đến gần trưa thì tuyến phòng ngự gần đội quân y sắp bị vỡ. Tiểu đoàn trưởng Khánh xuất hiện.

- Ai là đảng viên, đoàn viên còn có thể chiến đấu hãy ra lại tuyến Một!

Một chiến sĩ đầu quấn băng đẫm máu loạng quạng chống khẩu AK đứng dậy. Rồi, người thứ hai, tay buông thõng, ống tay áo toe tua… đứng dậy…

Suốt đời tôi không bao giờ tôi quên những hình ảnh đó. Người đảng viên, người đoàn viên lúc đó sao đẹp đẽ, kiêu hùng đến thế!

***

Trong những năm làm phóng viên mặt trận, tôi cũng có lần phải che giấu nỗi buồn. Đó là buổi sáng chỉ huy đơn vị bộ đội báo cho tôi tin cầu Trường Tiền vừa bị đánh sập trong Tết Mậu Thân, giục tôi mau lên chụp ảnh đưa tin. Nhìn thấy vài cầu đổ ập xuống sông Hương, tôi sững ra và cảm giác khó thở choán hết lồng ngực. Dù biết để ngăn đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ tấn công qua hướng này, bộ đội công binh đã được lệnh phá cầu, lòng tôi vẫn đau buốt, như vừa thấy một người thân đột ngột ra đi. Sau này tôi biết nhiều người dân Huế cũng có nỗi lòng đó như tôi, thậm chí có người đã khóc nấc lên. Nhưng khi đó tôi cố giấu xúc động của mình, sợ chú bộ đội đi với tôi chê tôi…mất lập trường cách mạng! Nghĩ lại thấy mình cũng hèn.

Nỗi buồn những ngày tháng đó thật ra là quá nhiều. Như phải chứng kiến cảnh chết chóc, cảnh làng xóm tan nát vì bom đạn. Gần như không ngày nào không nghe tin hoặc nhìn thấy bộ đội, du kích, cán bộ, dân thường… chết hoặc bị thương, làng xóm bị bom, bị pháo bầy phá nát. Bởi các xã từ Vinh Phú, Phú Đa, Dưỡng Mong cho tới Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân, Minh Thủy là vùng giải phóng, là vùng VC, vùng oanh kích tự do của Mỹ và quân lực Sài Gòn.

Nhưng niềm vui cũng không ít. Mà niềm vui lớn nhất là tôi được mấy mẹ, mấy chị rất thương. Lúc đó tôi còn trẻ, trắng trẻo, “đẹp trai” nữa. Mấy mẹ hay hít hà “thư sinh ri mà chui bụi lủi bờ suốt đêm suốt hôm, bỏ Hà Nội vô đây hứng bom hứng đạn, không biết sống chết khi mô!” Nên tôi đến làng nào cũng được các mẹ các chị lo ăn uống đầy đủ, chu đáo… hết sẩy. Tôi rất thích ăn rau, nên đến mùa cải, đi qua cổng nhà nào cũng nghe tiếng vói ra “Chú Quảng vô đây ăn cởi (cải)!”. Có đêm tôi đang ở Phú Xuân thì giao liên tới giao “một ba lô tài liệu”. Tôi hơi lạ là công văn chi mà cơ quan trên rừng gửi xuống cả ba lô, thì cô giao liên đã cười hì hì:

-“Công văn” rau muống đầu mùa đây! Mấy chị bên Lợi Nông nói anh thích ăn rau muống mà lâu không thấy qua, chắc đang ở bên ni, bắt em mang qua giao tận tay cho anh đó!

Tôi ôm bó “công văn” xanh mướt, còn đẫm nước mà cảm động ứa nước mắt.

Và niềm hạnh phúc lớn lao cũng đến với tôi khi cô học sinh Đồng Khánh, cơ sở nội thành Thu Tím-Phạm Thị Cúc, đã ở bên tôi, chăm sóc tôi từng thìa cháo, lau rửa vết thương hàng ngày cho tôi khi tôi dưỡng thương tại nhà thím Phép ở Viễn Trình, đã thành vợ tôi và là mẹ của ba đứa con gái vô cùng thương yêu của tôi: Diệu Linh, Diệu Lan và Diệu Liên.

Tô Nhuận Vỹ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Thi đua sản xuất tăng năng suất lao động

Sáng 24/4, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh tổ chức ký kết giao ước thi đua hưởng ứng “Đợt thi đua cao điểm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024)" trong các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Thi đua sản xuất tăng năng suất lao động
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Return to top