ClockThứ Ba, 15/03/2016 06:51

Phú Lộc dồn sức giảm nghèo

TTH - Gần đây, Phú Lộc đã dồn sức cho công tác giảm nghèo để nâng dần chất lượng sống của người dân.

Tạo “cần câu”

Năm 2015 là mốc đáng nhớ của ông Nguyễn Trai, thôn Trung Chánh, xã Lộc Điền khi gia đình đã thoát nghèo. Trước đây, ông Trai là trường hợp nghèo ở địa phương. Nhà cửa chỉ là túp lều, tiền bạc túng thiếu, không có điều kiện làm ăn. Hàng ngày, vợ chồng ông bồng bềnh trên chiếc thuyền cũ để mưu sinh bữa đói bữa no. Cuối năm 2013, ông Trai tiếp cận nguồn vốn vay của Hội Nông dân gần 10 triệu đồng để sửa lại chiếc thuyền, mua sắm thêm lưới cụ để thuận lợi theo nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Cầu Hai. Tích lũy từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, ông nuôi cá mú, cá hồng; lúc rỗi rãi lại đi làm thuê, nên tạo được nguồn thu giúp cuộc sống gia đình ổn định dần. Cuối năm 2015, ông Trai nâng cấp lại ngôi nhà hơn 100 triệu đồng nên cũng không còn lo âu mỗi khi mưa gió đến. Dẫn tôi ra xem những lồng cá nuôi bên phá, ông Trai phấn khởi: “Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp gia đình vượt qua cửa nghèo. Bây giờ tôi có đủ điều kiện để làm ăn nên cố gắng không tái nghèo, hướng đến xây dựng cuộc sống tốt hơn”.

Cùng vượt nghèo ở xã Lộc Điền là gia đình ông Nguyễn Bốn ở thôn Lương Điền Thượng. Ông Bốn là 1 trong 5 hộ gia đình xếp vào diện vượt nghèo bền vững của xã vào năm 2015. Ông Trần Anh Tuấn, cán bộ chính sách xã hội xã Lộc Điền cho biết, trước đây, ông Bốn là trường hợp thường được các tổ chức hội đoàn thể địa phương quan tâm vì nằm trong diện nghèo. Từ năm 2012, Lộc Điền triển khai xây dựng xã nông thôn mới như “luồng gió” tạo sức bật mới đưa nhiều người dân thoát nghèo, trong đó có gia đình ông Bốn. Từ những động viên, khuyến khích, tư vấn đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức đoàn thể, ông Bốn mạnh dạn nuôi lợn, khai hoang phát rẫy trồng trọt, thuê đất hoang cải tạo để trồng lúa. Hiện nay, ông Bốn sở hữu gần 1 ha ruộng, 5 sào đất trồng cây rừng, nuôi 4 con trâu và lúc nào trong vườn nhà cũng có đàn lợn thịt 3-5 con.

Ông Cái Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc phấn khởi cho biết địa phương chỉ còn 4% hộ nghèo. Đây là nỗ lực lớn của đô thị trẻ trong những năm gần đây. Ông Minh cho rằng, các giải pháp giúp người dân thoát nghèo chưa mang tầm vĩ mô nhưng ghi nhận rõ nhất là sự nhiệt thành, sâu sát từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền đến hội đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình để giúp bà con vượt nghèo thông qua các mô hình sinh kế phù hợp, như tín chấp vay vốn, chia sẻ cây, con giống, phương tiện lao động. 

Khơi dậy ý chí vượt nghèo

Quyết tâm giảm nghèo là vấn đề chung của xã hội. Ở Phú Lộc có những đặc điểm riêng nên đã có cách vận dụng phù hợp. Ông Ngô Quốc Bình, Phó Phòng Lao động-Thương binh Xã hội huyện chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến gia đình nghèo trên địa bàn là thiếu vốn, thiếu kiến thức trong làm ăn. Do vậy, giải quyết vốn gắn với hướng dẫn người nghèo biết chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh được huyện chú trọng thực hiện trong những năm gần đây thông qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Bình quân mỗi năm, Phú Lộc có hàng trăm hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và được Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp tập huấn về khuyến nông-lâm-ngư. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ việc hỗ trợ cây, con giống ra đời đã giúp bà con nghèo các xã Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Vinh Hưng, Vinh Mỹ…

Qua rà soát, hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Phú Lộc còn 5,03%. Tuy nhiên, tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo thời gian đến không chỉ dựa vào thu nhập mà còn tính đến các dịch vụ xã hội liên quan như y tế, giáo dục, nhà ở...Đó là điều mà các xã vùng biển, ven phá, núi đồi, như Lộc Trì, Vinh Giang, Vinh Hiền, Xuân Lộc, Lộc Hòa đang gặp khó khăn vì đa số hộ nghèo vào diện già yếu, tính ỷ lại, phụ thuộc vào bao cấp vẫn còn nặng, công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế...

Ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho rằng, địa phương đã xây dựng lộ trình, kế hoạch hàng năm để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đơn chiều sang đa chiều theo Đề án tổng thể của Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016-2020. Đó là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút sự tham gia của mọi người dân, sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng trong và ngoài địa phương. Tuy vậy, đó mới là điều kiện cần, với điều kiện đủ là lãnh đạo ban ngành địa phương phải khơi dậy khát vọng thoát nghèo; mỗi gia đình, mỗi người nghèo có ý thức nỗ lực vượt nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ổn định hạnh phúc.

Theo thống kê, năm 2011 toàn huyện Phú Lộc có 3.766 hộ nghèo, chiếm 11,3%, đến cuối năm 2015 số hộ giảm nghèo còn 5,03%.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Return to top