ClockThứ Tư, 22/08/2012 07:46

Phú Lộc đột phá từ giao thông

TTH - Đường sá ở Phú Lộc bây giờ đã thông suốt. Giao thương thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất ở cửa ngõ phía Nam này.

“Nối mạng” xuyên suốt

 

Nhớ thời điểm Phú Lộc mới tách từ huyện Nam Đông để thành lập huyện mới, hệ thống đường sá nơi đây còn cách trở. Trên địa bàn chỉ có tuyến QL1A đi qua là đường nhựa; còn lại là đường đất cấp phối và cát. Tôi nhớ, mỗi lần có dịp thăm bạn bè ở bên kia phá Cầu Hai phải mất hơn nửa ngày, bởi từ Huế phải về Phú Đa, Vinh Phú theo những chuyến đò sang Vinh Xuân, Vinh Thanh (Phú Vang) xuôi theo con đường đầy cát. Vì đường sá như thế, hàng hóa sản xuất không được giao thương, cuộc sống nhiều người dân vùng xa rơi vào tình cảnh nghèo. Tên gọi khu 1, từ các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, Lộc An, Lộc Điền; khu 2 là Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lăng Cô; khu 3 gồm các xã bên kia phá Tam Giang gồm Vinh Hưng đến Vinh Hiền... xuất hiện ở Phú Lộc và lưu vào tâm trí tôi đến bây giờ một phần cũng nói lên sự cách trở về giao thông ngày ấy...

 

Mở đường ngang qua địa bàn thị trấn Phú Lộc

 

Giữa khó khăn như thế, tháo gỡ từ đâu là vấn đề đặt ra cho lãnh đạo chính quyền nơi đây. Sau nhiều trăn trở, Phú Lộc quyết định đầu tư mở rộng giao thông làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Với sự hỗ trợ của Trung ương, tuyến QL 49B qua 5 xã khu 3 được nhựa hóa. Huyện tiếp tục xây dựng nhiều tuyến đường đồng bộ liên thôn, liên vùng hoàn chỉnh.

 

Các trung tâm thị trấn, thị tứ được mở các tuyến đường dân sinh theo nguồn vốn mục tiêu; những tuyến đường chính và các cầu cống trên tuyến nối trung tâm thị trấn Phú Lộc qua Vinh Hiền, Vinh Hưng cũng khởi động. Những năm gần đây, cùng với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Phú Lộc tranh thủ nhiều nguồn vốn tiếp tục nâng cấp đầu tư hệ thống giao thông cấp huyện; như đường Lộc An - Lộc Hòa dài gần 3km; đường chạy ven đầm Cầu Hai nối thị trấn Phú Lộc - Lộc Trì; đường dài 4,5km nối từ QL1A vào khu định cư Bến Ván, xã Lộc Bổn đến Xuân Lộc; đường An Sơn Bổn dài 3km... Năm 2006, các xã vùng khu 2 được Chính phủ phê duyệt trở thành khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hàng loạt đường ngang dọc được nhựa hóa thoáng rộng, tạo ra mạng lưới giao thông thông suốt trong vùng. Ở trung tâm Cầu Hai, thị trấn Phú Lộc bây giờ không còn là vùng đất vắng vẻ như trước. Nơi đây đã hiện hữu nhiều đường vào các khu dân cư, làm cho thị trấn tăng thêm vẻ hiện đại.

 

Đường thôn ngõ xóm ở làng quê cát trắng xã Vinh Mỹ hôm nay

 

Động lực để phát triển

 

Hiện nay, huyện Phú Lộc xây dựng đề án phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm tiếp tục góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển và sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Theo đó, các chỉ tiêu của đề án đề ra như, hệ thống giao thông nông thôn cần xây dựng và nâng cấp trong giai đoạn 2012-2015 là 272,194 km; giai đoạn 2016-2020 là 236,620 km. Giao thông phục vụ sản xuất, kèm theo các cầu cống trên tuyến trong giai đoạn 2012-2015 là 81,20 km; giai đoạn 2015-2020 là 46,74 km. Kinh phí để đầu tư xây dựng trong hai giai đoạn này là hơn 500 tỷ đồng, thông qua các nguồn như: vay vốn từ các tổ chức tín dụng; vốn ngân sách trung ương, địa phương cấp; vốn hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp...

Các tuyến giao thông liên vùng được kết nối tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuyến đường Lộc Bình - Cù Dù, cùng chiếc cầu Tư Hiền hiện đại nhất miền Trung đã bắc qua phá Tam Giang nối đôi bờ giữa trung tâm Phú Lộc đến các xã Vinh Hiền, Vinh Hưng... là một trong những minh chứng cụ thể. Chiếc cầu Vinh Hiền ra đời làm thỏa ước mong của hàng nghìn hộ dân. Họ vốn là những người dân nghèo, chất phác bây giờ đã trở nên năng động đổi mới trong cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình khai thác nuôi trồng thủy hải sản, kinh tế vườn, trang trại chăn nuôi xuất hiện ngày càng nhiều, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hay, các tuyến đường ngang dọc liên thôn thảm nhựa ở khu vực CM-LC là những huyết mạch đột phá trở thành khu kinh tế trọng điểm của miền Trung và cả nước. Hiện tại, nơi đây đã từng bước xây dựng cảng, khu công nghiệp và hàng chục khu du lịch sinh thái mang tầm quốc tế. Khi các tuyến đường đi qua CM-LC, tiềm năng kinh tế của người dân trong khu vực đã đánh thức, cuộc sống người dân đang thay đổi từng ngày.

 

Giao thông thuận lợi, người dân vùng biển, hay vùng núi ở Phú Lộc đã gạt đi tâm lý e ngại khi hàng nông, thủy sản làm ra không tiêu thụ được. Nhớ hôm mới đây về công tác tác ở khu 3, anh Hầu Văn Ánh - một người dân ở thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng chân tình: “Đường sá ở Phú Lộc bây giờ đã thông suốt. Hàng hóa của dân quê làm ra được trao đổi dễ dàng với khắp mọi nơi mà không sợ hư, thối như ngày xưa”. Cũng từ ngày tuyến QL 49B hình thành, tuyến La Sơn-Nam Đông được nâng cấp mở rộng; hay tuyến đường Tây đầm Lập An-Lăng Cô ra đời, những câu chuyện đau lòng về bệnh nhân phải đột tử vì không đi cấp cứu kịp thời do đường sá cách trở đã lùi vào quá khứ. Hơn thế nữa, những tuyến đường đó đã gắn kết vững chắc về an ninh quốc phòng; đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất cửa ngõ phía nam tỉnh nhà.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top