ClockThứ Tư, 30/12/2015 09:30

Phú Thuận thiếu trường học, cơ sở văn hóa

TTH - Chỉ còn hai tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và trường học là xã Phú Thuận (Phú Vang) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng địa phương đang gặp khó trong việc thực hiện hai tiêu chí này.

Nhà cửa, đường sá khang trang

Đời sống nâng cao

Từ khi bắt tay xây dựng NTM, khó khăn và trăn trở lớn nhất đối với chính quyền và người dân nhiều địa phương là tiêu chí thu nhập. Nhưng với xã Phú Thuận, tiêu chí này không chỉ đạt mà còn cao hơn nhiều so với yêu cầu. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 36 triệu đồng/năm. “Chừng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân Phú Thuận đổi thay rõ nét. Số hộ khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo còn rất ít. Người dân xây được nhà khang trang, bề thế, đóng góp tiền của xây dựng hạ tầng, có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Ngô Đức Toan ở xã Phú Thuận tự hào.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận-ông Nguyễn Quang Dân- chia sẻ, đời sống của người dân, diện mạo xã nhà có được như hôm nay là nhờ các thế hệ lãnh đạo địa phương biết tận dụng, khai thác lợi thế tiềm năng, nguồn lao động dồi dào. Biển và đầm phá được xác định có nhiều tiềm năng, là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế-xã hội. Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư nâng cao năng lực khai thác thủy hải sản, trong đó chú trọng nghề đánh bắt xa bờ. Hơn 54 ha nuôi trồng thủy sản các loại, như tôm, cua, cá mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Có đến 65-70% hộ dân chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng hằng năm từ 9 ngàn đến 10 ngàn tấn, doanh thu trên dưới 80 tỷ đồng. Phát huy và tận dụng nguồn lợi thủy hải sản, hàng trăm hộ mở rộng quy mô chế biến nước mắm, có nguồn thu nhập ổn định, làm giàu. Nhiều hộ còn đầu tư kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ… đã vươn lên khá giả.

Có điều kiện về kinh tế, người dân xã Phú Thuận tự nguyện đóng góp tiền, công sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Phần lớn các tuyến đường làng, ngõ xóm, hệ thống đèn chiếu sáng trên đường đều do người dân đóng góp kinh phí xây dựng. Một số trường mầm non, phòng học trên địa bàn được xây dựng từ nguồn kinh phí huy động trong dân. Nhân dân đóng góp trên 200 triệu động để sửa chữa, nâng cấp hai chợ An Dương và Hòa Duân. Các hộ hiến đất xây dựng các công trình đều không cần đền bù, tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã Phú Thuận rất khang trang, sạch đẹp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Sau 5 năm xây dựng NTM, tổng kinh phí đầu tư các công trình trên địa bàn xã Phú Thuận đạt gần 100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, xã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ còn 3,54%, chuẩn mới 5,97%. Số hộ nghèo chủ yếu là người già, neo đơn, bệnh tật. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tổng thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Cần sớm đầu tư trường học, cơ sở văn hóa

Yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, xã đạt chuẩn NTM phải có hệ thống trường học đảm bảo đầy đủ các phòng phục vụ dạy học hai buổi/ngày; số phòng học đạt 70% trở lên so với quy định của tiêu chí. Đồng thời, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, như sân vận động, nhà văn hóa trung tâm xã, nhà văn hóa các thôn phải được xây dựng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân. Trong khi đó, qua rà soát, kiểm tra hai tiêu chí này đều chưa đạt. Tại Trường tiểu học Phú Thuận 1 và Trường tiểu học Phú Thuận 2 có nhiều phòng học bị xuống cấp, chưa có các phòng chức năng, phòng thư viện, hệ thống tường rào chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn môi trường sư phạm. Các trường mầm non vẫn còn thiếu 6 phòng học, các phòng chức năng.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, với Nhà văn hóa Trung tâm xã, dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 3,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí đối ứng 30%. Đến nay, chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí nâng mặt bằng, nhưng chưa có kinh phí đầu tư xây dựng công trình. Xã tận dụng các cơ sở cũ để sửa chữa, nâng cấp làm nhà văn hóa cho 3 thôn, từ nguồn kinh phí vận động trong dân và ngân sách của xã; còn nhà văn hóa các thôn khác cần phải xây mới từ nguồn kinh phí đầu tư cấp trên. Với sân vận động, Trung tâm Thể dục-Thể thao xã, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 6,5 tỷ đồng; địa phương đã có quy hoạch, song chưa thể thu hồi đất vì không có kinh phí đền bù cho người dân.

Theo nghị quyết của Huyện ủy Phú Vang, đến cuối năm 2016, xã Phú Thuận phải đạt chuẩn NTM. Đây là điều trăn trở đối với chính quyền và người dân Phú Thuận, khi hai tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa rất khó thực hiện. Để đạt hai tiêu chí này, chính quyền địa phương cần khoảng 50 tỷ đồng xây dựng các công trình, song số tiền hoàn toàn nằm ngoài khả năng của địa phương. Xã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Phú Vang về việc đầu tư xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhưng kinh phí nằm ngoài khả năng của huyện. Với nguồn kinh phí lớn như vậy cần được đầu tư từ ngân sách tỉnh, hoặc vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
1.000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính

“Hiểu biết về tài chính” là cuộc thi được Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức cho học sinh Trường tiểu học Thủy Biều và sinh viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trong ngày 5/4. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia.

1 000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top