21/01/2016 - 08:38

Phu trầm đánh đu số phận

TTH - Trong cuộc băng núi xẻ rừng để tìm vận may, có những phu trầm vĩnh viễn nằm lại giữa rừng thiêng; có người may mắn trở về sau bao năm thất lạc, trong nỗi mòn mỏi, đợi chờ của người thân…

Tìm “cuộc đổi đời”

Tìm được phu trầm đã “chinh chiến” ở những cánh rừng già từ Việt Nam qua Lào, Malaysia… không phải dễ. Bởi, họ giờ có người muốn vùi chôn quá khứ hãi hùng, có người đã “gác kiếm” trở thành những thợ trầm cảnh với công việc chế tác mưu sinh. Đi ngược lên vùng Thủy Xuân (TP. Huế), may sao chúng tôi được “diện kiến” ông Hồ Đinh (60 tuổi, trú tổ 11), được ông kể lại cuộc xẻ rừng tìm vận may với những người bạn sơn tràng một thuở của mình.

Nhiều phu trầm sau khi “giải nghệ” chọn nghề trầm cảnh mưu sinh

 

Ông Đinh đi trầm từ những năm 1982-1983. Hồi đó, ông cùng những thanh niên ở vùng đất Thủy Xuân, Thủy Bằng, nhảy tàu từ Huế ra tận vùng đất Thanh Hóa, đi ngược lên vùng miền núi phía Tây các tỉnh rồi qua nước bạn Lào để tìm vận may từ trầm. Những cuộc “thượng sơn” đều đi “chui” nên khi các phu trầm có bất trắc, tai nạn đều khó tìm kiếm.

Ông Đinh kể: “Những người bạn một thời đi với tui, có người chết vì rắn rết, có người mất xác vì thổ phỉ bắn. Như trường hợp anh T.T.N (trú tổ 11, khu vực 3) đi phu trầm rồi mất tích vào năm 1986. Chuyến đó, anh N. nhảy tàu chợ từ Huế đến ga Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) rồi cùng 3-4 thợ sơn tràng lên rừng tìm trầm. Đến nay, cái chết của anh N. vẫn bí ẩn. Nghe đâu khi lên rừng, anh em dựng trại nghỉ rồi mất tích tại khe Đá To không còn tìm thấy xác.

Anh N. mất để lại 5 người con, hồi đó cuộc sống khó khăn nên những bạn phu trầm cũng không giúp đỡ gì nhiều được”.

Cũng có những phu trầm khi tham gia tìm “cuộc đổi đời” bên vùng rừng núi của nước bạn Lào thì bị lực lượng chức năng bắt rồi thất lạc gia đình trong mấy chục năm. Như trường hợp ông P.N.N (trú tổ 12) đi tìm trầm những năm 1986-1987. Khi đi khoảng 25 tuổi, chưa vợ con. Sau khi qua Lào rong ruổi trên những cánh rừng già, do đi không có giấy tờ hợp pháp nên ông N. bị lực lượng chức năng Lào bắt. Đến năm 2010, gia đình ở Thủy Xuân mới biết ông N. còn sống. Năm 2013, khi chuẩn bị trở lại Việt Nam để thăm gia đình, ông N. bị đánh chết trong một cuộc ẩu đả vì buôn bán ở đất Lào. Gia đình ở Huế phải cắt cử người qua Lào làm các thủ tục để nhận thi thể ông N. đưa về Việt Nam.

Cây dó trầm giờ đã trồng phổ biến, giải quyết lao động tại Thủy Bằng

Có người phu trầm “may mắn” hơn khi được về quê hương bản quán rồi trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại gánh nặng cuộc đời bươn chải. Đó là trường hợp ông N.V.D (trú tổ 12) cũng đi tìm trầm, bị sốt rét. Khi liên lạc với gia đình, cáng về Việt Nam thì tử vong do sức cùng lực kiệt…

Mất tích trở về

Hiện ở Thủy Bằng có khoảng vài chục người vẫn theo nghề tìm trầm trên các nước bạn. Họ đi theo nhiều kênh khác nhau, chủ yếu là đi theo diện du lịch rồi tìm cách ở lại lao động hay đi “chui” không hộ chiếu qua nước bạn nên địa phương không quản lý được. Những phu trầm này đi vài tháng đến vài năm mới trở về, đời sống bà con cũng không khá giả gì so với người dân sở tại 

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết.

Theo ông Đinh, lớp phu trầm thế hệ như ông giờ đã qua, hiện nay, việc đi tìm vận may ở rừng thiêng nước độc đã ít đi nhiều. Nhưng lớp trẻ hơn bây giờ vẫn chưa từ bỏ giấc mơ đổi đời từ cây dó trầm. Hiện nay, vùng đất Thủy Xuân (TP. Huế), Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), vẫn còn hàng chục phu trầm trẻ tuổi, ngược xuôi trên các cánh rừng Lào, Malaysia… dấn thân vào cuộc hên xui với rừng.

Vừa trở về sau chuyến đi tìm trầm ở Malaysia dài gần một năm trường, anh Huỳnh X (thôn An Ninh, xã Thủy Bằng) đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi tìm, buôn trầm khi ra năm mới. Bắt đầu đi tìm trầm từ năm 1999, đến nay anh X\ có hàng chục chuyến đi ngắn và dài hạn giữa các nước. Các vùng đất anh X đi qua có khi ở những cánh rừng gần thành phố Miri (Malaysia), có khi qua Mường May, Mường Xín (Lào). Mỗi chuyến đi của anh từ 10-15 ngày băng rừng rồi trở ra trung tâm thành phố mua lương thực, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho những chuyến đi rừng tiếp theo.

Trầm anh X làm chủ yếu loại trầm bình thường, có giá từ 2-3 triệu đồng/kg. Rất ít khi anh trúng được loại 1 và 2, giá từ 20-30 triệu đồng/kg. Trầm khai thác của nhóm anh X đưa từ rừng ra được thương lái người Việt qua tận nơi mua, sau đó bán qua Thái Lan, Trung Quốc.

Anh X kể: “Tháng 3 năm 1999, mình cùng một người bạn đi qua khu vực cánh rừng gần Trung Quốc, làm được mấy tháng thì bị truy đuổi. Do hết tiền, muốn ở lại kiếm một chuyến để có thêm kinh phí về nhà nên cứ ở mãi trong rừng. Mình mất luôn số điện thoại gia đình, không liên lạc gì được. Đến năm 2005, khi bạn mình về được mới báo tin mình còn sống ở bên đó. Vợ mình khóc hết nước mắt”.

Bao nhiêu năm lăn lộn ở những cánh rừng già tìm trầm, giờ nhìn gia cảnh anh X cũng chẳng khá khẩm gì so với chòm xóm. Anh X tâm sự: “Mỗi chuyến đi, sau khi trừ ăn uống còn dư 5-7 triệu đồng, gửi về nuôi vợ con. Có người trúng vận may được mấy tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Như hai ông H, T (trú thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng), cuối năm 2014, trúng được hơn 4 tỷ khi làm trầm bên này. Những người may mắn thế rất hiếm, còn phu trầm thời nay đủ ăn, gửi tiền về quê cho con ăn học là may lắm rồi”.

Ở Thủy Bằng, không hiếm những chuyện các phu trầm sau khi “mất tích” một thời gian rồi trở về như thế. Có những người từ bỏ cuộc rủi may, ở nhà theo nghề lẩy trầm, làm trầm hương, trầm cảnh; cũng có người vẫn theo nghề, đánh đu số phận mong tìm “cuộc đổi đời”.

Bài, ảnh: Hà Nguyên
Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP