ClockThứ Năm, 24/03/2016 10:12

Phú Vang: Mô hình thu gom, xử lý rác thải phát huy hiệu quả

TTH - Đề án “Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải” nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Phú Vang đã mang lại hiệu quả bước đầu cho địa phương.

Bắt đầu từ ý thức

Cùng với quá trình đô thị hoá nhanh, nạn ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở Phú Vang ngày càng tăng. Rác thải sinh hoạt, nhất là chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều trên các con đường, ở bãi biển…

Khu sản xuất phân vi sinh ở thôn Thiện Căn, xã Phú Dương

Thời gian qua, một số xã tổ chức thu gom, xử lý rác thải tồn lưu tại khu vực trung tâm xã, các tuyến đường chính, dọc bờ sông, hói,… vào các ngày lễ, tết, sau bão lụt… Hiệu quả thu được từ cách làm này không cao, vì lực lượng không chuyên, chỉ ra quân ở các tuyến đường chính, khu dân cư hay xử lý những đống rác tự phát… Không có điều kiện xử lý rác đúng quy trình, mọi người dùng cách đốt, chôn lấp dưới bãi cát ven biển… Lượng rác thải thu gom, xử lý trên toàn huyện chỉ đạt từ 15% đến 25%.

Từ thực trạng đó, huyện chỉ đạo một số xã gần TP Huế như: Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Mỹ và thị trấn Thuận An thực hiện thí điểm mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy trình. Tỷ lệ rác thải được xử lý tại các địa phương này sau khi thực hiện thí điểm không lâu đã tăng lên hơn 50%. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường lập đề án, nhân rộng mô hình thực hiện trên toàn huyện. Trong đó, 3 xã Phú Thượng, Phú Hải, Phú Mỹ và thị trấn Thuận An thiết lập các tuyến thu gom chính, thành lập đội thu gom từ 12 đến 15 người, trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ như xe đẩy tay loại 0,6m3, xe ba gác cải tiến; riêng thị trấn Thuận An có thêm 01 xe tải nhỏ. Rác được thu gom mỗi tuần 3 lần, tập kết rác về các trạm trung chuyển hoặc các conterner; sau đó xe chuyên dụng của Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế sẽ vận chuyển về bãi xử lý rác thải ở Thuỷ Dương. Các xã, thị trấn còn lại tổ chức thu gom từ hộ gia đình, sau đó tập trung về các trạm trung chuyển để phân loại và xử lý tại chỗ bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Các xã: Phú Dương, Phú An, Phú Xuân và thị trấn Phú Đa giao cho Ban quản lý chợ thu gom.

Tiến tới phân loại rác

Để có kinh phí duy trì đề án, huyện tổ chức thu phí vệ sinh môi trường (VSMT) từ hộ gia đình, cơ quan, trường học, chợ,… với mức phí 12.000đ/tháng. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không chấp hành, nhất là những hộ ở các xã vùng sâu, vùng xa nên mức thu chỉ đạt từ 40% đến 80%. Thu không đủ chi, các xã đều phải trích ngân sách để bù lỗ. Để khắc phục tình hình, huyện chỉ đạo các xã vận động tuyên truyền người dân một cách đồng bộ hơn. Ngoài sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, huyện kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn hỗ trợ thêm mỗi tháng từ 150 đến 200 ngàn đồng/DN/tháng. Để xử lý tình trạng bốc mùi hôi thối ở các điểm tập kết rác, các xã Phú Dương, Phú Mỹ, Phú Diên…; trong đó đi đầu là xã Phú Dương chủ động hợp đồng với các chủ xe vận tải nhỏ tại địa phương để chuyển rác đến bãi Thủy Dương. Với cách làm này vừa chủ động về giờ giấc, vừa giảm từ 30% đến 40% kinh phí từ các khâu vận chuyển, đầu tư trang thiết bị, xây dựng các trạm trung chuyển… hạn chế tối đa ÔNMT.

Năm 2015, xã Phú Dương đã xây dựng khu vực sản xuất phân vi sinh tại thôn Thiện Căn. Đầu tháng 3 vừa qua, Phú Dương tiếp tục là đơn vị đầu tiên tiến hành thu gom rác thải sau phân loại. Rác hữu cơ được đưa về khu xử lý rác để ủ men để chuyển hóa rác thành mùn hữu cơ, rồi tiếp tục ủ thêm một loại men khác để cho ra đời sản phẩm phân vi sinh. Bước tiếp theo, vận động xã viên sử dụng phân vi sinh do địa phương sản xuất để bón ruộng, trồng cây cảnh. Ông Đoàn Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng tôi biết mô hình sản xuất nước rửa bát bằng rác thải thực vật ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) rất hay nên sắp tới sẽ nghiên cứu tìm cách sử dụng phân hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất nước rửa bát”. Theo ông Hùng, công thức sản xuất nước rửa chén và nước chùi nhà từ rác rất đơn giản, vừa an toàn, giá thành lại rẻ. Hiện, bà con quận Liên Chiểu đã sử dụng các sản phẩm nói trên và rất ưa chuộng.  

Đến nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở Phú Vang đã ổn định. Hầu hết các hộ dân tự giác nộp phí VSMT, rác thải được thu gom, xử lý trung bình trên địa bàn toàn huyện đạt 55%. Chất thải rắn y tế và chất thải rắn độc hại được thu gom, xử lý đạt 100% tổng lượng phát sinh. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Vang Lại Phước Khương khẳng định: “Nếu Phú Dương thành công mô hình phân loại rác, chúng tôi sẽ nhanh chóng nhân rộng ra các địa phương. Được như vậy, sẽ mang lại nhiều lợi ích trong công tác thu gom rác thải ở Phú Vang”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top