ClockThứ Năm, 05/08/2010 15:24

Phục chế sách cổ

TTH - Với các dụng cụ đặt hàng độc quyền từ Mỹ và các chuyên gia được đào tạo từ nước ngoài, Thư viện Khoa học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh vừa giúp Thừa Thiên Huế phục chế 6/10 tập bộ sách Vĩ Dạ hợp tập của nhà thơ Tuy Lý Vương, mở ra một triển vọng mới trong việc bảo tồn các tài liệu thư tịch Hán - Nôm quý bị hư hại.

15 năm trong nghề, anh Nguyễn Đức Hạnh là người phục chế sách vào loại hiếm hoi ở Việt Nam, được Thư viện Khoa học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh “đặc phái” ra Huế công tác, hàng tháng trời bám trụ cơ sở.


Chuyên gia phục chế Nguyễn Đức Hạnh điều khiển bàn ủi giấy
 
Hỏi chuyện, anh lôi từ túi xách hành nghề những dụng cụ rất lạ. Đó là chiếc bàn ủi giấy hình lưỡi cày, bé xíu với chiếc cán dài ngoằng được đặt làm từ Đại học Cornell (Mỹ). Đến nay, đây là địa chỉ duy nhất sản xuất ủi có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ, làm thẳng những trang tư liệu bị nhàu, nhăn, gấp. Bên cạnh đó là những chiếc dao… mổ đủ cỡ, những cuộn chỉ đay và vài chiếc kim khâu.
 
“Những con dao mổ này dùng để tách các lớp keo, hồ bám làm dính các trang tư liệu. Kim và chỉ dùng để vá các trang sách bị bong, lóc. Chưa kể, các vết bẩn sẽ được xử lý hóa chất, tẩy cao… Sau khi trả lại nguyên trạng cho tài liệu, các chuyên gia sẽ thẩm định giá trị của tư liệu. Tùy vào giá trị về mặt thông tin, lịch sử và văn hóa, chúng sẽ được quyết định tu bổ, phục chế toàn bộ hay từng phần”-chuyên gia phục chế Nguyễn Đức Hạnh giải thích.
 

Những sắc phong quý như thế này có thể phục chế được 
 
Về “bí quyết” để trở thành chuyên gia phục chế sách giỏi, ông Hạnh bộc bạch: “Cái cần nhất là sự khéo léo, tỉ mỷ và kiên nhẫn. Sau nữa là những kiến thức cơ bản. Ví dụ thao tác tháo những quyển sách cổ như thế nào để không vỡ, không nát. Vá những trang sách như thế nào để không bị mất chữ… Đó là sự khéo léo của một bác sĩ phẫu thuật - ông Hạnh đúc kết một cách dí dỏm.
 
Để giúp Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế số hóa gần 50.000 trang tư liệu Hán-Nôm cổ vừa sưu tầm được trong năm 2009-2010, Thư viện Khoa học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh đã cử ra Huế một số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, được đào tạo tại Mỹ, Hàn Quốc, Đức… cùng các trang thiết bị mới, hiện đại, trong đó có một máy scan trị giá trên 1 tỷ đồng.
 

Một số tập của bộ Vỹ Dạ hợp tập được phục chế thử nghiệm

Theo ông Phạm Xuân Phượng, chuyên viên Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, nhiều tư liệu quý khi phát hiện đã hư hỏng. Tuy nhiên, với các chuyên gia hiện nay, việc phục bổ, phục chế có thể thực hiện được. Các nhà phục chế cho biết, với những tài liệu mức độ hư hỏng nhẹ, như mất chữ, thực hiện công đoạn bồi nền, bằng chất liệu giấy gốc, sau đó điền chữ đã mất, cũng bằng chất liệu mực gốc. Với những tác phẩm hư hỏng nặng, hoàn toàn có thể phục chế nguyên như cũ. Thực tế là nhiều tác phẩm sách cổ quí hiếm đã được Thư viện khoa học Tổng hợp Hồ Chí Minh phục chế thành công và cho trưng bày, triển lãm ở nhiều nước trên thế giới.
 
Bước đầu, các chuyên gia T.P Hồ Chí Minh đã giúp Thừa Thiên Huế phục chế thử nghiệm 6/10 tập bộ Vĩ Dạ hợp tập của nhà thơ Tuy Lý Vương. Sắp tới, có khả năng, hai bên sẽ hợp tác tu bổ hoặc phục chế một số sắc phong cỡ lớn của các triều Lê, Tây Sơn, triều Nguyễn, phục vụ công tác trưng bày, và tặng cho các chủ sử hữu đã tích cực hợp tác với thư viện trong việc bảo tồn di sản quí này.
 
 
Ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế: Kỹ thuật phục chế sách cổ là hướng đi mới trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Hán-Nôm trước nguy cơ tồn vong do thời gian, mối mọt, thất lạc, lũ lụt. Sự hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh đang giúp Huế tiếp cận với công nghệ này với triển vọng có thể gửi đào tạo đội ngũ chuyên biệt trong tương lai.
 
 
Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Return to top