ClockChủ Nhật, 26/09/2021 08:01

Phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản sau giãn cách

Trong 2 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản bị tác động nặng nề, kéo theo kết quả xuất khẩu giảm mạnh tại khu vực Nam bộ.

Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sảnTạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và đầu tư vào Cuba

Đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nhân lực

Ở thời điểm hiện tại, quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu hiện đã bắt đầu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt, lực lượng lao động khó có thể tập trung lại như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị COVID-19…

Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện chỉ có 30% - 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất. Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 kim ngạch đã đi xuống. Đến tháng 8 là tháng thứ tư giảm liên tiếp và giảm đến 22,5%.

Tại các địa phương, dù nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng công tác duy trì sản xuất, tiêu thụ nông sản còn ở mức rất khiêm tốn. Đơn cử như tỉnh Bến Tre, trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 20/7 - 6/9, tỉnh đã tiêu thụ khoảng 7.000 tấn rau, quả các loại; gần 20 triệu quả dừa. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với sản lượng nông sản cần tiêu thụ của Bến Tre trong 3 tháng cuối năm nay (theo dự báo là gần 55 triệu tấn rau, quả; 170 triệu quả dừa, 45.000 tấn thịt lợn, thịt bò; trên 200.000 tấn thịt gia cầm, 35.000 tấn các loại thủy sản…).

Chủ động những kịch bản ứng biến

Lý giải cho những khó khăn còn tồn tại trong tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Thực tế, chúng ta đã có sự lúng túng nhất định ngay khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phía Nam. Sự lúng túng cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Đây là thử thách về tư duy liên kết vùng.

Để giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản, giải pháp quan trọng nhất hiện nay chính là dồn sức nối lại chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các mắt xích từ thu hoạch - sơ chế - vận chuyển - chế biến, chợ đầu mối - phân phối - người tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó, điểm đến quan trọng hiện nay ở các tỉnh khu vực phía Nam là thị trường tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu qua các cảng tại TP Hồ Chí Minh.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản ở các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.

Các vùng, khu vực đã khống chế được dịch COVID-19 sẽ là điểm tựa phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam. Các biện pháp hướng dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối; hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp; không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, nông sản cũng sẽ được thực hiện đồng loạt trong thời gian tới.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Đây cũng là giai đoạn Thừa Thiên Huế cần thực hiện nhiều chiến lược để phục hồi mạnh mẽ thị trường khách quốc tế.

Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế
Nền kinh tế Gaza có thể phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi

Trong một báo cáo mới được công bố, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc UNCTAD cho biết, xung đột ở Dải Gaza đang gây ra mức độ tàn phá chưa từng có đối với nền kinh tế và vùng lãnh thổ này sẽ cần đến hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để có thể phục hồi.

Nền kinh tế Gaza có thể phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi
Xuất khẩu của Nhật Bản đạt kỷ lục trong năm 2023

Theo số liệu sơ bộ do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 24/1, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng năm thứ 3 liên tiếp trong năm 2023, đạt mức cao kỷ lục, phản ánh các lô hàng xuất khẩu ô tô mạnh mẽ và sự ảnh hưởng của đồng yen yếu.

Xuất khẩu của Nhật Bản đạt kỷ lục trong năm 2023

TIN MỚI

Return to top