ClockChủ Nhật, 25/09/2016 05:41

Phục hồi trà, rượu cung đình

TTH - “Mấy năm nay, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ ra nhưng chúng tôi chưa thu đồng lãi nào. Nếu không tâm huyết, đam mê thì không thể làm được”.

Trà, rượu tiến vua

Sau bao năm bôn ba nơi đất khách quê người, với ước muốn làm gì đó cho quê hương, ông Đặng Văn Thạnh từ TP. Hồ Chí Minh trở về Huế mở công ty sản xuất rượu và trà cung đình. Ông Thạnh kể, những lần về làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) chơi, biết đến rượu làng Chuồn nức tiếng nên ông quyết định sản xuất loại rượu này đúng quy cách ngày xưa. Thế là, ông sáng lập Công ty CP Rượu làng Chuồn, mở xưởng ở đây, quy tụ người dân làm nghề sản xuất rượu truyền thống.

Sao ướp Tịnh Tâm liên hoa ngự trà trên hồ sen

Năm 2013, ông Thạnh hợp tác với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sản xuất rượu cung đình. Với sự giúp đỡ, tư vấn của Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Phan Tấn Tô, ủy viên BCH Hội Đông y tỉnh và Hội Đông y TP. Huế, Công ty CP Rượu làng Chuồn sản xuất thành công hai loại rượu cung đình: Liên hoa huyết tửu và Hoàng triều ngự tửu. Đây là những loại rượu được chế biến cầu kỳ, công phu và phục chế lại theo công thức, toa thuốc được ghi chép bởi Thái Y viện triều Nguyễn, xưa vốn là các loại rượu dùng trong cung đình và chỉ dành cho hoàng tộc.

Gần một năm nay, Công ty Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình cũng do ông Thạnh sáng lập tiếp tục nghiên cứu sản xuất trà cung đình gồm trà hương (ướp hoa) và trà thảo mộc (các vị thuốc) với các loại, như: Sinh Khương lục trà, Ngũ phúc ẩm trà, Ngũ tử diễn tông trà, Thủ ô giáng chỉ trà, Thượng viện ngự trà, Trà phủ, Tịnh Tâm liên hoa ngự trà. Mỗi loại trà xuất phát từ một bài thuốc và có chức năng, công dụng khác nhau, xưa vốn được Thái Y viện sử dụng.

Ông Phan Tấn Tô cho hay, điều đặc biệt là các phương thuốc làm trà này có nguồn gốc từ Thái Y viện mà ông tìm được trong châu bản triều Nguyễn hoặc trong những cuốn sách vua chỉ định cho Thái Y viện dùng. Các sản phẩm được chế biến theo phương pháp cổ truyền nhưng khoa học hóa các khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẹp về hình thức, mẫu mã.

Tỉ mỉ và công phu

Để có được bài thuốc Minh Mạng thang và các bài thuốc trà là cả một quá trình tìm tòi công phu của ông Phan Tấn Tô. Sau nhiều năm sưu tầm, năm 2012, ông được tiếp cận với châu bản Thái Y viện triều Nguyễn và một số sách của ngự y, sách mà vua chỉ định cho Thái Y viện sử dụng lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội và Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bài thuốc Minh Mạng thang và các bài thuốc trà đều được ông tìm thấy ở những tư liệu quý này.

Giới thiệu trà, rượu cung đình với du khách tại Không gian văn hóa Lục Bộ

“Có được bài thuốc nhưng để chế biến ra sản phẩm là cả một quá trình vất cả, công phu với không ít lần thất bại. Tư liệu của người xưa để lại rất hạn chế, không chỉ bước 1, bước 2 phải làm gì, công cụ cũng rất mơ hồ nên chúng tôi vừa làm, vừa tìm kiếm”.

Tất cả các sản phẩm đều được sản xuất bằng phương pháp thủ công với quy trình rất nghiêm ngặt. Để cho ra đời những sản phẩm rượu ngon, quá trình nấu rượu đều có chuyên gia kiểm soát chặt chẽ từ lúc nổi lửa đến khi rượu ra lò. Men rượu là loại men được đặc chế riêng, từng được Thái Y viện triều Nguyễn sử dụng, do ông Phan Tấn Tô cố vấn sản xuất. Gạo lứt đỏ do công ty bao tiêu người dân ở làng Chuồn trồng theo phương pháp an toàn. Sau khi nấu thành cơm thì rải men ủ trong 7 ngày mới đem đi nấu rượu, ông Thạnh kể.

Quy trình chế biến các loại trà cung đình cũng cầu kỳ không kém. Nguyên liệu để ướp trà do công ty bao tiêu một vùng ngoài Thái Nguyên trồng trà sạch. Trà được hái, sao và đóng gói trong vòng 7 ngày để giữ độ ngọt của lá trà. Ông Thạnh chia sẻ: “Trên thị trường có nhiều loại trà cung đình, sản phẩm trà của mình ra sau, phải xác định sự khác biệt qua tính chính danh của các bài chế biến trà mới cạnh tranh được. Đã sản xuất trà cung đình phải đảm bảo đúng chất chượng là trà cung đình, quý, đẹp, kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Ngay hộp đựng cũng do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện”.

Khó nhất là Tịnh Tâm liên hoa ngự trà. Đây là loại trà thượng hạng, xưa do Thượng Trà Viện triều Nguyễn sao ướp, bằng cách sử dụng những loại chè mộc thơm ngon nhất từ khắp các vùng miền được đưa về theo chỉ dụ của vua, ướp hương hoa sen mọc ở hồ Tịnh Tâm và các hồ hào trong kinh thành Huế. Ông Thạnh kể: “Ngày xưa, vào lúc hoàng hôn, các cung nữ chèo ghe ra hồ sen bỏ từng nhúm trà vào cánh hoa, buộc dây lại, sáng mai ra cắt đem về, hứng nước sương để vua dùng. Chế biến loại trà này, chúng tôi cũng làm theo như vậy. Trà được ủ lần đầu trên hoa sen trắng đang mọc trên hồ. Chỉ khác là, để đóng hộp, chúng tôi tiếp tục dùng hạt gạo sen li ti để ướp và sấy, lặp lại đến 7 lần mới ra được Liên hoa trà”. Công phu như vậy nên mỗi năm, công ty chỉ sản xuất được vài trăm hộp vào mùa sen. Trước đây, công ty định làm quanh năm nên thử nhập sen từ miền Nam ra bằng máy bay nhưng ướp không được thơm như sen hồ Tịnh. 

Các sản phẩm trà, rượu cung đình đều được khách đánh giá ngon, mẫu mã đẹp. Sản phẩm Ngự tửu cung đình vinh dự được chọn làm thức uống chính thức cho đêm Ngự yến Hoàng Cung dịp Festival Huế 2014 và được chọn để cúng tế trong các lễ tế quan trọng là lễ tế Nam Giao và lễ tế Xã Tắc.  “Sản xuất công phu, cầu kỳ như vậy nhưng để đứng vững trên thị trường không dễ. Mấy năm nay, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ ra nhưng chúng tôi chưa thu đồng lãi nào. Nếu không tâm huyết, đam mê thì không thể làm được”, ông Thạnh tâm sự.

Minh Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top