ClockChủ Nhật, 13/12/2020 06:55

PrEP - Giải pháp mới dự phòng lây nhiễm HIV

TTH - Điều trị PrEP là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV 96 -99% nếu tuân thủ điều trị tốt.

“Không phát hiện = Không lây truyền”Truyền thông phòng ngừa HIV cho trẻ em làng SOS HuếGia tăng nỗi lo HIV/AIDS ở nhóm đồng tính nam - Bài 2: Ngăn chặn lây nhiễm

Tuân thủ điều trị theo PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV

Báo động nguy cơ nhiễm HIV từ nhóm MSM

Cũng như  tình hình nhiễm HIV toàn quốc, số ca nhiễm HIV mới qua đường máu ngày càng giảm, số ca nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khác giới có xu hướng giảm, trong lúc số trường hợp nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đột biến. Số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện người nhiễm HIV còn sống trong toàn tỉnh là 440; số người nhiễm tử vong từ đầu dịch đến nay 357 người. Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 89 người nhiễm HIV; trong đó, có 27 người nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Mặc dù các ban ngành có nhiều giải pháp ngăn chặn sự lây nhiễm HIV cho nhóm MSM trong nhiều năm lại đây, nhưng hiệu quả không đạt như mong muốn. Nguyên nhân chính là do nhóm MSM đã có những khác biệt so với các nhóm trước đây, như: là những người trẻ, có kiến thức xã hội, có nhu cầu tình dục cao, thường xuyên thay đổi bạn tình và cách thức quan hệ tình dục (qua đường hậu môn). Hình thức quan hệ tình dục qua đường hậu môn ở nhóm MSM dễ làm tổn thương cơ quan liên quan nên dễ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà...

Và dự phòng với PrEP

PrEP là từ viết tắt của các chữ Pre-Exposure Prophylaxis, hay còn gọi là dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên được điều trị PrEP. Đây là giải pháp sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV.

PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV 96-99% nếu tuân thủ điều trị tốt. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzim), là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên. PrEP đã được chứng minh rất hiệu quả với ba nhóm đối tượng: MSM, người chuyển giới nữ (TGW), phụ nữ bán dâm.

Năm 2017, lần đầu tiên PrEP được giới thiệu tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP (P4P) - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai. Dịch vụ PrEP này nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và một tỷ lệ đáng kể tiếp tục sử dụng PrEP trong suốt 12 tháng. Từ tháng 11 năm 2019, PrEP đã được mở rộng thêm ra 15 tỉnh, thành phố, đưa dịch vụ này sẵn có tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu và Chính phủ Việt Nam.

PrEP có 2 hình thức sử dụng là PrEP hằng ngày (daily PrEP) và PrEP theo tình huống (ED-PrEP). Đối với PrEP hàng ngày, người dùng sử dụng thuốc ARV uống hàng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV. Liệu trình này được chỉ định cho mọi đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, như nhóm MSM, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma tuý và vợ hoặc chồng âm tính của người có HIV (+) có tải lượng HIV trong máu trên 200 bản sao/ml. Với PrEP tình huống, người dùng sử dụng thuốc theo công thức 2-1-1. Nghĩa là uống thuốc ARV 2 viên trước khi có QHTD từ 2-24 giờ. Tiếp tục uống viên thứ 3 sau 24 giờ uống liều đầu tiên và viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ hai. ED-PrEP được chỉ định dùng cho nhóm MSM và có tần suất quan hệ tình dục ít (dưới 2 lần/tuần).

Tại Thừa Thiên Huế, mặc dù không có sự hỗ trợ của bất kỳ nhà tài trợ nào, nhưng trước tình hình nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có định hướng triển khai điều trị PrEP cho nhóm MSM vào năm 2021 với mô hình xã hội hóa. Những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV nếu có nhu cầu điều trị PrEP, sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn miễn phí, sau đó tiến hành xét nghiệm, nếu không có chống chỉ định, bác sĩ sẽ kê đơn hàng tháng cho đối tượng mua thuốc. Đây là một trong những giải pháp mới được cung cấp như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng kết hợp cho nhóm MSM, bao gồm tuyên truyền đồng đẳng, sử dụng bao cao su, điều trị các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục và điều trị PrEP.

Lưu ý rằng, việc điều trị PrEP chỉ là giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV, nhưng không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang phổ biến nhất ở nhóm MSM, như: lậu, giang mai, sùi mào gà… Với giải pháp mới này, kết hợp với các giải pháp truyền thống như tiếp cận đồng đẳng, cung cấp bao cao su, chất bôi trơn và khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chúng ta hy vọng việc lây nhiễm HIV trong nhóm MSM ngày càng giảm trong những năm tới.

Bài, ảnh: HỮU SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top