ClockThứ Ba, 29/12/2015 08:09
XÃ HỘI HÓA BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN:

Quá khó cho di tích cấp tỉnh

TTH - Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, thực tế của Thừa Thiên Huế cho thấy, việc hiện thực hóa được chủ trương này dễ thì có dễ nhưng “gai” thì cũng thật là “gai”.

Liên kết với doanh nghiệp đưa nghệ thuật Ca trù vào biểu diễn trong Đại Nội

Khi quyền lợi được sẻ chia

Gần đây, xã hội hóa công tác bảo tồn di sản cố đô Huế trở thành xu thế mạnh mẽ được cả phía nhà quản lý và cộng đồng xã hội quan tâm. Nhờ đó, công tác bảo tồn di sản triều Nguyễn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ ngày càng nhiều hơn của các tầng lớp Nhân dân. Những chiếc đỉnh đồng, án đồng ở Thế Miếu, điện Hòn Chén, đàn Nam Giao; những chiếc khăn bằng vải quý, những bát hương, lọ hoa trên các án thờ; những chiếc ghế đá đặt nhiều nơi trong các khu di tích… đều có sự đóng góp của nhiều tấm lòng. Rồi nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng đã được thực hiện với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, như: Sacombank chi nhánh Thừa Thiên Huế và Vietcombank Chi nhánh Thừa Thiên Huế tài trợ chi phí in vé tham quan di tích Huế lần lượt là 800 triệu đồng và 1,5 tỷ đồng; Công ty Lotteria Việt Nam (thuộc tập đoàn Lotte, Hàn Quốc) tài trợ 2,1 tỷ đồng lắp đặt thiết bị chiếu sáng cho tầng 3 lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn)… Sắp tới, cũng từ các nguồn xã hội hóa, Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục triển khai các dự án ở điện Hòn Chén, bãi xe ở lăng Khải Định và lăng Minh Mạng.

Theo TS. Phan Thanh Hải, một trong những lý do quan trọng mà di tích Huế có thể kêu gọi được các nguồn xã hội hóa là đã thể hiện rõ cho đối tác thấy những quyền lợi và trách nhiệm của mình khi họ chung tay đóng góp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. “Tất cả những đơn vị tham gia xã hội hóa của di tích đều được gắn liền với quyền lợi và trách nhiệm của họ, gắn hình ảnh của họ với di tích. Chúng tôi góp nguồn kinh phí đó làm cho di tích của Huế sáng đẹp và gắn với hình ảnh của họ. Làm tốt điều đó thì cả hai bên đều có lợi, Nhà nước lại giảm được áp lực về kinh phí”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Hàn Quốc hỗ trợ Thừa Thiên Huế phục hồi nhạc khí biên chung trong Nhã nhạc

Là địa phương có nhiều di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, thị xã Hương Thủy cũng đang hướng đến thực hiện chủ trương xã hội hóa để phát triển các dịch vụ kèm theo, đồng thời thêm nguồn lực để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các điểm di tích. Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa thị xã cho biết: “Chủ trương này rất hay, nhưng để có hiệu quả thì tốt nhất là Nhà nước làm tốt công tác quản lý, bảo tồn di tích và phải làm sao để người dân, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ công trình đó”.

Khó với di tích cấp tỉnh

“Chúng ta có niềm tự hào về một khối lượng di sản cực kỳ lớn, nhưng đồng thời cũng có nỗi lo canh cánh là khả năng, tiềm lực kinh tế của chúng ta không đủ sức để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Đó là bài toán ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng đành chịu “bó tay”, do không có kinh phí. Kêu gọi xã hội làm được thì rất tốt, vừa tiết kiệm được ngân sách vừa bảo tồn được di sản dân tộc, nhưng đâu có dễ”, ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế, chia sẻ.

Theo ông Hùng, nếu hệ thống quần thể di tích cố đô Huế có một trong những lợi thế lớn để kêu gọi xã hội hóa là Di tích Đặc biệt cấp quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới thì hệ thống di tích cấp tỉnh khó khăn hơn nhiều. Thường, tâm lý của các “Mạnh Thường Quân” chỉ muốn tham gia xã hội hóa các dự án mà qua đó lợi ích tinh thần, thương hiệu của họ được thể hiện khá rõ. Trong khi đó, đa số các di tích cấp tỉnh có phạm vi quảng bá hẹp, chỉ trong phạm vi dòng họ, tỉnh, huyện, thậm chí chỉ là cấp xã nên việc thu hút sự quan tâm đầu tư không thuận như những di tích mang tầm quốc gia và quốc tế.

Đội ngũ làm công tác quản lý và bảo tồn ở các điểm di tích cũng là một trong những hạn chế được ông Cao Huy Hùng nêu rõ. Theo đó, công nhận các di tích này không khó nhưng việc quản lý và bảo tồn lại là cả một vấn đề, do thiếu kinh phí để thực hiện, thiếu người có chuyên môn để quản lý nên nhiều khó khăn chồng chéo lên nhau. Bên cạnh đó, quá nhiều loại thủ tục để có thể trùng tu một công trình di tích cũng là vấn đề đáng bàn. Không có tiền đã đành, nhưng khi kêu gọi được nguồn tiền, triển khai thực hiện được lại càng khó khăn hơn. Ông Hùng nói rõ: “Pháp luật quy định chặt chẽ để hạn chế sai phạm của những kẻ cố ý làm trái nên ngay cả khi làm nghiêm túc cũng bị “trói chân”. Bây giờ, thực hiện một công trình chống xuống cấp di tích, thời gian thi công nhanh gấp rưỡi thời gian làm thủ tục. Một công trình từ khi bắt đầu đến khi xong thủ tục luôn bị trượt giá. Trong khi đó, nếu trượt giá vượt 10% thì lại phải làm lại từ đầu, lại bắt đầu một vòng luẩn quẩn. Đã có nơi người ta “sợ” luôn cả với danh hiệu mà di tích được công nhận”.

Nói vậy không có nghĩa là nơi nào cũng “bí” như nhau, mà thực tế vẫn có nơi di tích được chính cộng đồng chung tay bảo vệ rất tốt. “Một trong những điển hình đó là Đình Quy Lai (Phú Vang). Vậy nên, chỉ có nơi nào chính quyền địa phương thực sự quan tâm, nơi ý thức của cộng đồng về di sản tốt, chính quyền biết huy động sức dân và có những kế sách định hướng rõ ràng thì ở những nơi đó di tích mới có nhiều “cơ hội sống” và có khả năng thu hút được các nguồn lực đầu tư xã hội hóa”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top