ClockThứ Bảy, 11/09/2021 06:30

Quản lý thu, chi ngân sách trong dịch bệnh

TTH - Tăng cường quản lý thu, chi trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và phải đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch là nhiệm vụ quan trọng trong những tháng cuối năm.

Đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2021 - 2025Phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án và bổ sung danh mục dự kiến đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025Phong Điền thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt hơn 174 tỷ đồngSong hành mục tiêu thu ngân sách và hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Các chính sách hỗ trợ người nộp thuế ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách

Cân đối thu chi ngân sách

Trong những tháng đầu năm 2021, nền kinh tế có bước phát triển theo đà phục hồi từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương với số ca nhiễm lớn và tăng nhanh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân.

Cùng với đó, nhiều chính sách tài chính được triển khai nhằm hỗ trợ DN như miễn, giảm 6 tháng một số loại phí, lệ phí; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ... ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 7 tháng trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng khá, đạt 6.025 tỷ đồng, bằng 99,3% dự toán, tăng 50% so với cùng kỳ. Thu nội địa 5.599,3 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 47,2%; trong đó, thu từ DN Nhà nước do Trung ương quản lý 100,3 tỷ đồng, bằng 70,6% dự toán, tăng 31,9%; thu từ DN Nhà nước do địa phương quản lý 101,6 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán; thu từ DN có vốn nước ngoài 1.757,8 tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán, tăng 60,7%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 755,9 tỷ đồng, bằng 82,2% dự toán, tăng 53%; thu tiền sử dụng đất 1.686,7 tỷ đồng, bằng 210,8% dự toán, tăng 57,6%.

Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, song nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất vẫn tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng đều gia tăng. Vì thế, thu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu trong 7 tháng qua vẫn có dấu hiệu tích cực. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 310,7 tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, tăng 51,5%; thu viện trợ, huy động đóng góp 115,1 tỷ đồng, vượt gần 9 lần so với dự toán, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ.

Thu ngân sách tăng, song chi NSNN ước 7 tháng mới đạt 4.945,8 tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.249,1 tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán, chi thường xuyên 3.602,2 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán.

Chi cho đầu tư phát triển sẽ góp phần tạo bước đột phá trong kinh tế (Ảnh minh họa)

Chi đầu tư phát triển thấp chủ yếu do việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do những tháng đầu năm, các chủ đầu tư thường tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng để thanh toán vốn của năm trước và đây cũng là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các dự án khởi công mới đang tiếp tục thủ tục lập, thẩm định thiết kế, dự toán. Các gói thầu triển khai trong năm 2021 của các dự án chuyển tiếp đang tổ chức lựa chọn nhà thầu nên tiến độ giải ngân vẫn thấp.

Tiết kiệm chi thường xuyên

Tiếp tục tăng cường quản lý thu, chi trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch là nhiệm vụ quan trọng nhất trong những tháng cuối năm. Vì thế, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58 Chính phủ. Trong đó, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát, học tập ở trong nước và nước ngoài. Đảm bảo ngân sách dự phòng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nhiệm vụ có tính cấp bách không thể trì hoãn phát sinh đột xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và Chỉ thị số 28 của UBND tỉnh về thực hiện đầu tư công năm 2021. Lưu ý, các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang). Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành.

Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, cấp dưới; chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác quyết toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo kế hoạch, kiên quyết không xuất toán các khoản chi sai chế độ, vượt định mức quy định hiện hành của Nhà nước. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước kiểm tra chặt chẽ các khoản chi từ nguồn NSNN từ khâu duyệt dự toán đến khâu quyết toán kinh phí.

Các địa phương, ngành tài chính phải xây dựng các phương án thu ngân sách trong những tháng còn lại của năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trong đó, tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tăng thu ngân sách; quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án khai thác quỹ đất. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất đai, bán đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết nhanh việc tiếp cận, sử dụng vốn, đất đai, thị trường nhằm phát triển SXKD; tăng cường các giải pháp thu hút, giải ngân vốn đầu tư.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Return to top