ClockThứ Năm, 04/08/2016 06:22

“Quả ngọt” trong những gia đình “hao khuyết”

TTH - Sống trong gia đình có hoàn cảnh “hao khuyết”, mẹ đơn thân một mình chống chèo gồng gánh, nên các em gắng chăm ngoan học giỏi, “ẵm” nhiều giải học sinh giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh. Đó là câu chuyện đáng trân trọng của nhiều học sinh xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.

Những “quả ngọt”

Trong căn nhà cũ kỹ và khá tềnh toàng giữa thôn Giáp Tây, mắt người mẹ đơn thân ánh lên niềm tự hào khi kể về kết quả học tập và những giải thưởng mà Trần Tân Phương, cậu con trai duy nhất (học sinh Trường THCS Nguyễn Xuân Thưởng, năm nay bước vào lớp 10 Trường THPT Đặng Huy Trứ) đạt được. “Năm lớp 9, “cu” Phương đạt giải nhì học sinh giỏi cấp thị xã, giải ba cấp tỉnh môn lịch sử. Những năm học THCS, con trai tui năm nào điểm tổng kết môn lịch sử, ngữ văn, toán đều trên 8.0”. Điều khiến mẹ của Phương cảm thấy vui và yên tâm, đó chính là ý thức của con. Mẹ suốt ngày rong ruổi mua bán ve chai, Phương ở nhà tự “chia” thời gian cho học bài, làm bài tập và làm việc nhà giúp mẹ.

Hai anh em Dương Xuân Ngọc Phong, Dương Xuân Thái tự bảo ban nhau học tập

Đã gần đứng bóng, nhưng nhà chị Nguyễn Thị Gái (mẹ của em Trần Thị Thúy, học sinh lớp 11 Trường THPT Đặng Huy Trứ) ở thôn Giáp Đông vẫn vắng hoe. Chờ một lúc khá lâu, cô học trò nhỏ nhắn mới đạp xe về sau buổi học. Cũng như Phương, từ khi ba bệnh hiểm nghèo rồi mất, mẹ bươn chải trên các nẻo đường mưu sinh, Thúy tự sắp xếp, tự “quản” việc học tập và việc nhà. Vậy nhưng từ lúc học tiểu học em đã đạt giải ba học sinh giỏi môn tiếng Việt, cấp thị xã và giữ vững danh hiệu học sinh giỏi qua các năm THCS. Năm lớp 9, em đạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh các môn hóa học, sinh học.

Đối với chị Phạm Thị Tuyết Mai (thôn Cổ Lão), “tài sản” lớn nhất của chị và người chồng đã mất là hai đứa con một trai, một gái, đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. “Có đầy đủ vợ chồng còn vất vả huống hồ phụ nữ một mình mưu sinh. Ngoài trồng lúa, bắp, sắn, tui còn phải nấu sắn, bắp đi bán rong, có khi ra giáp Quảng Trị. Vất vả cực khổ trăm bề, nhưng phải ráng để nuôi con ăn học”, chị Mai trải lòng. Bởi vậy, người mẹ đơn thân vui đến ứa nước mắt khi các con học tập tốt. Đến bây giờ cậu con trai Hoàng Tăng Đông đã qua kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia (đạt điểm số khá cao), nhưng chị Mai vẫn nhớ như in “vị hạnh phúc” lúc “cậu nhóc” học lớp 4 đạt giải 3 học sinh giỏi môn tiếng Việt và năm học lớp 8 Đông đạt giải khuyến khích môn hóa học. Cô con gái út Hoàng Uyên Ly (năm nay vào lớp 7) cũng từng đạt nhiều giải học sinh giỏi cấp thị xã.

“Càng “hoàn cảnh” càng cố gắng”

Nắng gay gắt, nhưng Trần Tân Phương vẫn cùng mẹ cặm cụi trên mảnh vườn. Em ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình từ thuở còn rất bé, lúc lũ nhóc cùng trang lứa cứ tò mò hỏi “ba của bạn mô, bạn có ba không”. Mỗi lúc bị bạn bè trêu ghẹo, Phương chạy về nhà “hờn”. Lớn thêm một chút, em hiểu và càng thương mẹ, người phụ nữ không may mắn trong hạnh phúc lứa đôi nhưng khao khát tình mẫu tử nên quyết định “kiếm con”, chấp nhận cực nhọc gấp bội phần để em được chào đời. Thương mẹ vất vả đội mưa đội nắng bán buôn ve chai nuôi em ăn học, nên em phải học hành chăm chỉ và giúp việc nhà để san sẻ bớt gánh nặng trên vai mẹ. “Nhà càng “hoàn cảnh” mình càng phải cố gắng”, là tâm sự không chỉ của riêng Phương, mà cũng là suy nghĩ của Trần Thị Thúy, Hoàng Tăng Đông…

Hai anh em Dương Xuân Ngọc Phong (năm nay vào lớp 10 Trường THPT Đặng Huy Trứ) và Dương Xuân Thái (năm nay vào lớp 9 Trường THCS Nguyễn Xuân Thưởng) may mắn hơn có đầy đủ cha mẹ. Nhưng cha các em bị khuyết tật bẩm sinh, nên hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, là hộ nghèo ở địa phương (thôn Giáp Tây, xã Hương Toàn). Thương cha mẹ khổ cực vì mình, hai anh em tự bảo ban nhau học hành. Từ lớp 4 đến nay, năm nào Phong cũng đi thi học sinh giỏi và đạt giải, có năm đạt giải nhất môn toán cấp tỉnh. Năm nay, Phong đạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học và giải 3 cấp tỉnh môn giải toán qua internet. Cậu em Dương Xuân Thái cũng không chịu “kém cạnh” anh, trong suốt 4 năm học THCS, Thái đi thi học sinh giỏi môn toán, giải toán qua mạng internet, nhiều lần đạt giải nhất cấp thị xã, giải khuyến khích cấp tỉnh.

Thái “bẽn lẽn” thổ lộ, phải học để vượt lên hoàn cảnh, sau này bản thân và cha mẹ đỡ vất vả. Chúng tôi lại “gặp” niềm tự hào trong ánh mắt người cha khuyết tật bẩm sinh, người mẹ gầy ốm của Phong, Thái, niềm tự hào của những gia đình “hao khuyết”, khó khăn, có con cái biết cố gắng học hành, vươn lên. Theo chị Hoàng Thị Thảnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn, trên địa bàn xã còn rất nhiều gia đình mẹ đơn thân hoặc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng con cái chăm ngoan, học giỏi. Các em không chỉ là “quả ngọt” của mỗi gia đình mà còn là niềm hy vọng, tương lai của địa phương.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top