ClockThứ Năm, 20/01/2022 11:21

Quan chức ngã ngựa và bóng dáng của người phụ nữ

TTH - Phiên tòa thứ ba xét xử Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kết thúc với tổng hình phạt là 16 năm tù. Ông ta là một trong số lãnh đạo cấp cao bị truy tố khi đang độ sung sức của cống hiến. Câu hỏi đặt ra vì sao ông ta bị ngã đau như vậy?

Mượn danh

Theo thông thông tin từ các vụ án, năm 2016 dù mới lên giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chưa bao lâu, ông ta đã lợi dụng quyền lực của mình để làm trái quy định. Trong ba vụ án có liên quan thì đều có những dấu hiệu trục lợi cá nhân và gia đình. Với vai trò chủ mưu đã lợi dụng chức vụ để thao túng, ép buộc các cơ quan, cá nhân dưới quyền làm trái quy định đấu thầu. Từ mua bán chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nước, đến vụ án làm trái quy định để doanh nghiệp Nhật Cường trúng thầu gây thất thoát hàng chục tỷ đồng. Vụ án làm lộ bí mật Nhà nước có vẻ như không liên quan đến gia đình, nhưng đây là hệ quả tác động cá nhân đối với 2 vụ án như đã nêu.

Trong tình tiết các vụ án đều có sự “điều khiển” đằng sau của bà vợ (dù bằng chính danh hay thông qua con trai). Tuy tòa án không xác định dấu hiệu phạm tội của vợ (bà Nguyễn Trúc Chi Hoa), nhưng nếu không có giật dây đằng sau của bà vợ thì ông Chung không phải “ra mặt” chỉ đạo làm trái. Và cũng có thể chưa hẳn đã dẫn đến “ngã ngựa” nhanh như vậy.

Có thể xem đây là một “điển hình” về đường chính trị quan chức và làm ăn. Chức quyền bao che cho kinh doanh, ngược lại kinh doanh chi phối, tác động, điều khiển đến vị trí chức quyền nhằm có lợi cho bản thân, gia đình. Khi có công danh lại muốn mau giàu từ làm ăn kinh tế thì bi kịch đã xảy ra.

Lợi dụng chức quyền để “bảo kê” cho làm ăn cá nhân chỉ là bức tường mỏng manh. Phấn đấu để được thăng tiến quan chức, từ đó có thể bao che, ưu ái từ chức quyền mang lại. Nhìn vào các vụ án mà ông Chung dính vào đều có bóng dáng của bà vợ. Người đàn ông có địa vị xã hội phải có được đức tính: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ở đây, không “tu thân” nên cũng khó “tề gia” và đã dẫn đến “trị quốc” trái pháp luật, đạo đức.

Thật cay đắng khi ông ta đứng nói trước tòa là một bị cáo, đối lập hoàn toàn tư cách của đảng viên, một quan chức đứng đầu hành chính Thủ đô. Nhìn lại trên diễn đàn mà ông ta từng “lên lớp chỉ giáo” với tư cách người “trị quốc” trước đó mà thấy xót xa xen lẫn xấu hổ. Đáng tiếc cho một người từng có nhiều cống hiến. Người đàn bà sau lưng ông Chung dù bao biện gì thì cũng khó tránh khỏi tiếng đẩy ông Chung vào vòng lao lý.

Dùng từ “tặc” với những “vợ tặc”, “bồ nhí tặc”, “mỹ nhân tặc”... cũng không ngoa khi chỉ ra những “bóng hồng” sau lưng một số quan chức biến chất. Dù chỉ là người phụ nữ không có vai vế gì trong xã hội, nhưng khi có chồng làm quan chức đã có không ít bà “buông rèm nhiếp chính” điều khiển chồng trên nhiều phương diện. Có quan chức cấp Bộ trưởng mà cán bộ dưới hay mỉa mai câu nói: “Đã hỏi chị (vợ ông ta) chưa?”. Người đàn bà đó đã “góp phần” đưa ông chồng vào con đường vi phạm pháp luật, bị truy tố ít nhất trong 2 vụ án hình sự. Hay như một bóng hồng không biết “thẽ thọt” như thế nào để rồi một cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ký văn bản trái pháp luật có lợi cho bà ta, để rồi vị này phải đối mặt với lao lý.

Trong thực tế hiện nay cũng có không ít những trường hợp tương tự, nếu người phụ nữ tham lam và người chồng quan chức thiếu tỉnh táo, bản lĩnh. Có những bà vợ đã thao túng hoặc nhận biếu xén của người khác để rồi điều khiển các ông chồng phải làm theo gợi ý của “quý bà”. Dân gian nói nôm na “đi cửa sau” là như vậy. Loại “tặc” này cũng hết sức nguy hiểm, góp phần không nhỏ, khuynh đảo từ trong gia đình đến việc “đại sự” ngoài xã hội. Đó chính là tác nhân thúc đẩy lòng tham của quan chức biến chất, không đủ tỉnh táo khi nghe theo “chỉ đạo” của các bà vợ.

Ông cha ta đã dạy: “Gái ngoan làm quan cho chồng”, hay “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ” rất có ý nghĩa và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Tiếc thay, có một số phụ nữ đã không chiêm nghiệm được điều đó. Họ đã làm tha hóa, trực tiếp hoặc gián tiếp biến những “quan tặc” song sinh với “vợ tặc” trở thành tội đồ của xã hội.

Nói vậy, nhưng cũng không thể đổ hết lỗi cho phụ nữ mà chính là từ người chồng, người lãnh đạo thiếu bản lĩnh, tu dưỡng bản thân. Họ không biết “tề gia”, mất khôn trong “trị quốc” và không thể “bình thiên hạ” bằng đánh mất uy tín của chính mình. Từ vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và một số quan chức ngã ngựa gần đây rút ra bài học vô giá cho người những người quan chức. Cần phải biết xử sự đúng đắn quyền lực, tỉnh táo suy xét với “hậu phương”của mình trong mọi vấn đề khi “trị quốc”.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn, nhìn chỗ mô cũng thấy có mạ.

Trong bóng dáng mệ quê
Chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027
Góp sức xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Diễn ra từ ngày 9 đến 11/3/2022 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 là sự kiện chính trị quan trọng đối với hàng chục triệu phụ nữ cả nước nói chung và hội viên, phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng. Dịp này, đại diện các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh gửi gắm đến đại hội những mong muốn, kỳ vọng.

Góp sức xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất

Chiều 16/7, Công an TP. Huế cho biết, đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Công an xã Thủy Bằng tiến hành các thủ tục cần thiết để phối hợp trao trả lại tài sản bị đánh rơi được người dân nhặt được cho người dân.

Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất

TIN MỚI

Return to top