ClockThứ Sáu, 03/07/2015 10:40

Quan hệ Việt- Mỹ tiến nhanh, Việt Nam có lợi ích gì?

TTH.VN - “Sự thúc đẩy quan hệ với Mỹ đã giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam vào thế giới, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, và giúp cho mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, trung tâm kinh tế - tài chính thế giới, trở nên khăng khít hơn”.

LTS: Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn nguyên thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng, người từng làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2007-2011).

Quan hệ Việt- Mỹ tiến nhanh, Việt Nam có lợi ích gì?

(Từ trái sang): Thượng nghị sĩ John Kerry, cựu Tổng thống Bill Clinton và Đại sứ Lê Công Phụng trong một cuộc tiếp xúc tại Mỹ. (Ảnh: Thế giới và Việt Nam)

Quan hệ phát triển vượt hình dung

Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Quan hệ về mọi mặt giữa hai nước đã phát triển như thế nào để từ hai cựu thù trở thành hai đối tác toàn diện (năm 2013)?

Quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ rất đặc biệt, chuyển từ quan hệ thù địch trở thành mối quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm, các đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các đại sứ Việt Nam tại Mỹ, hồi đầu năm, đã có dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ những nhìn nhận. Chúng tôi thống nhất quan điểm là 20 năm trước, hai bên đều không có ý nghĩ là quan hệ sẽ phát triển đến mức như hôm nay. Phía Việt Nam cũng cho rằng quan hệ Việt – Mỹ là một mối quan hệ song phương phát triển nhanh nhất trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam.

Về mặt kinh tế không phải bàn cãi nhiều. Từ khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực (cuối 2001), Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Về đầu tư nước ngoài, người ta vẫn nói Mỹ đứng thứ ba, hay thứ tư, trong những nền kinh tế nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhưng xét cho cùng, nhiều công ty đầu tư vào đây nếu không phải từ Mỹ, thì cũng là do Mỹ đầu tư vào nước thứ ba trước khi đầu tư vào Việt Nam. Nên tôi có thể nói Mỹ là nước hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam.

Về văn hóa, giáo dục, Việt Nam đã đẩy giao lưu trong hai lĩnh vực này lên rất mạnh mẽ. Lúc tôi sang làm đại sứ ở Mỹ, Việt Nam mới có 6 ngàn sinh viên đang học tập ở nước này, nhưng đến nay, sau 8 năm con số đó đã lên tới mức 16 -17 ngàn.

Anh định hỏi lý do tại sao ư? Đó là bởi người Việt Nam muốn học hỏi những kiến thức và văn hóa trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Bây giờ, nhiều người có điều kiện đều đưa con cái sang Mỹ học, và về cơ bản các cháu sau khi tốt nghiệp ở Mỹ về làm việc tốt, chuyên nghiệp trong ý thức nghề nghiệp và cách thức làm việc.

Về an ninh chính trị, hai bên đã đạt được một bước tiến lớn. Hai nước đã đạt tới mức là đối tác hợp tác toàn diện. Nhưng đó chỉ là cái tên gọi thôi, còn điều cốt lõi là hai nước đã từ mối quan hệ đối địch mà trở thành đối tác toàn diện, hợp tác ngày càng có hiệu quả.

Về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, mối quan hệ này phát triển tương đối thuận, nhưng không nhanh. Về phía Mỹ, họ muốn đẩy mạnh hơn nữa, chẳng hạn như họ sẵn sàng mời sĩ quan quân đội Việt Nam sang đào tạo, chi tiền cho mình đào tạo. Mình hoan nghênh ý tưởng của họ, nhưng lúc đầu chỉ đưa được một số sỹ quan quân y sang thôi.

Tại sao vậy? Là vì Việt Nam không ở trong cái thế muốn làm gì thì làm, vẫn phải cảnh giác, với Mỹ một phần và các nước khác một phần, để Việt Nam khỏi bị rơi vào thế kẹt. Trong chuyện này Việt Nam vẫn phải tính lợi đến đâu và bất lợi đến đâu.

Tóm lại, trong 20 năm vừa rồi, chúng ta đã giải quyết được căn bản những khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam, và hai nước đang hiểu nhau rất nhiều, sâu sắc, đa dạng và trên cơ sở chia sẻ lợi ích. Hai bên cũng xác định được cái gì còn khác biệt, thì định hình và khoanh lại vào để từng bước xử lý. Đặc biệt trong 20 năm qua, giữa Mỹ và Việt Nam không hình thành các khác biệt thêm, và đó là điểm được chúng tôi đánh giá cao.

Đối thoại để xử lý khác biệt

Ông vừa nói đến việc hai bên định hình, “khoanh vùng” những gì còn khác biệt để xử lý. Vậy đó là những khác biệt gì, thưa ông?

Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, những khác biệt lớn lắm, đó là sự thù địch giữa hai nước. Vì vậy hệ lụy của cuộc chiến tranh khốc liệt, cũng như sự đối đầu, tồn tại cả ở Mỹ và Việt Nam. Cả hai bên đều ý thức được rằng hệ lụy của chiến tranh đang ngăn cản hai nước xích lại gần gũi hơn, và hai bên cần có nhiều cố gắng để giảm nhẹ nó đi.

Khác biệt thứ hai là sự khác nhau về chế độ: một bên từng là đế quốc, một bên là cộng sản, rất khó hòa hợp nhau. Thế nhưng đến bây giờ đã hòa hợp được. Điều đó đã chỉ cho chúng ta, và cả thế giới, thấy một điều việc hợp tác và liên kết với nhau, trên cơ sở cùng có lợi, không nhất thiết cần đặt trên cơ sở là phải tương đồng về thể chế chính trị.

Khác biệt thứ ba là về cơ bản Mỹ muốn xóa chế độ cộng sản. Tuy nhiên, đến giờ nhiều giới của Mỹ cho rằng thà làm với anh cộng sản cầm quyền nhưng có chế độ ổn định và có thể hợp tác tốt với Mỹ, còn hơn là làm với anh đa đảng mà nội bộ chính trị xã hội không ốn định.

Nói tóm lại xu hướng chủ đạo ở Mỹ là tiếp tục hợp tác với người cộng sản ở Việt Nam theo hướng có lợi cho lợi ích chung của Mỹ. Những khác biệt nói trên được cả Việt Nam và Mỹ ý thức rằng không nên phát triển lên, phải thông qua đối thoại để xử lý dần dần, và quan trọng nhất sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng lớn.

Quan hệ Việt- Mỹ tiến nhanh, Việt Nam có lợi ích gì?

Quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ rất đặc biệt, chuyển từ quan hệ thù địch trở thành mối quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện. (Ảnh minh họa)

Sự hòa hợp giữa Việt Nam và Mỹ đã mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?

Trong hoạch định chính sách chúng tôi đã từng nói với nhau rằng với Mỹ mình còn hòa hợp được, vậy tại sao mình là không đạt được sự hòa hợp với những nước khác, và đặc biệt giữa người Việt với nhau?

Trên thực tế, việc quan hệ Việt – Mỹ tiến nhanh như vậy đã giúp chúng ta xử lý và củng cố quan hệ với các đồng minh của Mỹ, nhất là trong ASEAN, và quan hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Sự thúc đẩy quan hệ với Mỹ đã giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam vào thế giới, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, và giúp cho mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, trung tâm kinh tế - tài chính thế giới, trở nên khăng khít hơn.

Việt Nam và Mỹ đang hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Hiện còn những gì còn ngăn cản mối quan hệ này?

Mỹ rất muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Chúng ta, vì nhiều lý do, đang tính toán mối quan hệ này.

Nhưng, theo tôi, đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là cái tên thôi, chứ về mặt nội hàm thì không khác với đối tác chiến lược lắm.

Trong quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, Việt Nam phải chú ý là chỉ hợp tác chứ không liên minh. Bởi liên minh là vấn đề phức tạp, trở thành đồng minh của Mỹ thì Việt Nam sẽ rơi vào thế khó xử trong quan hệ với những nước khác, chẳng hạn như với Nga. Hay trong các nước ASEAN có những nước thích Mỹ, nhưng cũng có những nước không. Mà xu hướng trên thế giới hiện nay là tập hợp lực lượng trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Theo Dân Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top