ClockThứ Ba, 09/01/2018 05:46

Quản lý chặt chẽ về văn hóa

TTH - Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan

Chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Festival Huế 2016

Xếp hạng A về quản lý lễ hội

Diễn ra vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm tại điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát (thị xã Hương Trà), lễ hội Điện Huệ Nam (còn gọi là lễ hội Điện Hòn Chén) là một điển hình về mô hình quản lý tổ chức lễ hội của Thừa Thiên Huế khi hàng năm, Ban Bảo trợ Di tích điện Huệ Nam đều báo cáo nội dung tổ chức lễ hội và được Sở Văn hóa và Thể thao xem xét, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn thành lập Ban Tổ chức lễ hội. Các hoạt động được tổ chức chặt chẽ, từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đến phòng cháy chữa cháy, phân luồng giao thông... Do đó, dù rất đông người tham gia, lễ hội điện Huệ Nam vẫn diễn ra an toàn, thực sự trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc, thu hút đông đảo du khách hành hương.

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước với 500 lễ hội lớn nhỏ khác nhau, trong đó 63 lễ hội được đưa vào danh mục thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phần lớn các lễ hội đảm bảo được mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, tránh được nguy cơ mai một và biến hóa tiêu cực, trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách, nhất là trong dịp lễ tết, các hoạt động lễ hội lớn.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Thừa Thiên Huế năm nào cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng A. Được vậy là nhờ công tác tổ chức trước, trong và sau lễ hội được các cơ quan liên quan phối hợp với ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương làm rất bài bản, đúng quy trình từ việc xin phép, thành lập ban tổ chức, tiến hành nghi thức lễ hội... Hơn nữa, người Huế có nền truyền thống văn hóa sâu đậm nên có ý thức ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội. Việc quản lý và tổ chức tốt các lễ hội tạo môi trường thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân”.

Để các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng với các nghi thức truyền thống, ngành văn hóa luôn đề cao vai trò quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn ban tổ chức lễ hội các cấp thực hiện tốt các nội dung đã đăng ký và đúng pháp luật. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, không để các hoạt động tiêu cực, như: cờ bạc, mê tín dị đoan, truyền bá văn hóa phẩm độc hại… diễn ra.

Thẩm định chặt chẽ

Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế không có nhiều vụ việc nổi cộm về văn hóa là nhờ công tác quản lý được thực hiện tốt cả về tổ chức lễ hội, karaoke, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, quảng cáo, xuất nhập các sản phẩm văn hóa... Hầu như mọi hoạt động đã được đi vào nề nếp. Ý thức chấp hành của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân rất tốt. Khi có những biểu hiện chệch choạc, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao nhanh chóng vào cuộc, kịp thời chấn chỉnh trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực văn hóa công cộng do ngành văn hóa quản lý được chú trọng, góp phần tạo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa.

Hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh khá đông, với 414 cơ sở kinh doanh. Tuy vậy, những năm gần đây, hoạt động này tương đối ổn định, đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, chưa phát hiện các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm… Một số trường hợp vi phạm, như: không đảm bảo quy định về thiết kế cửa phòng karaoke, kinh doanh hoạt động karaoke không đúng nội dung, không đúng phạm vi quy định trong giấy phép, đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao đã nhắc nhở, yêu cầu chấp hành nghiêm túc các quy định và xử phạt vi phạm hành chính.

Theo ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao, công tác quản lý Nhà nước về văn hóa không hề đơn giản, bởi nó tồn tại nhiều yếu tố nhạy cảm cần kiểm soát. Cần phải có con mắt quán xuyến của người làm công tác quản lý, phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Chính vì thẩm định chặt chẽ nên đôi khi những người làm công tác quản lý văn hóa bị các đơn vị, doanh nghiệp phàn nàn.

Ông Nguyễn Quê chia sẻ: “Một số đơn vị tổ chức là doanh nghiệp than phiền rằng chúng tôi quá cứng nhắc, khó khăn khi được yêu cầu thẩm định các chương trình nghệ thuật. Tuy vậy, trách nhiệm của chúng tôi phải làm chặt chẽ theo đúng quy định, tránh trường hợp xin phép một đằng, làm một nẻo. Cũng nhờ thẩm định kỹ nội dung chương trình ngay từ đầu nên nhiều năm qua, các chương trình nghệ thuật ở Huế không xảy ra những sai sót phức tạp khi đưa ra trước công chúng”.

Ông Nguyễn Quê cũng cho rằng, những quy định trong quản lý Nhà nước về văn hóa vẫn có một số nội dung chưa hoàn thiện, khiến những người làm công tác này lúng túng. “Một số quy định chưa đầy đủ, thiếu thống nhất nên các đơn vị quản lý gặp khó khăn khi triển khai trong thực tiễn cuộc sống. Như trước đây, việc ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nằm trong danh mục được cấp phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến chúng tôi lúng túng. Nếu làm đúng nguyên tắc thì khó khăn cho đơn vị tổ chức nhưng tạo điều kiện cấp giấy phép thì lại làm sai... Vì thế, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, thông tư hướng dẫn rõ ràng, cụ thể”, ông Quê nhấn mạnh.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Return to top