ClockThứ Hai, 12/03/2012 05:53

Quản lý chất thải nguy hại: Đã đến lúc phải bắt tay thực hiện

TTH - Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, lượng chất thải nguy hại (CTNH) đang ngày càng gia tăng và “thầm lặng” gây nguy hại đến sức khỏe con người, tạo sức ép lớn đến môi trường sinh thái. Tuy vậy, dường như lâu nay mọi người chỉ mới quan tâm giải quyết vấn đề chất thải sinh hoạt. Sẽ dẫn đến hệ lụy về lâu dài, nếu ngay từ bây giờ, CTNH vẫn chưa được quản lý, thu gom, xử lý hợp vệ sinh, đúng quy định.

Thiếu kiểm soát

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 84 làng nghề, 17 cụm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, 7 khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút nhiều dự án đang hoạt động. Các loại hình hoạt động tại các khu công nghiệp, làng nghề như công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác, chế biến khoáng sản; công nghiệp dệt may, da giày, thêu đan; sản xuất, gia công sửa chữa cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và giao thông vận tải; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... CTNH phát sinh chủ yếu từ các nguồn sản xuất công nghiệp, làng nghề, dịch vụ khoa học, y tế, nên trong số những cơ sở đang hoạt động tại các làng nghề, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn phần lớn đều có phát thải CTNH gây ảnh hưởng đến môi trường.

 

 

Mới đây, theo thống kê của Chi cục BVMT, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 đơn vị, doanh nghiệp và 191 cơ sở y tế phát thải CTNH. Trong tổng số các đơn vị, doanh nghiệp trên, Chi cục Bảo vệ môi trường cấp 52 sổ chủ nguồn thải CTNH cho 52 cơ sở, doanh nghiệp với tổng khối lượng CTNH kê khai là 56.749,37 kg/tháng. Thực tế, việc kê khai, cấp sổ đăng ký chủ nguồn phát thải CTNH đến nay còn khá bất cập. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa tự nguyện hợp tác với cơ quan chức năng, nên đã gây khó khăn cho việc theo dõi, cập nhật thông tin về quá trình hoạt động của các chủ nguồn phát thải CTNH, dẫn đến việc quản lý, kiểm soát CTNH vẫn còn nhiều thiếu sót. Bên cạnh nhận thức và ý thức của chủ nguồn phát thải CTNH còn kém, cần phải kể đến hạ tầng cơ sở để xử lý CTNH đảm bảo yêu cầu về quản lý CTNH theo đúng quy định trên địa bàn vẫn còn thiếu và yếu. Bởi, hiện tại, trên địa bàn vẫn chưa có bãi chôn lấp, xử lý an toàn CTNH có quy mô hiện đại; có chăng chỉ được một lò đốt CTNH của Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy).

 

Trong năm 2011, qua thanh tra của Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 15 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, có đến 11 đơn vị, doanh nghiệp vi phạm phải chịu mức phạt từ 40 triệu đồng đến 140 triệu đồng. Lý do vi phạm phần lớn liên quan đến quản lý CTNH, như: không có giấy phép quản lý CTNH; chuyển giao CTNH cho tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện về quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH theo quy định; không đăng ký chủ nguồn thải CTNH; không phân loại, không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời CTNH theo quy định. Mới đây, một số đơn vị, cá nhân đã bị các cơ quan chức năng quản lý về môi trường của địa phương phát hiện và xử lý vi phạm về sử dụng, quản lý CTNH trái quy định. 

 

Đến lúc, phải quản lý chặt

 

Theo dự báo, đến năm 2020, tổng lượng chất thải rắn trên toàn tỉnh khoảng 2.460 tấn/ngày; trong đó, chất thải rắn nguy hại khoảng 260 tấn/ngày, tăng gần gấp 9 lần so với năm 2010. Quan điểm của các nhà chuyên môn, để quản lý tốt CTNH, nếu từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có phát sinh CTNH tự đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý CTNH cho đơn vị mình không phải là sự lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Để phát triển theo hướng bền vững đòi hỏi phải xây dựng cơ sở xử lý CTNH tập trung, có quy mô để đảm nhiệm công tác thu gom, xử lý an toàn CTNH trên toàn tỉnh.

Ông Trần Trung Khánh, Phó phòng Kế hoạch- Kỹ thuật Công ty TNHH NNMTV Môi trường và Công trình đô thị Huế cho hay, được sự đồng ý của UBND tỉnh, đơn vị đang thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư lò đốt CTNH tại bãi chôn lấp rác Thủy Phương (Hương Thủy). Công trình này có công suất xử lý 750 kg/h được thiết kế gồm 2 lò đốt, với một lò có công suất 250 kg/h và 500 kg/h. Xác định CTNH đang là vấn đề bức xúc, nên công ty tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ đưa lò đốt này đi vào hoạt động. Ngoài ra, tại Bãi xử lý rác thải sinh hoạt Lộc Thủy ở xã Lộc Thủy (Phú Lộc), đơn vị cũng đã đầu tư một khu chôn lấp CTNH với công suất xử lý 15 tấn/ngày; đồng thời đã trang bị xe chuyên dụng phục vụ thu gom, vận chuyển CTNH.

 

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho rằng, hiện nay, công tác quản lý CTNH còn gặp một số khó khăn. Do nguồn nhân lực ít, nên việc thẩm định hồ sơ đăng ký chủ nguồn CTNH vẫn còn hạn chế. Mặt khác, các văn bản mới ban hành dài, CTNH của đa ngành, đa lĩnh vực, nên khó tiếp cận và khó hiểu sâu bản chất. Bên cạnh đó, có hơn 96% các đơn vị, doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về môi trường, hoặc chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến CTNH còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng đơn vị, doanh nghiệp chưa có cách nhìn đúng đắn về việc kê khai CTNH và thực hiện thu gom, bảo quản, vận chuyển và xử lý CTNH theo đúng quy định. Theo kế hoạch, trong năm nay, cùng với việc hướng dẫn các chủ nguồn phát thải CTNH kê khai, đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải, Chi cục BVMT sẽ bắt tay xây dựng đề án thu gom và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh, tiến đến thực hiện chiến lược quản lý CTNH tại các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề... đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

Những cơ sở chế biến cơ khí nằm nhỏ lẻ trong khu dân cư là nơi phát thải CTNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top