ClockThứ Tư, 12/04/2017 10:08

Quản lý đảng viên sinh hoạt nơi cư trú còn những bất cập

TTH - Quy định 76 QĐ/TW (QĐ 76) “Về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” đã thực hiện được 17 năm. Tuy nhiên, thực tế quá trình chấp hành quy định này từ cơ sở còn bộc lộ nhiều vướng mắc, tồn tại cần điều chỉnh, sửa đổi.

Trước hết là đối với cấp ủy quản lý đảng viên đang công tác. Có thể nói, nhiều nơi cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến việc giới thiệu đảng viên về sinh hoạt tại địa phương và nhắc nhở tính nêu gương của đảng viên. Khi đảng viên mới kết nạp hoặc chuyển đến cơ quan, cấp ủy dễ bị “quên” không  giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú trong khi cấp ủy cơ quan công tác theo dõi quản lý đảng viên ngoài giờ chủ yếu dựa vào văn bản nhận xét của cấp ủy địa phương. Vào thời điểm cuối năm hoặc khi cần quy hoạch, bổ nhiệm cần có văn bản nhận xét của địa phương để bổ sung trong thủ tục hồ sơ thì cấp ủy mới đề cập đến. Mặc dù đây là một kênh thông tin quan trọng để quản lý đảng viên nơi cư trú nhưng ít có cấp ủy phối hợp chặt chẽ để nắm bắt sinh hoạt của đảng viên. Nhiều cấp ủy chỉ xem đây là hình thức bắt buộc mà không xem xét kỹ ý kiến nhận xét của cấp ủy cơ sở. Có trường hợp đảng viên không tham gia sinh hoạt, ít quan hệ với quần chúng, bị cấp ủy địa phương nhận xét không tốt nhưng cấp ủy lãnh đạo cơ quan cũng dễ dàng bỏ qua vì cho rằng đó là “kênh” của địa phương hoặc ở cơ sở có thành kiến v.v… Chính vì lý do này mà một phần của tiêu cực, bất minh tài sản, không chấp hành quy định ở địa phương nhưng cấp ủy cơ quan công tác không nắm bắt kịp thời.

Một thiếu sót nữa đó là cấp ủy, lãnh đạo cơ quan hầu như không trực tiếp về nghe cấp uỷ, tổ trưởng dân phố, các đoàn thể địa phương nhận xét đảng viên sinh hoạt nơi cư trú (trừ khi có vi phạm đã xảy ra mới đi xuống xác minh). Đó cũng là một trong những lý do tại sao lâu nay trong đảng ít phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức của đảng viên.

Đối với cấp ủy địa phương khi thực hiện quy định cũng gặp không ít trở ngại, hạn chế. Điều 4 QĐ 76 nêu rõ: Cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú “chủ động nắm số lượng đảng viên đang cư trú..”, nhưng thực tế không đơn giản. Trước hết là khó để nắm toàn bộ số đảng viên đương chức đang sinh sống ở địa phương. Nếu cấp ủy có chủ động thì cũng chỉ biết anh A, anh B làm việc ở cơ quan nào đó, còn người đó có phải là đảng viên hay không thì phải hỏi kỹ. Cấp ủy cơ quan khi xét kết nạp đảng có về xác minh ở địa phương, nhưng khi đảng viên đó được kết nạp thì địa phương không thể bắt buộc phải được thông báo, trừ khi nhận được giấy giới thiệu về sinh hoạt. Trong QĐ 76 không quy định nơi ở (gắn với hộ khẩu thường trú) hay là nhà ở (nơi mà đảng viên đó sinh hoạt thường xuyên). Vậy nên đảng viên ở các cơ quan được giới thiệu về một trong 2 địa chỉ đó là nơi sống thường xuyên hoặc là nơi có hộ khẩu. Có đảng viên lấy địa chỉ giới thiệu về là nơi có hộ khẩu nhưng thực tế lại ở nhà nơi khác. Ở địa bàn thành phố không ít đảng viên làm nhà hoặc chuyển đi ở nơi khác nhưng không chuyển hộ khẩu (với những lý do khác nhau). Có những đảng viên lợi dụng sở hở này để không tham gia sinh hoạt và thực hiện nghĩa vụ ở khu dân cư. Còn một lý do tế nhị khác đó là kiểu nể nang, xuê xoa theo tình cảm, tình nghĩa xóm giềng khi nhận xét đảng viên. Khi có yêu cầu lấy ý kiến chủ yếu vẫn ghi chung chung như: chấp hành tốt, tham gia tích cực; nhược điểm thì nêu sơ qua, không dám ghi vào văn bản những phát hiện tiêu cực,bất minh. Cũng để nhanh gọn thì đại diện cấp ủy ghi luôn nhận xét mà không thông qua tập thể cấp ủy hoặc chi bộ. Đó là chưa kể tiêu cực nhạy cảm dễ phát sinh giữa bí thư chi bộ đường phố và người được nhận xét khi có vấn đề không bình thường của đảng viên ở địa phương.

Theo quy định thì định kỳ hàng năm (quy định 2 lần vào giữa và cuối năm) cấp ủy cơ sở gặp gỡ đảng viên đương chức để thông báo tình hình ở địa phương,nghe đảng viên góp ý... Đây được xem như một buổi sinh hoạt đảng giữa cơ sở và đảng viên cư trú. Tuy nhiên, cuộc họp cũng mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Hầu như đảng viên đến dự để nghe, ít khi có phát biểu vì thực tế ít nắm bắt tình hình ở địa phương hoặc không muốn phát biểu kéo dài cuộc họp, mất thời gian. Rồi cuối cùng là dịp "lâu lâu mới gặp" nên mời nhau đi liên hoan giao lưu (nhất là các buổi gặp cuối năm). Cái gì đọng lại của các cuộc họp mang tính hiệu quả thì chỉ những người trong cuộc mới biết được chính xác nhất.

Bởi vậy, đã đến lúc cần đề nghị Bộ Chính trị tổng kết QĐ 76 và xem xét, ban hành quy định mới phù hợp hơn.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình thông tin chuyên đề về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu
Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

Nhờ nỗ lực cố gắng của từng cán bộ, đảng viên (ĐV), các cấp ủy đảng, Đảng bộ huyện Nam Đông đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và ĐV.

Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

TIN MỚI

Return to top