ClockThứ Ba, 20/12/2016 05:36

Quản lý đô thị - chuyện từ vỉa hè

TTH - Vỉa hè là một phần của giao thông đô thị, nếu hiểu thấu đáo và quản lý tốt, sẽ góp phần rất lớn trong việc quản lý đô thị, xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.

Vỉa hè trên các tuyến đường ở Huế được sử dụng chưa hợp lý. Ảnh: Võ Nhân

Vỉa hè - “hồn phố”

Với một đô thị, kiến trúc là bộ mặt, văn hoá là tâm hồn; còn vỉa hè, lòng đường là mạch máu đô thị. Một thành phố được gọi là văn minh, phát triển thì bộ mặt phải gọn ghẽ, tâm hồn phải sáng sủa và mạch máu phải thông thoáng. Ý nghĩa tồn tại khách quan của vỉa hè đô thị lớn hơn nhiều so với vỉa hè được đề cập trong các bản quy hoạch. Ở các thành phố trên thế giới, nhất là các khu phố cổ, vỉa hè tồn tại hàng trăm năm, hoặc lâu hơn nữa… Và chúng đã trở thành “chứng nhân của lịch sử”.

Sự hình thành vỉa hè tại Huế không khác mấy so với sự phát triển của nó tại các đô thị khác. Từ khi đô thị bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam cũng chính là lúc những con người thuộc về nền văn minh lúa nước phải từ bỏ thói quen đi lại tự do thoải mái giữa thiên nhiên. Họ phải di chuyển trên những phần không gian chật hẹp được định sẵn, phải thuộc lòng và tuân thủ những quy ước giao thông kể cả những quy ước giao tiếp với nhau nơi chốn đô thị. Đô thị phát triển, dân số tăng và số lượng phương tiện giao thông ô tô, xe gắn máy  sinh sôi. Tất cả đều gia tăng áp lực lên không gian vỉa hè, bởi không theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị và ngày càng bị thu hẹp. 

Vỉa hè, phần hồn của phố thị, là một phần không gian sống không thể thiếu trong tổng thể của một đô thị. Vỉa hè vừa chứa đựng chất không gian công cộng nhưng cũng phần nào mang tính riêng tư. Việc sử dụng vỉa hè có thể làm đẹp thêm nét văn hoá đô thị hoặc làm xấu đi rất nhiều. Nó thể hiện rõ bản chất của con người khi sử dụng vỉa hè: chia sẻ hay chiếm hữu, rộng lượng hay hẹp hòi.

Vỉa hè trong quản lý đô thị

Là bộ phận rất quan trọng ở đô thị, vỉa hè không chỉ phục vụ cho người đi bộ mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, kinh doanh, sinh hoạt cộng đồng. Trong tiến trình quy hoạch đô thị Huế, hệ thống vỉa hè ngày càng được mở rộng hơn, đẹp hơn, thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu mưu sinh của một bộ phận người dân, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn diễn ra nhiều nơi khiến bộ mặt phố phường trở nên nhếch nhác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn giao thông.

Việc quản lý vỉa hè sao cho văn minh, sạch đẹp luôn là vấn đề quan trọng. Bởi nếu thành phố đầu tư cải tạo vỉa hè nhưng không quản lý chặt chẽ, để nạn hàng rong, tận dụng vỉa hè buôn bán nhếch nhác, mất vệ sinh tái diễn thì hiệu quả đầu tư không cao, khó tạo nên một hình ảnh vỉa hè đậm chất Huế, thể hiện nét đẹp của người Huế.

“Sức khoẻ” và sự “tiến hoá” của kinh tế đô thị phản ánh rất rõ ở vỉa hè. Chính nơi đây, mọi hoạt động mua bán, giao thương bắt đầu. Nhộn nhịp hay eo xèo, sung túc hay nghèo nàn. Tất cả đều bộc lộ ra bộ mặt của những công trình, nơi giao tiếp với vỉa hè. Một số quốc gia phát triển như Pháp, Italia... vỉa hè không chỉ đẹp, sạch, thông thoáng mà còn được bố trí chỗ để xe đạp, sạp báo, quán cà phê… Giá thuê vỉa hè do Nhà nước quản lý rất cao, đi kèm là những quy định chặt chẽ. Những băng ghế nghỉ chân cho khách bộ hành cũng như những thư viện sách ngoài trời, thùng chứa rác, trạm điện thoại, máy rút tiền tự động… được bố trí khoa học và thuận tiện cho người dân và khách du lịch.

Ở nước ta, nền kinh tế “mặt tiền và bám trục đường” khiến vỉa hè trở thành nơi đậu xe máy của các cửa hàng, nhà hàng. Vỉa hè cũng trở thành quán nhậu, nơi chất chứa hàng hoá. Thậm chí khi kẹt xe, vỉa hè trở thành đường giao thông tự phát cho xe gắn máy. Tuy nhiên, cũng có những nỗ lực để giành lại những không gian đẹp đẽ cho con người. Vỉa hè ở Huế cũng trải qua biết bao đợt “thay da đổi thịt” vật liệu bề mặt nhằm phù hợp với vị thế kinh tế của thành phố. Cũng có những nỗ lực mở rộng vỉa hè thành không gian đi bộ hoàn toàn, cấm hoàn toàn giao thông cơ giới.

Trong những nỗ lực gần đây nhất, cùng với sự phát triển của đô thị Huế, vỉa hè được xây dựng và trở thành một thành phần của cảnh quan kiến trúc. Kết cấu vỉa hè có cao trình phù hợp, thuận lợi cho người đi bộ, nhất là người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Nhằm tạo cảnh quan đẹp, thành phố cũng đã thực hiện “xanh hoá vỉa hè” bằng cách chỉnh trang hệ thống cây xanh, thảm cỏ dọc vỉa hè trên nhiều tuyến đường ở khu vực Thành Nội. Người Huế nay đã có thói quen đi bộ, thong thả và ung dung. Những vỉa hè xanh tươi không chỉ cải thiện vẻ đẹp thân thiện của đô thị mà còn giúp ích môi trường trong việc cải thiện chất lượng không khí cũng như giúp thu hồi nước mưa cho mạch nước ngầm một cách tự nhiên.

Hoài Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đường vành đai phía đông Lộc Sơn: Hoàn thiện nhưng chưa ổn

Mới đây, chúng tôi nhận thông tin từ người dân xã Lộc Sơn (Phú Lộc) về tuyến vành đai phía đông Lộc Sơn (vành đai Lộc Sơn) đã hoàn thiện nhưng nhiều đoạn đường dài có mặt đường gồ ghề, nắng lên làm bụi ngút trời gây khó khăn cho người, phương tiện qua lại.

Đường vành đai phía đông Lộc Sơn Hoàn thiện nhưng chưa ổn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top