ClockThứ Bảy, 19/03/2016 13:23

Quản lý kiến trúc hàng rào

TTH - Hàng rào không chỉ là một công trình có tác dụng bảo vệ an ninh bên trong tòa nhà mà còn là gạch nối giữa không gian trong - ngoài, thành tố kiến trúc quan trọng tác động lớn đến tầm nhìn và thị giác của con người đối với tổng thể kiến trúc.

Hàng rào mới (phía trong) vẫn “đặc” giống hàng rào cũ (phía ngoài). Ảnh: Võ Nhân

Khi hay tin TP Huế có dự án chỉnh trang lại hệ thống thoát nước và vỉa hè trước Trường đại học Sư phạm Huế, tôi thầm nghĩ đây sẽ là cơ hội để trường làm lại tường rào mới thay thế cho hệ thống tường rào trước đây. Có lẽ, bằng cảm quan bình thường rất dễ nhận ra tường rào của Trường đại học Sư phạm Huế là cũ kỹ và ít ấn tượng hơn cả, hoàn toàn không tương xứng với kiến trúc rất đẹp được thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ. Hàng rào ở đây được xây dựng theo dạng “đặc” khiến cho tầm nhìn bên ngoài vào công trình kiến trúc bị hạn chế. Cũng chính vì vậy, không gian bên trong bị đóng khung, tạo ra cảm giác chật chội và bức bí hơn; sự giao tiếp giữa công trình với không gian bên ngoài cũng ít đi.

Là một công trình có chức năng giáo dục, việc xây dựng loại hàng rào “kín” có lẽ không thực sự cần thiết và ít nhiều ảnh hưởng đến không gian chung của đường Lê Lợi vốn dĩ cần sự thoáng đãng và rộng rãi. Thế nên, thật đáng tiếc khi mới đây, cùng với việc triển khai xây dựng lại hệ thống thoát nước và vỉa hè, hàng rào của ngôi trường này được làm mới nhưng trường lại không mạnh dạn thay đổi mà cho xây dựng gần như nguyên bản thiết kế của hàng rào trước đây.

Còn nhớ khi triển khai xây dựng công trình Trung tâm giới thiệu đặc sản Huế (hiện là Nhà sách Phương Nam), đơn vị thi công sau khi hoàn thành công trình đã cho xây dựng hàng rào bao quanh khuôn viên công trình. Chúng tôi đã có bài viết về sự thiếu hợp lý của việc xây dựng hàng rào ở đây, bởi nó tạo nên sự ngăn cách đối với không gian của phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, làm ảnh hưởng đến sự tiếp cận của người dân đối với công trình. Ngay lúc đó, lãnh đạo TP Huế quyết định hạ toàn bộ phần hàng rào vừa xây và chỉ cho xây những bồn hoa thấp. Nhờ vậy, tầm nhìn từ bên ngoài vào công trình này thật sự thoáng đãng, việc sử dụng để làm không gian triển lãm, hội sách hoặc các hoạt động có tính chất lễ hội ở ngoài khuôn viên công trình cũng trở nên  rất thuận tiện.

Theo Thạc sĩ – KTS Trần Ngọc Tuệ, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế: “Đường Lê Lợi là đường có thiết diện hẹp, lại gắn liền với dải xanh  của công viên bên bờ sông Hương, chúng ta nên sử dụng kiến trúc hàng rào mở, dùng giải pháp kiến trúc thoáng, rỗng để tạo sự liên kết một cách liền mạch giữa bên trong và bên ngoài. Làm như vậy, hàng rào sẽ “ngăn” nhưng không “cách” và tạo ra cảm giác mở cho không gian. Đối với những công trình mang tính chất công cộng như công viên, bảo tàng, nhà trưng bày có thể chỉ sử dụng những hàng rào thấp, mang tính ước lệ và có tác dụng chuyển tiếp. Để hệ thống hàng rào có sự thống nhất, KTS Tuệ cho rằng, thành phố cần thiết phải có sự quản lý và phê duyệt về mặt thiết kế cũng như có thiết kế đô thị cho trục đường Lê Lợi và một số trục đường trung tâm khác của thành phố, để dễ dàng cho việc quản lý và tạo dựng hình ảnh đô thị.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Huế Nguyễn Việt Bằng, cho biết: “Hiện nay, thành phố vẫn chưa có quy định cụ thể về mẫu mã cũng như phê duyệt thiết kế hệ thống hàng rào phía bên ngoài công trình. Điều đó có nghĩa đa số hàng rào đang được xây dựng một cách tự phát tùy theo cảm quan của nhà đầu tư. Thậm chí còn không được thiết kế trong tổng thể chung công trình, dễ tạo ra sự xộc xệch về phong cách cũng như thiếu sự đồng nhất về hình ảnh kiến trúc của các trục đường”.

Hàng rào là một điểm nhấn kiến trúc quan trọng, nó là điểm nhìn đầu tiên trước khi nhìn vào công trình. Ấn tượng nó mang lại góp phần tôn thêm vẻ đẹp công trình và ngược lại. Với Huế, đôi khi không phải là hệ thống hàng rào kín cổng cao tường đồ sộ mà chỉ là hàng chè tàu xanh mộc mạc, được chủ nhân chăm chút kỹ lưỡng cũng tạo nên một dấu ấn đặc biệt, trở thành nét đặc trưng rất riêng của nhà vườn xứ Huế. Quan trọng là vậy, nên chăng đã đến lúc thành phố cần quan tâm đến vấn đề quản lý xây dựng các hàng rào cùng với phê duyệt thiết kế công trình, để hạn chế những hàng rào không hợp lý, từ đó giúp chủ nhân thiết kế hàng rào không chỉ thể hiện sự ấn tượng theo quan điểm cá nhân mà còn hài hòa với không gian kiến trúc chung.

                                      Bài, ảnh: QUANG PHONG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy trả lại sự lành lặn cho ngôi trường hồng

Nép mình bên dòng Hương thơ mộng là ngôi trường hồng mang tên Trường trung học phổ thông ̣(THPT) Hai Bà Trưng. Đây là một trong những ngôi trường lớn, có lịch sử lâu đời ở miền Trung và cả nước. Trường do vua Khải định đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào ngày 15 tháng 7 năm 1917 và đặt tên là Đồng Khánh (Hoàng khảo của vua Khải Định).

Hãy trả lại sự lành lặn cho ngôi trường hồng
Không gian sống chữa lành

Ngày nay, nhu cầu chữa lành những tổn thương tinh thần là rất lớn. Nhiều người thường tìm đến những dịch vụ chữa lành mà quên đi rằng, việc tạo lập không gian sống phù hợp cũng giúp mang đến những trải nghiệm cân bằng, thư thái, giảm stress hiệu quả.

Không gian sống chữa lành
Lấy sáng cho nhà trong hẻm

Những ngôi nhà trong hẻm thường ở trong tình trạng thiếu sáng, bí bách. Việc lấy sáng cho nhà trong hẻm luôn được ưu tiên hàng đầu, bởi ánh sáng tự nhiên có vai trò cực kỳ quan trọng, tác dộng trực tiếp đến cảm giác và sức khỏe con người

Lấy sáng cho nhà trong hẻm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top