ClockThứ Năm, 17/09/2015 14:55

Quản lý lỏng, sử dụng sai - Kỳ 2: Khó đòi

TTH - Một hộ gia đình được vay hai, thậm chí ba chương trình thông qua các tổ hội vay vốn ủy thác của VBSP không phải là chuyện hiếm. Vậy nên, việc nợ quá hạn dẫn đến nợ khó thu hồi là chuyện đã và đang xảy ra.
Nếu sử dụng tốt, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xóa đói giảm nghèo (Trong ảnh: Cán bộ VBSP thu tiền tại điểm giao dịch phường Thủy Xuân)

Chưa trả nợ cũ vẫn cho vay mới

Thông tin liên quan: "Quản lý lỏng, sử dụng sai - kỳ 1: Sai đối tượng lẫn mục đích"
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2003 đến giữa tháng 7/2005, ông Trần Đình H ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc được vay hai chương trình, gồm hộ nghèo và xuất khẩu lao động. Đáng nói là, cả hai chương trình này đều do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp và người thực hiện cho vay là tổ trưởng Trần Thị Xuyên. Khoản vay thứ nhất giải ngân từ cuối năm 2003 và thời gian đáo hạn là gần cuối năm 2006. Khoản vay xuất khẩu lao động giải ngân giữa năm 2005, trong khi khoản vay trước đó (dù số tiền không lớn chỉ 1 triệu đồng, vay theo chương trình hộ nghèo) hộ ông Trần Đình H. chưa trả, vẫn được giải ngân thêm 15,5 triệu đồng. Đến nay, cả hai khoản vay của hộ ông H. đã quá hạn gần 10 năm. Riêng lãi tồn khoản vay xuất khẩu lao động đã gần tương đương nợ gốc, hơn 11 triệu đồng.
Ngoài giải pháp thu tiền hàng tháng tại các điểm giao dịch để vừa thuận lợi cho tổ, hội, vừa hạn chế nợ đọng, giải pháp khá hiệu quả mà VBSP đang áp dụng để thu hồi nợ là vận động đối tượng vay gửi tiết kiệm hàng tháng. Hiện, dư nợ bình quân trên tổ tiết kiệm và vay vốn tăng từ 594 triệu đồng/tổ lên 642 triệu đồng/tổ. Đơn vị có dư nợ bình quân cao nhất là Nam Đông với hơn 970 triệu đồng/tổ, kế đến là A Lưới 855 triệu đồng/tổ, Phong Điền 830 triệu đồng/tổ. TP Huế có dư nợ bình quân thấp nhất, chỉ với hơn 330 triệu đồng/tổ. Nhờ thực hiện giải pháp này nên tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ còn hơn 4 tỷ đồng/1.800 tỷ đồng dư nợ toàn chi nhánh VBSP.
Trường hợp bà Dương Thị Mỹ T. cũng ở Lộc Vĩnh được vay cả hai chương trình chỉ cách nhau một năm và cũng qua một tổ trưởng vay vốn phụ nữ là bà Nguyễn Thị Hoa. Khoản vay đầu tiên thực hiện năm 2009, với dư nợ 8,6 triệu đồng ở chương trình cho vay học sinh-sinh viên. Một năm sau, bà Dương Thị Mỹ T. tiếp tục được tổ phụ nữ giải ngân thêm 9 triệu đồng theo chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Cũng như trường hợp ông Trần Đình H., hai khoản vay của bà Dương Thị Mỹ T. đều quá hạn trả nợ. Từ khi vay đến nay chưa trả đồng nào. Khó khăn hơn cho công tác thu hồi nợ là bà Dương Thị Mỹ T. hiện không còn ở địa phương, đã đi làm ăn xa.
Việc một hộ được vay nhiều chương trình vốn vay ưu đãi của VBSP qua các tổ hội vay vốn không phải là chuyện hiếm, nhất là thời điểm cách đây vài năm. Hầu như 100% tổ hội thực hiện ủy thác để vay vốn đều có nợ xấu, nợ quá hạn, một số khoản có nguy cơ mất trắng.
Khó thu hồi vốn
Theo VBSP, nợ quá hạn đối với các chương trình tín dụng của ngân hàng từ đầu năm đến nay đã giảm so với năm 2014, từ 1,29% xuống còn 0,25%. Điều đáng suy ngẫm là, dù tỷ lệ nợ quá hạn có chiều hướng giảm nhưng với một số chương trình và hộ vay, việc thu hồi vốn rất khó khăn, như chương trình cho vay xuất khẩu lao động và học sinh sinh viên. Dư nợ của cho vay xuất khẩu đến nay chỉ 2,6 tỷ đồng nhưng có đến 1,2 tỷ đồng là nợ quá hạn, với tỷ lệ 46%. Riêng địa bàn Hương Thủy chiếm hơn 1,1 tỷ đồng nợ quá hạn. Đây là chương trình cho vay được đánh giá đạt chất lượng thấp trong tất cả các chương trình tín dụng tại VBSP tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động vài năm trở lại đây gặp khó khăn nên lao động ít đăng ký đi xuất khẩu lao động. Hơn nữa, có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có dấu hiệu lừa đảo, nhận tiền của lao động rồi không đưa đi nước ngoài làm việc khiến người lao động lao đao, chưa có tiền trả cho ngân hàng. Vụ việc ở Hương Thủy là một ví dụ. Hiện tại, người lao động đã khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường.
Trở lại với các hộ vay vốn nợ quá hạn tại Lộc Vĩnh, sau quá trình vận động và mời lên UBND xã làm việc nhiều lần, hộ ông Trần Đình H. cam kết trả mỗi tháng 500 ngàn đồng. Riêng trường hợp bà Dương Thị Mỹ T., hiện chưa có hồi đáp. Một số trường hợp khác như Bùi Thị Hòa, Huỳnh Trọng C., Lê Phước X.... cũng với lý do đi làm ăn xa, cố tình chây ì việc trả nợ dẫn đến nợ quá hạn kéo dài.
Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề về việc khởi kiện ra tòa đối với các hộ vay vốn cố tình không trả nợ khi các biện pháp vận động, thuyết phục, cam kết không hiệu quả, lãnh đạo VBSP tỉnh cho hay, cũng đã tính tới nhưng đa phần các khoản vay đều không lớn, thậm chí chỉ vài triệu đồng. Hơn nữa, việc khởi kiện cũng chưa từng có tiền lệ nên rất khó triển khai.
Điều lãnh đạo VBSP nói không phải là không có lý, song, dù số tiền mỗi món vay không lớn, nhưng cộng dồn tất cả các món vay, với dư nợ quá hạn đến nay hơn 4 tỷ đồng là con số không hề nhỏ. Nếu cho vay, sử dụng, thu hồi tốt, nguồn vốn này có thể giúp người nghèo bớt khó khăn, nếu không sẽ lãng phí, gây thất thoát.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt

Dự báo hôm nay (18/4), ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Cảnh báo, nắng nóng có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt
Return to top