ClockThứ Tư, 23/10/2013 05:12

Quản lý quy hoạch trạm BTS: Cần mạnh tay

TTH - Trước thực trạng trạm BTS không giấy phép, không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và mất an toàn khi mùa mưa bão đến, UBND tỉnh có Kế hoạch số 110/KH-UBND xử lý, cải tạo trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2017, nhằm hướng đến quy hoạch trạm BTS theo hướng bền vững.

Đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của khách hàng, các nhà mạng đua nhau lắp đặt trạm BTS; trong đó, có nhiều trạm BTS xây dựng không phép, làm mất vẻ mỹ quan đô thị và gây nhiều lo ngại cho người dân xung quanh.   

Với bán kính chưa đến 100m nhưng có tới 2 trạm BTS

Phát triển chủ yếu theo nhu cầu kinh doanh

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng mạng thông tin di động là: Viễn thông Thừa Thiên Huế (Vinaphone), Công ty thông tin di động (Mobifone), Viettel Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Vietnam Mobile), Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel- Mobile) và Bưu chính Viễn thông Thừa Thiên Huế (Sphone). Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại di động trên địa bàn tỉnh có 1.514.524 thuê bao, đạt mật độ 158,56 máy/100 dân. Toàn tỉnh, hiện có 1.010 trạm BTS, tổng doanh thu hàng năm ước đạt trên 922 tỷ đồng.
 
Việc đầu tư xây dựng các trạm BTS có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội và quan trọng đối với an ninh quốc phòng, tuy nhiên một thời gian dài, việc đầu tư xây dựng trạm BTS còn có nhiều bất cập do sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật và bảo vệ hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp viễn thông phát triển mạng lưới chủ yếu theo nhu cầu kinh doanh mà chưa có sự quan tâm đúng mức đến các địa bàn khó khăn; chưa có sự phối hợp chia sẻ sử dụng chung cơ sở hạ tầng dẫn đến lãng phí trong đầu tư gây khó khăn trong quản lý, gây mất mỹ quan môi trường đô thị, làm nảy sinh sự thiếu đồng thuận trong nhân dân, dẫn đến tình trạng cản trở xây dựng, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm gây bất ổn trong nhân dân. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ chấp hành các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp viễn thông chưa thật sự nghiêm túc. Nhiều hạng mục hạ tầng chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn thi công.
 
Theo quy hoạch của tỉnh, trong cùng một khu vực bán kính dưới 300m nếu ở thành phố và trung tâm huyện, thị xã và thị trấn; bán kính dưới 500m nếu ở khu vực nông thôn thì chỉ được phép phát triển một trạm BTS và yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp viễn thông bất chấp quy định, mạnh ai nấy làm. Đơn cử như ở đoạn đường tránh Thủy Dương - Tự Đức thuộc phường An Tây (TP Huế) chỉ với bán kính chưa đến 100m nhưng có đến 2 trạm BTS; hoặc tại xã Phú Thượng (Phú Vang) các doanh nghiệp viễn thông cũng bất chấp quy định đầu tư xây dựng hai trạm BTS trong vòng bán kính khoảng 70m. Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp xây dựng trạm BTS vi phạm quy hoạch.
 
Vấn đề là, các doanh nghiệp viễn thông đều nắm rõ các quy định khi xây dựng trạm BTS, nhưng do áp lực về tiến độ hoàn thành chỉ tiêu của trên giao nên doanh nghiệp bất chấp các quy định của Nhà nước. Đơn cử như vừa qua, Viettel Thừa Thiên Huế xây dựng trạm BTS ở 73 đường Yết Kiêu bị UBND phường Thuận Hòa (TP Huế) đình chỉ thi công do xây dựng lắp đặt trạm BTS không có giấy phép, không có thiết kế của cấp có thẩm quyền phê duyệt và xây dựng vi phạm về chiều cao công trình. Mặc dù, đã bị chính quyền địa phương đình chỉ thi công, nhưng hai mươi ngày sau, Viettel Thừa Thiên Huế lại tiếp tục bất chấp quy định và cố tình vi phạm.
 
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế thừa nhận: “Do nhu cầu của khách hàng ngày càng đông, trong khi đó đơn vị luôn muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất đến với người sử dụng. Vì thế, thời gian qua Viettel Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều trạm BTS trái phép, không chấp hành đúng quy định của Nhà nước. Khắc phục những khuyết điểm trên, hiện đơn vị rà soát lại để có hướng cải tạo xử lý theo quy định của UBND tỉnh”.
 
Ông Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Chi nhánh Mobifone Huế phân trần: “Trong khi xây dựng các trạm BTS trên địa bàn đơn vị luôn tuân thủ, chấp hành các quy định như công trình phải có bản vẽ, thẩm định, kiểm định công trình và các giấy liên quan như giấy tờ về đất, nhà, hợp đồng thuê mặt bằng... Tuy nhiên, hiện Mobifone có một số trạm BTS không có giấy phép xây dựng có lẽ là do Trung tâm Thông tin di động Khu vực III - Đà Nẵng xây dựng trước đây mà không đầy đủ thủ tục. Hiện, Chi nhánh Mobifone Huế rà soát lại để hoàn thành thủ tục, xin cấp giấy phép trong thời gian sớm nhất”.
 
Xử lý, cải tạo trạm BTS vi phạm
 
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 629/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Mục tiêu, phát triển hệ thống trạm thu phát sóng thông tin di động đồng bộ, hiện đại đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với sự phát triển của công nghệ viễn thông trên cả nước và thế giới. Đến năm 2015, đảm bảo chất lượng dịch vụ và phát triển đa dịch vụ; ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm dần các trạm BTS loại 1 và hạ dần độ cao của các trạm BTS loại 2. Đến năm 2020, có hạ tầng viễn thông phát triển vào loại tiên tiến trong khu vực ASEAN, hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh được thực hiện trên môi trường thông tin điện tử hiện đại, xây dựng được những nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế tri thức. Theo quy hoạch, đến năm 2013, phủ sóng 3G tới 100% khu dân cư; tỷ lệ sử dụng dùng chung cơ sở hạ tầng mạng di động đạt khoảng 35% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. 
Việc xử lý, cải tạo trạm BTS trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện giai đoạn 2014-2017, với mục đích lập lại trật tự, kỷ cương xây dựng trạm BTS nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Theo đó, doanh nghiệp nghiêm túc tháo dỡ 14 trạm BTS trên địa bàn tỉnh xây dựng không có giấy phép, không phù hợp quy hoạch. Sở TT&TT theo dõi, kiểm tra giám sát việc tháo dỡ các trạm BTS của các doanh nghiệp đúng theo thời gian quy định. Giám đốc doanh nghiệp chủ sở hữu trạm BTS chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không thực hiện việc tháo dỡ trạm BTS đúng quy định.
 
Ông Võ Văn Khoái, Trưởng phòng Viễn thông (Sở TT&TT) cho biết: “Trạm BTS là những công trình viễn thông thụ động, đã và đang phát huy hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như mang đến lợi ích cho người dân; tuy nhiên, không phải vì thế mà có nhiều trạm BTS được các doanh nghiệp viễn thông xây dựng trái phép. Thời gian tới, Sở TT&TT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thành phố, các thị xã và huyện trực tiếp chỉ đạo đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông sở hữu các trạm BTS vi phạm đẩy nhanh việc cải tạo, khắc phục, bổ sung giấy phép xây dựng và tiến hành tháo dỡ, di dời đối với những trạm BTS không phù hợp quy hoạch theo đúng tiến độ đề ra của UBND tỉnh. Đến năm 2017, hoàn thành việc cải tạo 100% các trạm thu phát sóng loại 2 tại khu vực thành phố Huế, thị xã, thị trấn thành các trạm 2a, 2b hoặc chuyển thành trạm ngụy trang (tùy theo vị trí cụ thể của khu vực lắp đặt trạm). Nếu doanh nghiệp nào có trạm BTS vi phạm mà không thực hiện đúng tiến độ đề ra, sẽ có chế tài xử phạt nặng và lãnh đạo đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”.
 
Thời gian xử lý, cải tạo và tháo dỡ những trạm BTS xây dựng vi phạm trên địa bàn tỉnh đã cận kề, thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi một số doanh nghiệp viễn thông chủ sở hữu trạm BTS vi phạm vẫn “bình chân như vại”. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế nói: “Bây giờ, đơn vị đang xác định khối lượng công việc gồm 4 hạng mục đó là tháo dỡ những trạm không phù hợp với quy hoạch, hạ độ cao đối với những trạm cần phải cải tạo, xây dựng trạm mới và tối ưu lại mạng lưới. Doanh nghiệp xác định sẽ thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh nhưng không phải nói cái làm được ngay, đòi hỏi phải có kinh phí và thời gian. Từ đây đến đó còn mấy tháng nữa cơ mà…”.
 
Ông Lê Thành Bắc, Trưởng phòng Công Thương huyện Phong Điền cho biết: “Trên địa bàn huyện Phong Điền có 101 trạm BTS; trong đó có 23 trạm không có giấy phép và không phù hợp với quy hoạch. Huyện tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sở hữu trạm, những trạm BTS vi phạm không phù hợp buộc tháo dỡ, đối với những trạm phù hợp quy hoạch nhưng chưa có giấy phép sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cấp phép; các doanh nghiệp không nên chủ quan mà cần có sự phối hợp ngay từ bây giờ, để hoàn thành công việc trước hoặc đúng thời gian UBND tỉnh đề ra”.
Bài, ảnh: Minh Hằng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top