ClockThứ Sáu, 25/03/2016 05:16

Quản lý tin rác điện thoại di động dễ hay khó

TTH - Lâu nay người sử dụng điện thoại di động (ĐTDD) ai ai cũng than phiền là bị quấy rối quá nhiều, khi phải “tiếp nhận” những tin nhắn không mong muốn.

Điện thoại, thông tin cho nhau là vấn đề bình thường trong thời hiện đại ngày nay. Điều đáng mừng là số thuê bao ĐTDD ở nước ta đã vượt quá dân số 90 triệu người, nằm ở tốp cao nhất thế giới có số người sử dụng phương tiện này. Nhưng cũng đáng buồn là chúng ta quản lý không được, hay chưa đủ sức quản lý lại là vấn đề đáng bàn. Từ chỗ là phương tiện thông tin nhanh và tiện lợi trong quan hệ của người sử dụng thì sự phiền hà cũng là vấn đề không thể gọi bình thường được. Ngoại trừ những mối quan hệ có mâu thuẫn sử dụng điện thoại để quấy rối nhau thì cũng không ít những người khác “ được” nhận những cuộc điện hoặc nhắn tin không hề mong muốn. Đặc biệt là những tin nhắn “nhầm địa chỉ”, nhưng lại là tin nhắn cố ý. Những buổi trưa hoặc quá nửa đêm chuông báo tin reo lên từ điện thoại của cá nhân chắc chắn phải có vấn đề gì của mình, nhưng mở ra xem thì không liên quan, mà người ta gọi là “Tin rác”. Chưa kể là chuyện tế nhị, nghi kỵ lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng, con cái.

Những ai đã sử dụng phương tiện này có thể dễ dàng nhận diện ra những “chiêu trò” của nó. Nào là quảng cáo bán nhà, bán sim đẹp giá rẻ. Nào là thông báo cho biết thuê bao trúng thưởng, được nhận “siêu xe”, iphone 6 +plus. Nhưng nguy hiểm và kinh khủng nhất là nhắn tin khủng bố tinh thần ,đe dọa tính mạng,sức khỏe của người nhận. Vô số những nội dung chiêu trò được phô diễn hết sức đa dạng, phong phú được thể hiện trong tin nhắn rác. Và hệ lụy của nó đã quá rõ ràng và không thể chấp nhận được. Có người đã phải thuê lại dịch vụ chặn tin nhắn của chính các nhà mạng (lại thêm một khoản chi phí), nhưng chặn được thuê bao này thì lại xuất hiện thuê bao khác. Và nhiều lần như vậy, không thể nào ngăn chặn hết. Trong khi đó, quy định mỗi người được sử dụng tối đa 3 thuê bao và phải có chứng minh nhân dân .

Tại sao tình trạng tin rác vẫn được tồn tại và pháp luật cần xử lý như thế nào cho đúng? Từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành NĐ 90, năm 2011 tiếp tục ra NĐ 83 về xử lý thư (tin) rác. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định tương đối cụ thể (NĐ 72) và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư 04 hướng dẫn thực hiện. Trên các phuong tiện thông tin đã có nhiều cảnh báo cho người sử dụng và khuyến cáo cho các nhà quản lý, nhưng tình trạng tin rác không giảm được bao nhiêu, thậm chí còn diễn ra nhiều chiêu trò hơn nữa! Các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc kiểm tra nhưng có lẽ chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt. Ai là thủ phạm cố tình vi phạm? Phải chăng thuốc đã bị nhờn? Câu trả lời cho tình trạng trên là dễ hay khó ai cũng có thể nói được. Đó là vì các nhà cung cấp dịch vụ không muốn cắt bỏ nguồn lợi nhuận của mình và các nhà quản lý không thực thi đúng chức trách nhiệm vụ. Nói cách khác là chấp hành pháp luật không nghiêm khi mà các văn bản chế tài không thiếu!

NGUYỄN TÙNG AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời đại kỹ thuật số: Điện thoại di động nhiều hơn con người

Công nghệ thông tin và truyền thông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của số hóa, hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc sống rất nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng khiến con người sống trong một thế giới ảo, nơi mọi người thích giao tiếp trên các phương tiện điện tử hơn là những tương tác vật lý.

Thời đại kỹ thuật số Điện thoại di động nhiều hơn con người

TIN MỚI

Return to top