ClockThứ Năm, 30/10/2014 12:46

Quan trọng là phương án sản xuất kinh doanh

TTH - Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm, kể từ ngày 29-10. Đây là một trong những động thái mới, có tác động giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong tiếp cận nguồn vốn; đồng thời, để các ngân hàng giải ngân nguồn vốn hiệu quả.

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng, tiền trong các ngân hàng thì rất nhiều; trong lúc doanh nghiệp thì khó tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân được cho là tính khả thi của dự án không cao, nên ngân hàng không dám cho vay. Điều này không thể trách ngân hàng, bởi cho vay để đầu tư vào một dự án là rất lớn, cả hàng trăm tỷ đồng, nếu danh nghiệp làm ăn không hiệu quả thì việc thu hồi vốn sẽ rất khó khăn, làm phát sinh nợ xấu, thậm chí là phá sản.

Một người có chuyên môn cho biết, để được ngân hàng tin tưởng cho vay thì phải có phương án thiết thực, có tính khả thi; chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như cách thu hồi vốn để trả nợ. Đó là những hợp đồng xây dựng, hợp đồng kinh tế cụ thể, nhu cầu thị trường, kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh… Đặc biệt trong xu hướng phát triển một nền công nghiệp bền vững theo hướng kinh tế xanh thì yêu cầu đặt ra càng lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới công nghệ thiết bị phù hợp với trình độ phát triển chung, thích ứng với môi trường. Nếu không, hàng hóa sản xuất ra sẽ không đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng hoặc môi trường không đảm bảo, sẽ bị pháp luật xử lý, dẫn đến sản xuất đình trệ, khó thu hồi vốn…
Một trong những vấn đề quan trọng nữa là thời hạn hoàn trả vốn. Do không tính toán hợp lý thời gian thu hồi vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh, một số trường hợp đặt gói vay ngắn hạn, buộc phải hoàn trả vốn theo hợp đồng với ngân hàng; nên doanh nghiệp phải chạy theo số lượng, hoặc nâng giá thành sản phẩm, làm giảm tính cạnh tranh... Tính cạnh tranh giảm thì hàng hóa bán không chạy, hệ quả là khó thu hồi vốn. Cái vòng luẩn quẩn này cứ kéo dài, làm cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng khó “bắt tay” được với nhau.
Một phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tiễn cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp là điều quan trọng, để tiếp cận vốn ngân hàng. Đây cũng là cách để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo toàn được nguồn vốn và có lợi cho ngân hàng; cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Một trong những tín hiệu vui nữa là dịp này, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ xuống còn tối đa 13%/năm, như một biện pháp để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu được thì đây là điều kiện, để các doanh nghiệp giảm bớt được mối lo của lãi suất cao tồn tại từ thời kỳ kinh tế khủng hoảng, tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp có thêm nguồn đối ứng, góp phần sản xuất kinh doanh được hiệu quả hơn.
Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top