ClockThứ Ba, 26/02/2013 05:47

Quảng Điền - những năm tháng ác liệt

TTH - Đợt 2 năm 1968, K8 đơn vị chúng tôi được nhận nhiệm vụ tác chiến vùng sâu trong lòng địch, để hỗ trợ chính quyền cách mạng mới thành lập củng cố tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, giữ đất, giữ dân vùng mới giải phóng từ Quảng Thái, đến Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Phú (Quảng Điền), chuẩn bị đợt tiến công tiếp theo. K8 chúng tôi được biên chế, trang bị khá đầy đủ gần 500 quân, cộng lực lượng tăng cường vũ trang huyện, các đội công tác, luôn bám sát đơn vị để phục vụ bảo đảm cho đơn vị tác chiến, do cục diện trên chiến trường ở các tỉnh, thành phố phía Nam từ Đà Nẵng trở vào trong đợt tổng Tấn công nổi dậy chưa làm chủ được dài ngày như Huế, nên địch đủ sức huy động lực lượng các quân đoàn, các sư đoàn kỵ binh bay thiện chiến của Mỹ tập trung phản kích đánh chiếm lại Huế và các vùng lân cận.

K8 đợt 2 của chúng tôi theo mệnh lệnh tổ chức tác chiến trên một khu vực các xã thuộc phía Bắc Huế (Hương Trà và Quảng Điền).

Tôi bị thương trong trận Phước Yên, được đồng đội của trung đoàn 1 cáng ra trong trận đánh đó, đi hết 3 đêm liên tục nhưng không vượt được Quốc lộ 1 từ Phò Trạch đến Tứ Hạ để chuyển về tuyến sau, chỗ nào cũng có địch kiểm soát, cuối cùng đơn vị cáng tôi về cơ sở làng Bao La (xã Quảng Phú), giao cho địa phương tổ chức cất giấu và điều trị. Đơn vị cáng tôi đến đầu làng xóm Hóp để tại đó, chưa kịp bàn giao phải khẩn trương rút ngay để giấu quân, sẵn sàng chống càn. Bà con dân làng, đa số ông bà già xúm xít đến nhìn tôi, để được thấy mặt người lính Việt cộng mà bọn địch tuyên truyền: “5 người trèo lên tàu đu đủ không gãy”. Một lát sau, tôi được chị Thiệu là đảng viên hoạt động hợp pháp tổ chức chuyển vào cơ sở xóm Đình giao cho gia đình chị Niềm, là đảng viên hoạt động hợp pháp chăm sóc. Trời sắp sáng, có tiếng địch từ Hạ Lang đang về trên đường, chị vội vàng giao cho bác Trọng cõng tôi ra hầm bí mật cách nhà khoảng 500m, dưới vườn lồ ô đã được chuẩn bị trước Tết Nguyên đán. Tôi xuống hầm chưa kịp thở, bọn địch đã ập đến, la ó chửi mắng lung tung, gọi là cất giấu Việt cộng. Chúng sục sạo các căn nhà, các vườn lồ ô, các bờ rào, ngõ hẻm, đâu cũng có dấu chân địch, xăm, thuốn tìm miệng hầm bí mật, có lúc chúng ở ngay bên cạnh miệng hầm tôi, may nó không phát hiện được, sau địch rút.
 
Tôi được y tế địa phương, người đó tên là Tiếu ở xóm Xuân Tùy, được cơ sở giao nhiệm vụ đến phẫu thuật, cắt lọc các phần hoại tử và điều trị vết thương. Sau 3 tháng vết thương mới lành, đi lại chập chững. Địa phương tổ chức luân phiên nhau bảo đảm nuôi dưỡng, may sắm quần áo, chăm sóc vết thương hàng ngày, thay băng và điều trị trong điều kiện sống trong hầm bí mật nhỏ hẹp dưới lòng đất. Cưu mang tôi sống là gia đình chị Thiệu, chị Niềm, chị Quyền, vợ chồng anh Thẻ, gia đình bác Mốc và một số gia đình lân cận ở xóm Đình, xóm Hóp, xóm Chùa làng Bao La. Đến tháng 7-1968, tôi được cơ sở chuyển về xã Quảng Thái để có điều kiện bắt liên lạc về tuyến sau (lên núi), nhưng không đi được. Quảng Thái trở thành vùng tự do, địch tạo sơ hở, ta mất cảnh giác, tất cả các lực lượng, trinh sát, đội phẫu, các đội cơ sở và số thương binh chưa chuyển được, ở lại cũng khá đông, địch tập trung mở đợt càn quét, quy mô lớn, có pháo binh, xe tăng yểm trợ, phản kích lấn dần từng bước, nên các thôn ở Quảng Thái bị san bằng, nhân dân bị dồn vào ấp chiến lược, lực lượng của ta tổn thất nhiều.
 
Tôi được gia đình của mẹ Sưa, có con là Xã đội phó Quảng Thái trực tiếp nuôi dưỡng. Mẹ rất ân cần và trách nhiệm. Sau đợt càn quét của Mỹ, bị dồn vào ấp chiến lược, nhưng hằng ngày mẹ trốn về để tiếp tế nuôi tôi, kể cả nuôi 2 người con của mẹ (Sưa và Mai). Mấy hôm sau, cô Sưa hy sinh, còn lại Mai, bây giờ không biết ở đâu, tôi cũng hỏi nhiều người về tung tích của Mai nhưng chưa được gặp. Những ngày hoạt động ở Quảng Thái không có một địa hình nào mà Mỹ không tìm đến, tôi phải ra đầm phá ở Lai Hà để ngâm mình dưới nước, gọi là trốn Mỹ với thời gian cũng khá dài. Cái khó khăn nhất, từ đầm phá đi và về đến cơ sở thôn Năm Giảng cũng khá xa, phải thăm dò từng đoạn một, đề phòng địch phục kích. Khi đến thôn, nhà cơ sở lại càng thận trọng hơn, để theo dõi những hành động, những người lạ mặt, những tín hiệu đã được hợp đồng sẵn với gia đình, lúc đó mới tiếp xúc với người trong nhà. Đó là những người cơ sở mà mình muốn gặp, để nắm tình hình, sau đó nhờ cơ sở bảo đảm cho những bữa ăn ngày hôm sau. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, luôn phải bám địch, bám dân, gian khổ biết chừng nào. Nhiều cán bộ, nhiều cơ sở, không chịu đựng được, đầu hàng đi theo địch; nhiều người bị địch bắt, bị tra tấn không chịu đựng nổi phải khai và chỉ điểm từng hầm bí mật, những cơ sở, địa điểm thường ẩn náu. Đây là thời điểm ít ai tin ai, tự đào hầm để trốn, tự trốn một mình, không cho nhiều người biết.
 
Tôi quyết định thay đổi địa điểm, tự đào hầm ếch bên bờ hồ Năm Giảng, luồn sâu dưới nước bò vào bờ để ẩn náu, nhưng vẫn bị chỉ điểm từ một cơ sở hoạt động hai lòng của thôn Năm Giảng. Địch tập trung một trung đội Mỹ, trung đội nghĩa quân đổ bộ bằng trực thăng ngay trên đầu, chỗ tôi đang trốn. Trực thăng hạ cánh, tiếng động cơ phạch phạch, sức gió của động cơ làm rung chuyển cả mặt bàu Năm Giảng, địch chạy lui, chạy tới trên bờ hồ, ngay trên chỗ tôi đang ở, la ó “Vi si, Vi si” và phát hiện hầm bí mật của tôi ngay ở góc bụi tre. May tôi không ở hầm đó, mà ở một hầm bên bờ cỏ tự nhiên cách khoảng 5m. Hầm bí mật ở gốc bụi tre, địch đặt bộc phá giật nổ trung, bùn, đất và cây tre bay tung tóe, phủ lên cả hầm tôi đang ở. Khi giật hầm lên không có dấu vết Việt cộng, địch nghi Việt cộng trốn dưới nước, tập trung bắn tới dập nát hồ bèo tây, sau đó nó lội tìm như kiểu ta bắt cá. Tìm không được tôi, nhưng chúng tìm được tài liệu của tôi đùm cùng với bộ quần áo dài buộc ni lông kín, phủ bèo giấu dưới mặt hồ. Chúng la ó phấn khởi tưởng diệt được tên Việt cộng. Tên tuổi tôi cũng từ đó bị lộ và địch đem thông báo tại chợ Đông Ba để lấy thành tích. Chiều hôm đó, bọn Mỹ và nghĩa quân lên trực thăng bay về căn cứ. Tối đó, tôi vào các gia đình cơ sở ở thôn Năm Giảng, ai ai cũng lo ngại và sợ tôi trá hình trở lại thử thách các gia đình, nên đều từ chối. Tối hôm đó, tôi quyết định trở về làng Bao La, nơi tôi ở ban đầu. Từ làng Năm Giảng một mình tôi vượt qua nhiều ấp chiến lược, từ Quảng Lợi đến Quảng Vinh, về đến xóm Chùa làng Bao La đã gần sáng. Làng Bao La hoang tàn không còn một người dân, tôi phải ra ruộng lúa bên bờ hói để nằm. Chiều hôm đó, bò lên trên cây để quan sát, nhìn về hướng xóm Đình thấy một vài người đi lui, đi tới, tôi quá mừng, và khẳng định đó là cơ sở của ta. Tôi phấn khởi chạy tới, vừa chạy vừa hô để đề phòng bên ta lầm tôi là địch lại bị bắn nhầm và gặp ngay hai cán bộ Huyện ủy Quảng Điền, trong đó có con anh Thẻ - Chính trị viên Huyện đội mà tôi thường biết. Thật sung sướng khi gặp lại cơ sở huyện đội. Các anh chỉ huy Huyện đội ân cần đón tiếp và thăm hỏi tình hình cơ sở của ta ở xã Quảng Thái, vì hơn một tháng nay huyện đội mất liên lạc. Tôi báo cáo lại tình hình, sau đó các anh mời tôi ăn cơm, một bữa nhớ mãi vì đã gần 3 ngày không có miếng cơm. Tôi trở lại gặp được huyện đội, sống chết có nhau, đó là kỷ niệm ấn tượng mãi mãi không bao giờ quên. Từ đó, tôi trở thành người chiến sĩ Huyện đội Quảng Điền, được giao nhiệm vụ cùng với các tổ công tác như tổ các đồng chí Tuấn, Chuyên, Truyền, Thu, Xang, Tiếu, Kẹt là những đồng đội cơ sở trụ bám trên địa bàn xã Quảng Phú không có dân, không có chính quyền, với thời gian từ tháng 7-1968 cho đến hết năm. Địch tăng cường các cuộc càn quét tìm diệt liên tục hàng ngày, gọi là đội quân Mỹ Lết “nó đi đến đâu, nó xăm, nó thuốn”, nó tìm tất cả những góc làng, bờ nương, nơi địch nghi ngờ có hầm bí mật Việt cộng còn ở. Không có ngày nào địch về, không địch thì nghĩa quân, các tổ cơ sở của chúng tôi cũng có nhiều đồng chí hy sinh, chủ yếu là người địa phương của huyện. Những chịu đựng hy sinh không đáng sợ, mà sợ đói vì chúng tôi không có dân, không có sự chi viện của tuyến sau. Riêng việc lo ăn cho các đội cơ sở cũng đã khó trên một địa hình đặt ra, đi không dấu, nấu không có dấu vết, tất cả mọi sinh hoạt không để lại những vết tích, chỉ có làng hoang mạc không có các động vật sống, chỉ có dấu giày đinh của Mỹ và những tiếng hô vi si, những tiếng súng R15 bắn xối xả trước một trận càn, mà chúng tôi vẫn sống trong lòng đất để chiến đấu và chờ ngày chiến thắng.
 
Quê hương thứ hai là không phải tự nhận, tự xưng mà chính lòng dân trao tặng cho tôi, đại đa số biết tôi và gọi tôi là cậu, là tiếng gọi ấm cúng như những người con cùng huyết thống.
 
Viết về quê hương thứ hai là tự kể chuyện, chỉ tóm tắt để khơi dậy lòng tự hào của quê hương, của dân tộc và cũng có lời chân thành cảm ơn sâu sắc đến với Đảng và chính quyền, nhân dân, có lẽ sống đạo lý làm người “uống nước nhớ nguồn”.
Nguyễn Đức Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Nơi bán bàn bóng bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh uy tín

Khi quyết định mua một bàn bóng bàn, có một số yếu tố quan trọng mà bạn nên xem xét để đảm bảo rằng bạn đang đầu tư vào một sản phẩm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Sau đây sẽ là những điều mà các bạn cần lưu ý khi mua bàn bóng bàn. Cùng tìm kiếm nơi bán bàn bóng bàn TPHCM uy tín nhất.

Nơi bán bàn bóng bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh uy tín
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top