Thừa Thiên Huế cuối tuần Diễn đàn
Quảng trường của Huế
TTH - Cuộc sống vẫn thường có những bất ngờ thú vị. Ví như, khi xây dựng Kinh thành và Hoàng thành Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã thiết lập một khoảnh trống, nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài để tạo nên một không gian thích hợp, một điểm nhấn cần có, để có nơi tổ chức một số đại lễ hoặc làm một số công việc cần thiết. Thế nhưng, điều chắc chắn họ chưa bao giờ tính đến là chính ở nơi đây lại là nơi vào chiều 30/8/1945, diễn ra lễ thoái vị chính thức của vua Bảo Đại, vị quân vương cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.
Trong hồi ký của mình, nhà thơ Cù Huy Cận, thành viên trong phái đoàn Chính phủ lâm thời vào Huế lúc bấy giờ kể lại: Lễ thoái vị chính thức với sự có mặt của năm, sáu vạn người dân Huế đứng tràn ngập trước Ngọ Môn. Nhà vua bận triều phục đại lễ, áo hoàng bào, khăn vàng, đi giày cườm vàng. Theo nguyện vọng của nhà vua, lá cờ vàng của triều đình được kéo lên một lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong tuyên bố thoái vị thì kéo xuống để kéo lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên đỉnh Ngọ Môn.
.jpg)
Quảng trường Ngọ Môn trong những ngày Festival Huế
Tôi vẫn thường xuyên qua lại và đặc biệt có ấn tượng về khoảnh không gian mang dáng dấp và hơi thở của hồn thiêng sông núi này, được giới hạn bởi đường 23 tháng 8 ở phía bắc, chân tường Kinh thành ở phía nam, con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) ở phía đông và con đường ngắn sau cửa Quảng Đức ở phía tây. Chiều bắc nam rộng gần 125m và chiều đông tây dài khoảng 360m. Tôi đọc sách, được biết, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, không thấy triều đình bấy giờ đặt tên riêng chính thức cho quảng trường này. Dân chúng thì gọi một cách nôm na, gần gũi mà dễ hiểu: Sân Cột Cờ. “Sân” bởi dùng làm nơi đá bóng. “Cột Cờ” là do nằm sát chân Kỳ Đài Huế. Gần đây là tên gọi Quảng trường Ngọ Môn xuất hiện trong nhiều văn bản.