ClockThứ Sáu, 18/08/2017 14:01

Quê

TTH - Ngày xưa, những khi nghỉ học, mẹ thường cho đi chợ. Đó là những sáng dậy sớm, phụ mẹ bó rau muống. Những cọng rau xanh um hãy còn đẫm sương đêm.

Con đường đến chợ rất xa. Chiếc đòn gánh cong vòng trên vai mẹ nhún nhảy. Đường cát nên bàn chân cứ chuội đi...

Chợ nằm cạnh con sông có cái bến thuyền nho nhỏ. Sáng sáng, mấy chiếc thuyền cá từ miệt biển nổ bành bạch cập bờ. Rất nhiều cá. Những gánh cá trích lầm to gần bằng ba ngón tay sắp lớp trong những cái  trẹt rộng.

Giữa chợ có cây vông to, thân lởm chởm gai. Dưới gốc vông, quần tụ mấy mẹt hàng cau trầu, dầu dừa, bồ kết. Hồi ấy, ai cũng đều gội đầu bằng bồ kết. Lâu lâu, mẹ mua một nắm to cho cả nhà, kèm thêm chai dầu dừa sền sệt màu xanh, thơm hăng hắc. Mỗi lần gội đầu, mẹ thường ngồi hong tóc trước cửa. Tóc vừa ráo, mẹ bôi lên một chút dầu dừa. Cái chất dầu béo ngậy ấy làm cho tóc mượt và tơi...

Bây giờ về chợ, thấy mình như bị lạc. Chợ không còn rộng rãi, thênh thang như xưa với những ki-ốt phân lô chật chội. Một thế hệ tiểu thương mới thế chỗ cho các mệ, các o.

“Em muốn mua đặc sản quê hả? Vậy thì phải đi chợ lúc tờ mờ kia. Mà bây chừ cũng khan hiếm lắm…”. Chị ba gợi ý khi tôi băn khoăn, rằng bây giờ sao không còn những buồng chuối mật, những thúng cam vun đầy, những rổ cá tươi ròng như  xưa?.

Tờ mờ sáng, chợ đã họp. Các chị tranh thủ đi chợ sớm để còn kịp ra đồng.  Nhưng hàng họ cũng chẳng có gì nhiều. “Bây giờ nương vườn khô cằn cả. Bòn mót hoài mới có một ít ri thôi em”. Chị bán cam xởi lởi chào mời mớ cam trông đăn điu như đôi bàn tay lấm nắng của chị.

“Mua mớ cá ni giúp chị đi em. Chị mới làm nghề được. Tươi lắm”. Chị bán cá đon đả, nụ cười tươi như mớ cá đồng đủ loại đang nhảy long tong trong rổ. “Mười lăm ngàn sao chị?”. Tôi nhìn mớ cá đầy với sự hoài nghi. “Thôi mười ngàn cũng được, chị bán nhanh về kẻo muộn”. Thực tình, tôi không có ý  ngả giá vì cái sự quá rẻ của cá đồng…

Trưa ấy, chị ba dạy tôi bí quyết kho cá đồng. “Cái ni phải ướp kỹ, cho nhiều ớt. Đường muối mắm cũng phải vừa đủ mới cứng cá. Lửa liu riu và không được đậy nắp. Khi mô cá rền sệt thì rưới vô muỗng đầu phụng. Nồi kho cá phải dày, gọn mới om lửa…”. Chị ba miệng nói, tay làm. Mớ cá đồng tươi ngấm muối búng long tong lên cái nắp xoong đậy kín. “Bây chừ ăn cái chi cũng sợ. Những thứ ni xương chút nhưng hiền. Ở chợ bây chừ rau trái chi cũng hàng xe ở trong ra hết em ơi”. Chị ba vui chuyện.

Một lúc thì căn bếp nhỏ dậy lên mùi cá đồng, như nếm được vị tươi và ngọt. “Soong cá ni hao cơm lắm cho coi”-chị ba đùa, tay xới cơm lia lịa. Đúng là hao cơm thật. Vừa ăn, vừa hít hà vị cay nồng của ớt, cái thấm tháp của cá đồng kho tới. Vậy là chị ba cũng đã học được cái bí kíp kho cá đồng của mẹ.

Nhấm nháp hương vị đồng quê đã quá xa ngái, chợt nhớ chuyện ông đầu bếp lừng danh Martin Yan cách đây mấy năm đến Việt Nam làm phim ẩm thực. Nếm  đủ cao lương mỹ vị, cuối cùng, với ông, bữa cơm ngon nhất trong đời là món cơm trắng với cá đồng kho khô đánh dậm của một bác nông dân vùng chiêm trũng Bắc Hà. 

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh tiếp tục nghỉ học do mưa lũ

Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh nước vẫn còn ngập sâu, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo học sinh tiếp tục nghỉ học vào các ngày 16 và 17/11.

Học sinh tiếp tục nghỉ học do mưa lũ
Chủ động cho học sinh nghỉ học vào ngày mai

Do mưa lớn gây ngập lũ cục bộ, tối 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo khẩn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường chủ động cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (15/11).

Chủ động cho học sinh nghỉ học vào ngày mai
Return to top