ClockThứ Bảy, 13/10/2018 08:14

Quy định xử phạt với giáo viên đánh học sinh: Gốc rễ vẫn là văn hóa ứng xử học đường

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, trong đó, gây nhiều tranh cãi nhất là quy định xử phạt bằng tiền với giáo viên đánh học sinh.

Thời nào cũng vậy, tình nghĩa thầy - trò luôn được đề cao, vun đắp mỗi ngày một cách tự nhiên, sâu đậm nhất. Ảnh: Lê Tùng

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Trong dự thảo, nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.

Trong đó, Điều 32 của dự thảo Nghị định quy định: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học".

Nếu vi phạm, giáo viên buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ một tháng đến 6 tháng.

Trong nhiều luồng ý kiến thu nhận được ngay sau khi Dự thảo quy định này được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, có ý kiến cho rằng quy định khó khả thi khi không định lượng được những mức độ vi phạm, gây ức chế cho giáo viên có thể gây tác dụng ngược hay mức xử phạt bằng tiền quá cao.

Anh Nguyễn Duy Toàn có con đang học lớp 9 tại Hà Nội bày tỏ: “Dù không ủng hộ việc giáo viên đánh học sinh nhưng tôi vẫn lo ngại việc xử phạt bằng tiền như dự thảo quy định có thể gây ra tác dụng ngược. Người giáo viên vì e ngại xử phạt hay thậm chí cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương có thể sẽ tránh né việc nhắc nhở sâu sát tới các em học sinh. Trong khi như lứa tuổi của con tôi, việc thấu hiểu tâm lý kết hợp với những răn đe, nhắc nhở kịp thời từ các thầy, cô là hết sức quan trọng”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội bày tỏ băn khoăn về căn cứ rõ ràng để điều 32 của dự thảo khả thi: “Ở khía cạnh nào đó, hình phạt này có thể có tác dụng nhưng lại ở mức cao và không phù hợp. Chúng ta cần có cái nhìn cặn kẽ hơn để tránh quy chụp. "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", đôi khi lại ứng xử không trung thực. Trong khi đó, ranh giới phân định giữa những va chạm của học trò và giáo viên khó, đâu là đúng, đâu là sai, có thể rơi vào tranh cãi, đôi co”.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng mọi lĩnh vực đều cần sự quản lý của

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD-ĐT soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28/9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, Thủ tướng ký quyết định thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.

pháp luật. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phải bây giờ mới được quy định mà đã được đưa ra từ năm 2005 và sửa đổi bằng các Nghị định năm 2011 và 2013. “Dự thảo Nghị định mới tăng cường phạm vi với các đối tượng và đặc biệt là có bảo vệ danh dự nhà giáo rõ nét hơn. Các quy định xử phạt cho thấy yêu cầu trong nghề ngày càng cao và bất cứ người làm ngành nghề nào cũng cần tư duy như vậy” - PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích cụ thể hơn. “Cũng cần phải hiểu giáo dục là lĩnh vực rất đặc biệt, để tránh xảy ra tổn thất sau xử phạt cần nâng cao hiểu biết, nâng cao chuyên môn của nhà giáo để không vi phạm là điều quan trọng hơn cả”.

Những vướng mắc trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục khiến chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của bộ quy tắc về văn hóa ứng xử học đường. Rất khó để xác định rõ các trường hợp xúc phạm nhân phẩm, danh dự... của cả thấy và trò nếu không có những quy tắc thật cụ thể.

Quan hệ thầy trò được coi là một trong những mối quan hệ thể hiện nhiều nhất đặc tính văn hóa và lễ tục của người Việt. Tuy nhiên, thời nay quan hệ này cũng đã có nhiều đổi thay và phức tạp hơn. Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, mối quan hệ thầy trò không còn đơn thuần là trên bảo dưới vâng như xưa nữa. Theo Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, giảng viên Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), hiện nay, mối quan hệ thầy trò đã có nhiều thay đổi, nhiều người thầy chỉ chú trọng việc truyền đạt tri thức cho học sinh, mà xem nhẹ việc nâng đỡ học sinh, giúp học sinh vượt qua khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến mối quan hệ thầy trò không còn sâu đậm như xưa.

Những thay đổi lớn trong quan hệ thầy trò biểu hiện bằng những sự việc tiêu cực liên tiếp diễn ra như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối để xin lỗi, học sinh hành hung giáo viên ngay trên lớp học... Những bất thường trong văn hóa học đường, khiến dư luận băn khoăn, người trong ngành giáo dục cũng lo lắng, bất an. Trong khi có thể hiểu gốc rễ của vấn đề là văn hóa ứng xử trong trường học.

Phát biểu định hướng tại cuộc họp bàn về xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong học đường mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, đảm bảo các yêu cầu: khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…

Rõ ràng, ngay cả khi chưa tính đến tính khả thi của xử phạt thì việc xử phạt đơn lẻ bằng một xử phạt hành chính không thể có hiệu quả nhất là trong lĩnh vực đặc thù như giáo dục. Thực tế cho thấy, cần song song hoàn thiện bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học cũng như các biện pháp giáo dục khác nhằm nâng cao hiểu biết của nhà giáo, giáo dục đạo đức cho người học... để Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể đi vào thực tế.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chông Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án
​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Return to top