ClockThứ Năm, 13/06/2013 05:24

Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý

TTH - “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đó là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ.

Để có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ, công tác cán bộ có vị trí quyết định. Muốn có cán bộ tốt không thể không coi trọng việc xây dựng được nguồn cán bộ, tập hợp những người có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng họ. Tạo nguồn cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chính là nội dung của công tác quy hoạch cán bộ. Đó là việc chủ động tạo nguồn cán bộ từ xa bao gồm cả khâu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, luân chuyển để chuẩn bị bố trí, bổ nhiệm trong tương lai.

Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII), Đảng ta đã xác định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Quy hoạch cán bộ đã được Đảng, Nhà nước xác định là một nội dung có tính quyết định trong công tác cán bộ; nếu quy hoạch đúng thì bố trí sử dụng cán bộ sẽ trúng, từ đó, phát huy được năng lực và sở trường cán bộ.

Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Đã triển khai tương đối đồng bộ các khâu: quản lý, đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ, trong đó công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ có những chuyển biến tích cực”. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn nhiều bất cập; nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương còn tỏ ra lúng túng, “quy hoạch xong để đấy, quy hoạch một đường, làm một nẻo”. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, thậm chí chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn tỏ ra hình thức, thiếu tính khả thi. Chất lượng quy hoạch cán bộ còn thấp, chưa có tầm nhìn xa, chưa có sự liên thông giữa cấp dưới và cấp trên, giữa địa phương và trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác… Từ đó, việc bố trí, sử dụng cán bộ vẫn còn chắp vá, bị động, tình trạng hẫng hụt cán bộ kế cận ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương khá phổ biến. Ở tỉnh ta, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý về cơ bản có những mặt mạnh và mặt yếu tương tự.

Đại hội XI của Đảng nêu quyết tâm: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ… Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược…”

Triển khai chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu của đội ngũ cán bộ sắp tới, từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương… xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là quy hoạch người đứng đầu. Mục tiêu của quy hoạch là lựa chọn được những cán bộ có đức, có tài để bổ sung vào nguồn kế cận, dự bị.

Phải căn cứ vào các tiêu chí phẩm chất, năng lực thực tế của cán bộ, nhất là phải xem xét, đánh giá triển vọng phát triển, khả năng đoàn kết đồng chí, đồng nghiệp và tập hợp quần chúng, không nên chỉ nhìn về bề dày công tác đề bố trí quy hoạch cán bộ. Gắn công tác quy hoạch với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Đồng thời, phải định kỳ đánh giá cán bộ trong diện quy hoạch để có sự bổ sung, điều chỉnh cần thiết.

Quy hoạch cán bộ phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai trong cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia phát hiện, giới thiệu và giám sát, ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nguồn cán bộ được đưa vào quy hoạch phải đủ về số lượng, với ba độ tuổi cho các chức danh, trong đó có nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Việc lựa chọn nhân sự vào quy hoạch cần có tiêu chí rõ ràng. Bảo đảm sự liên thông quy hoạch của khóa trước với khóa sau; sự liên thông quy hoạch của cấp trên và cấp dưới và không bó gọn nguồn quy hoạch trong một ngành, một cơ quan, một đơn vị, một địa phương. Đối với những cán bộ có tài năng, phẩm chất tốt và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; khi đánh giá cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm thì căn cứ vào đó để xem xét, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Phát hiện những nhân tố trẻ, điển hình trong các phong trào thi đua và các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đưa về những nơi khó khăn, có nhu cầu để đào tạo, rèn luyện, hình thành các lớp cán bộ trẻ có phẩm chất, có năng lực, dự nguồn cho việc bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong tương lai.

Gắn quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược với quy hoạch của các ban, bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó, thực hiện việc đào tạo, bố trí và luân chuyển một cách hợp lý với hiệu quả cao nhất. Nên bố trí, bổ nhiệm cán bộ vào đúng chức danh được quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch chức danh này, nhưng bổ nhiệm vào chức danh khác.

Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top