ClockThứ Sáu, 06/02/2015 10:20

Quyền năng người tiêu dùng

TTH - Càng đến gần Tết Nguyên đán Ất Mùi chuyện tàu xe càng thêm “nóng”. Cái “nóng” này vốn âm ỉ nhiều năm qua, do nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết tăng vọt và nay càng thêm “nóng” bởi chuyện giá cước giảm không tương ứng với gái xăng dầu giảm. Thậm chí một số doanh nghiệp còn đề nghị tăng giá cước vận tải hành khách trên tuyến Bắc - Nam...

Để chấn chỉnh tình trạng trên, các cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc để làm rõ sự công khai minh bạch trong việc điều hành giá, việc các doanh nghiệp chây ỳ chưa kê khai giá để giảm giá cước và có các chế tài mạnh. Thậm chí, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá. Một động thái mới, ngày 3-2 vừa qua, trong chuyến kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự và vận chuyển hành khách dịp Tết Ất Mùi 2015 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng kêu gọi tẩy chay đối với những doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước vận tải. Như vậy, cùng các biện pháp mạnh trong công tác quản lý của Nhà nước, quyền năng của người tiêu dùng một lần nữa được đề cao. Đó là quyền “nói không” với những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng; các doanh nghiệp làm ăn gian dối, không chấp hành pháp luật... Điều này còn có thể áp dụng đối với nhiều loại sản phẩm, dịch vụ khác, nhất là các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Thực tế, lâu nay người tiêu dùng đối tượng trực tiếp bị thiệt thòi, bị móc túi; thậm chí coi thường cả sức khoẻ, tính mạng do sự gian lận về chất lượng và số lượng sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh thiếu lương tâm. Đa phần, người tiêu dùng đều chặc lưỡi cho qua vì cho rằng, giá trị bị mất không lớn và có kiện chẳng biết kiện ai, hoặc mất nhiều thời gian, tiền bạc mà chưa chắc được gì... Nhưng có một điều ai cũng biết, mọi sản phẩm, dịch vụ có tồn tại hay không và doanh nghiệp “sống” hay “chết” đều do người tiêu dùng quyết định. Vì vậy, nếu người tiêu dùng đồng lòng sử dụng quyền năng của mình “nói không” với các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, doanh nghiệp làm ăn gian dối chắc chắn sẽ tạo ra sức mạnh to lớn buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách làm ăn và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Bài học về Vedan đầu độc môi trường, bị khách hàng tẩy chay là một minh chứng thuyết phục.
Vấn đề còn lại, cần công khai danh tính các doanh nghiệp làm ăn gian dối, các sản phẩm không bảo đảm số lượng, chất lượng để người tiêu dùng biết và từ chối các sản phẩm, dịch vụ trên. Bên cạnh đó, để phát huy quyền năng của người tiêu dùng, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nếu cần thiết có thể vận động, kêu gọi khách hàng tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Khi quyền “nói không” của người tiêu dùng được phát huy sẽ là vũ khí đấu tranh hiệu quả, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để đấu tranh, ngăn chặn loại trừ nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và những kiểu kẻ làm ăn gian dối khác...
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top