ClockThứ Sáu, 01/09/2017 06:01

Quyết chiến - tờ báo đầu tiên xuất bản ở Huế sau Cách mạng tháng Tám

TTH - Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đọc lại những tin, bài in trên Quyết Chiến, tôi vẫn cảm thấy cái không khí sục sôi, rạo rực, khẩn trương của những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập, chính quyền nhân dân vừa ra đời, vị thế mới của người dân nô lệ Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định.

Chiều 23/8/1945, tại Sân vận động Huế, trước hơn mười vạn quần chúng, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên, đã tuyên bố thành lập Chính quyền Nhân dân tỉnh Thừa Thiên do ông Tôn Quang Phiệt, một trí thức, một nhà giáo yêu nước làm Chủ tịch.

Trang nhất báo Quyết Chiến số 2 ra ngày 28/8/1945

Ngay sau khi Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên ra mắt, các ban ngành đã bắt tay vào công việc với một tinh thần cách mạng khẩn trương. Theo chỉ đạo của Việt Minh Trung bộ, một số tờ báo cách mạng nhanh chóng ra đời, kịp thời đưa tin về các sự kiện, làm tài liệu tuyên truyền về chính sách của Việt Minh, định hướng thông tin dư luận xã hội như Quyết Chiến, Quê Hương, Quyết Thắng, Kinh Tế, Đại Chúng, Tổ Quốc, Lòng Dân, Xã Hội Mới, Ánh Sáng, Reo... Quyết Chiến là tờ nhật báo xuất hiện sớm nhất của Huế và trong cả nước vào giai đoạn sôi động này.

Nhằm tránh chồng chéo thông tin và cũng để hạn chế tối đa nhân lực, tài lực, một số tờ báo lúc mới xuất bản là cơ quan ngôn luận của Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, Tỉnh bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), về sau nâng lên thành những cơ quan ngôn luận của các tổ chức của xứ Trung bộ đóng tại Huế.

Báo Quyết Chiến, trên măng – sét ghi là Cơ quan ủng hộ Chính quyền Nhân dân Cách mệnh, thực chất là tiếng nói của Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa và tỉnh Thừa Thiên. Số 1 ra ngày 27/8/1945. Tòa soạn và trị sự đóng ở 43 đường Trần Hưng Đạo (địa điểm Nhà sách Phương Nam hiện nay). Sau số 8 ra ngày 3/9/1945, tòa soạn chuyển đến số 2 đường Nguyễn Tri Phương, đầu năm 1946 lại chuyển sang số 85 đường Hàng Bè, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng. Báo do ông Nguyễn Hoàng (1918-1981), bí danh Vĩnh Mai (một cựu tù chính trị Buôn Ma Thuột, cuối 1945 là Quyền Bí thư Thuận Hóa, giữa năm 1947 là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị) làm chủ bút; ông Nguyễn Đức Phiên, tức nhà phê bình Hoài Chân, rồi đến ông Vĩnh Hòe, Nguyễn Cửu Kiếm kế nhau làm quản lý và trị sự.

Quyết Chiến có 2 trang, nhiều số ra 4 trang, khổ 25 x 39cm và 39 x59cm, in typô tại nhà in riêng, về sau in tại Nhà in Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng; giá bán mỗi số 3 hào.

Quyết Chiến mở nhiều chuyên mục về tin tức, bình luận, thế giới, thông cáo các văn bản mới, đăng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, thi thoảng in vài bài thơ cách mạng mới sáng tác của Tố Hữu, Vĩnh Mai... Các phóng viên Nguyễn Hoàng, Đức Phiên là những cây bút chủ lực của tờ báo này.

Ngay trang đầu tiên của số 1, Quyết Chiến đăng toàn văn Tuyên cáo Quốc dân của Ủy ban Nhân dân cách mạng Thừa Thiên:

“Quốc dân đồng bào!

Chính quyền của Nhật ở Đông Dương đã bị thủ tiêu.

Chính phủ bù nhìn đã đổ nát.

Kể từ nay, Chính quyền Nhân dân cách mạng thành lập.

Ngày giải phóng của quốc dân đã đến.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đương xuất hiện.

Với chính quyền của Nhân dân, đời sống độc lập, tự do và hạnh phúc của quốc dân ta bắt đầu. Trung thành với chính sách của Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (Việt Minh) lâm thời Chính phủ Nhân dân sẽ cương quyết thi hành những phương sách cách mạng để mang lại hạnh phúc thực tế cho hết thảy các giới đồng bào”...

Cùng với bản “Tuyên cáo” quan trọng này, Quyết Chiến đăng “Thông báo” của Ủy ban Nhân dân cách mạng Thừa Thiên về việc đại xá các thường phạm; Ủy ban Nhân dân cách mạng tuyên bố “bỏ hoàn toàn thuế xe đạp, thuế vệ sinh, thuế gánh nước, như đã áp dụng trong vùng ngoại ô”.

Về những cán bộ Việt Minh được giao trọng trách nắm giữ chức vụ đứng đầu các công sở: “Ủy ban Nhân dân cách mạng Thừa Thiên giao cho đồng bào, giám đốc các sở trách nhiệm phải đốc suất tất cả các công việc của sở như ngày thường. Nếu cần phải thay đổi giám đốc, thì tất cả các nhân viên trong sở viết ngay một bức thư chung có tên và chữ ký từng người gửi ngay đến Chính phủ...”.

Bên cạnh những thắng lợi to lớn chưa từng có trong lịch sử của cách mạng, Quyết Chiến cũng không quên cảnh tỉnh đồng bào hãy coi chừng manh tâm xâm lược của giặc Pháp trở lại. Và đưa tin về nhiều cuộc biểu tình của quần chúng lao động ủng hộ Việt Minh liên tiếp diễn ra.

Quyết Chiến công bố “Danh sách các Ủy trưởng trong Ủy ban Nhân dân Trung bộ; Danh sách ứng cử Quốc dân đại hội đại biểu Thuận Hóa; Lễ khai mạc Tuần lễ Vàng, Tuần lễ Đồng, Tuần lễ Khoai”. Đăng thông tin về việc Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa trợ cấp cho hai bà vợ của vua Thành Thái và vua Duy Tân; Giải phóng quân Huế bắt gọn toán lính Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, lại tóm gọn toán biệt kích đổ bộ vào cửa Thuận An; Thiết lập 9 tòa án quân sự, mở phiên tòa xét xử các ông Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân; đưa tin thành lập các tổ chức cứu quốc như Liên đoàn Văn hóa cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, Liên đoàn công giáo cứu quốc, Hội Việt – Hoa thân hữu... của tỉnh Thừa Thiên.

Điều thú vị là Quyết Chiến đưa tin về bài hát ‘’Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa chọn làm Quốc ca. Bên cạnh đó, Quyết chiến còn hướng dẫn cách thức treo cờ đỏ sao vàng: “Quốc dân phải hiểu cách thức treo cờ cho hợp với thể lệ quốc tế”...

Nhật báo Quyết Chiến ra liên tục được khoảng 385 số (hiện đã sưu tập đến số 324, ra ngày 21/9/1946), đến đầu tháng 12/1946, cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quyết Chiến dừng xuất bản. Cơ sở ấn loát và tòa soạn chuyển lên chiến khu Hòa Mỹ, một số chuyển ra Nghệ An, Thanh Hóa, tiếp tục nhiệm vụ mới.

  Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top