ClockThứ Bảy, 06/05/2017 14:41

Quyết tâm chính trị của Chính phủ

Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện với nỗ lực cao nhất.

Chính phủ chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2017

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, một trong những nội dung rất quan trọng là về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng và các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Những tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,1%

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, trong 9 tháng còn lại, bình quân GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao, nếu so với mức bình quân tăng 6,4% của 9 tháng cuối năm 2016, hay tương ứng 6,8%, 6,2%, 5,6%, 5,4% và 6,3% của cùng kỳ các năm 2015 - 2011.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù sang tháng 4/2017, tình hình kinh tế diễn biến tích cực hơn, song vẫn còn không ít khó khăn. Chẳng hạn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tiến bộ hơn quý I, nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng của quý I (4,1%), nhưng khá thấp so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo thời điểm ngày 1/4/2017 cũng vẫn ở mức cao, tăng 12,7%, cao hơn so với cùng thời điểm năm 2016 (8,9%).

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp chỉ vừa phục hồi trong quý I đã gặp khó khăn ngay trong thời điểm quý II vừa bắt đầu. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là chăn nuôi lợn đang đối mặt với tình trạng giá cả giảm mạnh do dư thừa nguồn cung nghiêm trọng, giá bán giảm xuống dưới giá thành sản xuất, làm người chăn nuôi thua lỗ, cả xã hội đang bàn cách “giải cứu”.

Thêm vào đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù 4 tháng qua, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 61,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2016 tăng 6,5%), song do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, nên nhập siêu vẫn lớn. Con số nhập siêu sau 4 tháng đầu năm đã lên tới 2,74 tỷ USD.

Trong bối cảnh như vậy, kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán là tăng trưởng GDP quý II phải đạt 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%, thì bình quân 9 tháng còn lại của năm, tăng trưởng GDP mới có thể đạt mức 7,1%.

Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% GDP, kế hoạch xuất khẩu, các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết khí hậu... đều thuận lợi.

Qua phân tích, đánh giá kết quả tháng 4 và 4 tháng, các thành viên Chính phủ cho rằng nhiệm vụ của những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%.

“Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Phiên họp khẳng định rõ, đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện với nỗ lực cao nhất”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết.

Theo Bộ trưởng, thực hiện được các mục tiêu này thì mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.

Bảo đảm mọi lĩnh vực đều đóng góp cho tăng trưởng

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, chưa thay đổi mục tiêu này.

“Từng bộ, từng địa phương cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch chứ không phải bình thường. Đặc biệt có đối sách, giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân mọi nguồn vốn, lo tìm thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu, chú trọng thị trường mới”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Với ngành Công Thương, phải rà soát lại 31 mặt hàng. Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng ít nhất 13%. Phấn đấu tăng trưởng ngành sản xuất, phân phối điện cả năm đạt 11,5%. Xuất khẩu phải đạt và vượt kế hoạch. Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý 12 dự án thua lỗ, với tinh thần phải xong trong năm 2017-2018.

Ngành Xây dựng phải tăng ít nhất 10%. Trong phát triển nói chung, phải tập trung phát triển thương hiệu ngành hàng sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh.

Về nông nghiệp, phải bảo đảm tăng trưởng trên 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm nay cần đạt ít nhất là 33 tỷ USD.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh việc đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi. Nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà băng).

“Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Thống đốc NHNN nên bàn trực tiếp vấn đề hỗ trợ vốn cho nông nghiệp”, Thủ tướng nói. Đồng thời, "phải tổng kết, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ tập trung ruộng đất ở Thái Bình, Hà Nam, An Giang, Đồng Tháp, làm sao bảo đảm đúng pháp luật, quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp và người nông dân, tránh tranh chấp, bất ổn”.

Đối với các loại dịch vụ nói chung, trong đó có du lịch, các ngành đều phải rà soát lại, từ giao thông vận tải đến giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch… để bảo đảm các lĩnh vực đều đóng góp cho tăng trưởng.

Tại phiên họp, các "tư lệnh ngành" như Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện… đã cho biết hàng loạt giải pháp và khẳng định sẽ nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Theo Chinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn: Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe

Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 18/2 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa thiên Huế). Đây cũng là đề xuất của đơn vị trên sau khi đưa vào hoạt động thời gian ngắn, cao tốc này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe
Return to top