ClockThứ Bảy, 26/09/2020 14:15

Quýt Hương Cần chờ được xây dựng thương hiệu

TTH - Quýt Hương Cần ở xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà là đặc sản trái cây lâu đời của Huế cần hướng đến việc xây dựng thương hiệu để nhân rộng vùng sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường xa hơn và có cơ hội quy hoạch trở thành khu du lịch vườn cây sinh thái cộng đồng...

Bảo tồn giống quýt Hương CầnNgười dân Hương Cần thu hoạch quýt tránh mưa lũThương hiệu cho quýt Hương Cần

Thu hoạch quýt tại vườn

Hiệu quả kinh tế cao

Đầu tháng 8 âm lịch, về thăm làng Hương Cần đúng dịp bà con vào mùa thu hoạch quýt.

Chị Đặng Thị Hồng Nhung, thôn Giáp Trung dẫn đến vườn quýt của gia đình ở làng Giáp Kiền đang mùa trĩu cành. Được mời thưởng thức vài quả chín mọng tại vườn, đúng lời người xưa lưu lại: "Ăn quýt Hương Cần ngậm mà nghe". Thơm dịu và có vị ngọt đặc trưng, ít nơi nào sánh kịp.

Chị Nhung chia sẻ, theo phương thức trồng truyền thống, vườn quýt gia đình chị được tạo lập từ năm 2010. Ban đầu chị trồng 30 gốc giống quýt bản địa và chăm bón phân hữu cơ. Sau ba năm quýt bắt đầu cho quả, chị tiếp tục nhân rộng...

Thời điểm này, vườn chị Nhung có hơn 60 gốc quýt (diện tích hơn 2 sào đất); trong đó có hơn 40 gốc cho quả thu hoạch hàng năm. Theo nhẩm tính, sản lượng quýt thu đạt từ 1,5-2 tấn/năm. Nếu bán tại vườn giá từ 25-30 nghìn đồng/kg (quả cỡ lớn), chị thu từ 50-60 triệu đồng... Đây là nguồn thu gấp đôi, ba lần so với trồng mỗi năm hai vụ lúa của gia đình chị.

Chị Nguyễn Thị Hoài, chủ nhiệm CLB Quýt Hương Cần trăn trở về câu chuyện xây dựng nhãn hiệu tập thể để có cơ hội đưa sản phẩm của hội viên ra thị trường

Hiện nay, ở Hương Cần, những vườn quýt truyền thống khá nhiều nhưng không ít vườn đã nếm trải “ngọt, đắng” từ quýt vì thiên tai hạn hán, lũ lụt... Nhiều hộ nản chí không muốn khôi phục, nhưng một số hộ lại “đau đáu” với loài cây đặc sản quý giá của làng nên đã tìm mọi cách để lưu truyền. Đơn cử như hộ ông Hồ Đắc Dĩ, Hồ Đăng Lào, Hồ Đăng Hải... vẫn "sống chết" không để vườn quýt mai một mà từng bước phát triển nhân rộng. Bình quân mỗi vườn ở đây có diện tích từ 3-4 sào, cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Dĩ, ông Lào còn có thêm thu nhập từ việc chiết cành làm giống để bán.

Chị Đặng Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Toàn cho biết, hiện toàn xã có khoảng 100 hộ trồng quýt tập trung ở thôn Giáp Kiền; trong đó, bình quân mỗi hộ trồng ít từ 1-2 sào, hộ nhiều 3-6 sào.

Thời điểm từ năm 2014 đến nay, trong số diện tích trồng quýt ở Hương Cần có 60 hộ gia đình quy hoạch đầu tư tạo những vườn "quýt sạch" (không dùng thuốc khích thích, không phân hóa học...) với diện tích gần 7 ha. Để tạo dựng cho bà con xây dựng vùng sản xuất tập trung, lãnh đạo địa phương tạo điều kiện vay nguồn vốn ưu đãi, thành lập Câu lạc bộ (CLB) Quýt Hương Cần thu hút hàng chục hội viên tham gia tập huấn, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chăm bóc, sản xuất; hỗ trợ đầu ra, bao tiêu sản phẩm...

Sớm xây dựng thương hiệu

Nhiều người trồng quýt ở Hương Cần cho rằng, để nhân rộng trở thành vùng sản xuất quýt tập trung ở địa phương là không khó vì ở đây vừa có lợi thế về nguồn lao động và có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Cái khó hiện nay là khâu tiêu thụ vì quýt Hương Cần sau khi thu hoạch chưa đi ra thị trường xa; khi được mùa thì mất giá. Tại một số chợ, lái buôn còn trộn quýt Hương Cần với loại quýt khác, hoặc mạo quýt Hương Cần để bán giá cao. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín quýt Hương Cần...

Chị Nguyễn Thị Hoài, người sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 đời trồng quýt, hiện là Chủ nhiệm CLB Quýt Hương Cần nêu thực tế, quýt Hương Cần đã có tiếng thơm ngọt xưa nay nhưng để đầu tư phát triển đúng tiềm năng vốn có thì chưa tương xứng. Nhiều chủ vườn đang dè dặt, không dám đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa mà theo phương thức ăn xổi.

Không riêng chị Hoài, nhiều người gắn bó với quýt Hương Cần trăn trở, muốn phát triển kinh tế từ cây đặc sản địa phương lâu dài, bài bản, phải có những đột phá từ đầu vào đến đầu ra; trong đó mở rộng quy mô vùng sản xuất và khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường là hết sức cần thiết. Làm được điều đó không chỉ nỗ lực ở địa phương mà cần có sự hỗ trợ các ban ngành chức năng.

Ông Ngô Thuần, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở Khoa học Công nghệ cho biết, so với các giống cây ăn quả khác, quýt Hương Cần từ lâu đã có tiếng thơm không chỉ ở Huế. Chính quyền sở tại sớm có những động thái tích cực để xây dựng thương hiệu tập thể cho quýt Hương Cần. Việc xây dựng thương hiệu này vừa giúp người dân phát triển nhân rộng vùng sản xuất có quy mô lớn, đưa ra sản phẩm ra thị trường xa hơn và có cơ hội quy hoạch trở thành khu du lịch vườn cây sinh thái cộng đồng thu hút du khách du lịch.

Mới đây, Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện đề tài "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm nano bạc có bổ sung chitosan nhằm ứng dụng bảo quản quả quýt Hương Cần tại Thừa Thiên Huế" nhằm bảo quản quýt bằng công nghệ cao là giải pháp đột phá, kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao giá trị sử dụng và tăng thu nhập cho người nông dân...

Bài, ảnh: SONG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top