ClockThứ Tư, 09/07/2014 13:35

Ra đồng gặp hói

TTH - Trong con mắt tuổi thơ của tôi, hói cũng là sông. Làng Dạ Lê Thượng quê tôi và cả vùng lân cận không có sông đi qua, phải vượt một cánh đồng xanh ngút ngàn tầm mắt mới tới được dòng sông đào Lợi Nông, xa lắm.

Thế nhưng, dọc ngang trên những cánh đồng là những con hói. Nó nhiều lắm. Ví như ở làng trên Thanh Thủy Thượng, chảy gần như song song với con sông đào Lợi Nông và đi qua làng từ cống Bạc xuống tận cầu Ông Mốc, giáp giới với làng Dạ Lê Thượng có hói Ngang. Và rồi, từ các bến từ phía bên trong làng chảy ra hói Ngang và thông với Lợi Nông có 3 con hói dọc lớn. Lại nữa là vô số hói dọc, hói ngang trên cánh đồng làng. Phía dưới này làng Dạ Lê Thượng cũng vậy, ra đồng là gặp hói.

Suy cho cùng hói cũng là sông, kiểu con sông đào nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Nó cũng là kênh, là mương như ở một số nơi. Vậy nhưng, cái tên “hói” nghe quê nhưng gần gũi, thân thương lạ và nữa, rất Huế. Người đời bảo rằng, hệ thống hói đào dọc ngang ở các cánh đồng Thanh Thủy Thượng, Dạ Lê Thượng trên này, hay dưới nữa là Thanh Lam, Thần Phù…được đào không lâu sau khi có dòng sông Lợi Nông. Nó là nơi để các loại ghe, tròng hay noốc qua lại, kể cả ở những chân ruộng xa xôi nhất, đỡ đần cho nhà nông khỏi phải gánh gồng cực nhọc vào lúc mùa màng cấy gặt hay khi làm cỏ, đạp nước…

Ai cũng lại biết rằng, xưa kia xe cộ khó khăn, đi lại thăm viếng nhau bằng tròng, bằng ghe băng qua những con hói cũng là một cách giản tiện. Nhớ cách nay không lâu, tôi có ông anh họ nhà tận làng Giang Tây (Phú Lương, Phú Vang) có người mai mối quen một cô gái ở làng Thanh Thủy Thượng. Hôm đám cưới gặp vào mùa mưa nên đường sá lầy lội, thế là tổ chức rước dâu bằng đò, đi qua nhiều con hói để rồi ra dòng chính Lợi Nông. Tôi cũng có mặt trong đám người đón dâu năm ấy và sống mãi trong tôi là một không gian bàng bạc sông nước.

Con hói không lạ nữa, nhưng ít người biết ngã ba ngã tư, nơi các con hói nội đồng gặp nhau thường là một bàu nước rộng, xưa là nơi trâu nghé tắm đẫm, được gọi là “tẹt”. Phía trước đình làng Thanh Thủy Thượng, cạnh một con tẹt lớn là Bàu Choàng, nơi tắm đẫm của của đàn voi trong đội tượng binh nhà Nguyễn xưa. Bàu Choàng nổi tiếng qua câu hát “Gạo de An Cựu, cá rô Bàu Choàng”. Gạo de là thứ gạo ngày trước dùng để “tiến vua”. Cây lúa de thân cao, thích hợp với các chân ruộng sâu. Không chỉ có ở cánh đồng An Cựu, gạo de trồng ở Bàu Choàng lại càng ngon. Đó là thứ gạo thơm, dẻo hạt lại mềm cơm, ăn với cá rô Bàu Choàng hấp cách thủy thì chỉ… vua mới có được, nên lại có câu “Gạo de Thanh Thủy, cá rô Bàu Choàng”.

Cách không xa nhà tôi ở nơi làng Dạ Lê Thượng là con hói Chợ. Dạo trước vào ngày mùa, cái bến của con hói (gọi là bến hói Chợ) này san sát là những tròng, noốc đầy ắp lúa vàng. Là con hói chính lại nằm sát chợ Hôm nên hói Chợ là trục giao thông quan trọng nhất nhì trong vùng. Đặc biệt vào ngày hè, khi nước trên đồng và những con hói nhỏ đã cạn khô thì còn lại chỉ là con hói Chợ. Lúc đó mọi sinh hoạt đều như dồn lại nơi đây. Cũng trên con hói này, tôi đã chập chững tập bơi. Buổi chiều hè, cái thứ trẻ nhà quê lem luốc chúng tôi sau thú vui thả diều, đá bóng… lại rủ nhau đi tắm hói. Ven theo con đê là con hói dài với bao thứ rong rêu, bùn đất. Vậy mà mặc kệ cho dòng hói đục ngầu, chúng tôi vô tư nhảy tắm và nô đùa, để rồi cũng như nhà thơ Tế Hanh “nhớ con sông quê hương’, tôi đã “nhớ mãi con hói xóm mình”.

Bao con đập dọc ngang và cả những con đường nữa rộng thoáng được mở ra trên các cánh đồng đã khiến cho các con hói không còn nhiều nữa cảnh noốc, tròng ngược xuôi. Thế nhưng về làng, chạy ra đồng vẫn còn đó bắt gặp những con hói thân thương. Nó có vẻ lặng yên và âm thầm hơn xưa, tôm cá bên dưới cũng đã lưa thưa lắm rồi và nước nữa, thiếu sự quậy đạp của con người nên tù đọng và ngứa ngáy, nhưng đã là phần máu thịt đối với bao tâm hồn. Ra đồng gặp hói là của Huế mình, không lẫn lộn với bất kỳ nơi đâu.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top