ClockThứ Ba, 19/02/2019 06:30

Ra đồng thăm lúa

Thăm đồng

Cái hình ảnh vác cuốc ra đồng thăm lúa nó thân quen đến lạ.

Ở cái vùng đất eo thắt lưng ong này làm gì thì làm phải sạ lúa cho xong những ngày trong tết. Gọi là vụ đông xuân. Mang tiếng là đông xuân nhưng thực ra đông ít lắm, chỉ được mấy ngày.

Chăm sóc lúa ở Phong Điền sau tết. Ảnh: Hoàng Loan

Sau tết lúa đã lên cao nhưng còn non nớt, quê tôi gọi là lúa mén. Đây chính là lúc vác cuốc thăm đồng. Giờ tôi ngồi đây, nghĩ về những bước tiến của "ruộng trưa, lúa mạ" ra sao!

Nhìn vào đồng ruộng hơn 40 năm qua, thấy có nhiều thay đổi. Từ cách thức quản lý, phương thức sản xuất, hạ tầng kỹ thuật... Nó không có đột biến mà phát triển theo từng “nấc thang” một. Chính vì vậy cho nên có thể nói đồng ruộng, hay nói cách khác là nông nghiệp phát triển vẫn còn chậm. Hơn 50% người dân sống ở nông thôn, dựa vào nông nghiệp, đời sống có đỡ hơn trước rất nhiều nhưng chưa khá lên được. So với các khu vực khác thì người nông dân vẫn còn nhiều thiệt thòi.

Đảng và Nhà nước ta đã có không ít chính sách để phát triển khu vực này, như các nghị quyết, chương trình về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn; các chương trình mục tiêu riêng cho vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chương trình xây dựng nông thôn mới…Tuy nhiên, những kết quả thu được vẫn chưa như mong đợi. Đâu đó, việc thực hiện các chính sách phát triển nói trên vẫn còn chạy theo hình thức. Và cũng có không ít những biểu hiện lợi dụng. Tại sao lại xây cái chợ thật rộng, nhà văn hóa thật to… trong khi nhu cầu của người dân chưa cần mà họ cần những cái thiết thân hơn như trường học cho con em, con đường tốt hơn để đi, nước sạch để uống…

Trong hơn 40 năm qua, có thể chia nông nghiệp ra thành các giai đoạn phát triển như sau: Giai đoạn phát triển cực kỳ thô sơ và lạc hậu; giai đoạn áp dụng một phần cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật; giai đoạn áp dụng cao cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật. Và hiện tại, nền nông nghiệp đang hướng tới ở một trình độ cao hơn, là nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng sản phẩm, nền nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường.

Tương ứng với những giai đoạn phát triển như vậy thì bà con nông dân của chúng ta có sự mở rộng hiểu biết và thích ứng. Làm ruộng bây giờ khỏe hơn xưa nhiều lắm, không hoặc ít còn cảnh "một nắng hai sương". Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị thay dần sức của người nông dân. Cái hay là đỡ hơn công sức nhưng lợi nhuận từ đồng ruộng thì không thể nào nâng cao được. Chi phí cho phân, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi, thu hoạc bằng cơ giới đã “ngốn” đi một phần lợi nhuận, tức là người nông dân “lấy công làm lãi”, nay không lấy công nữa thì phần lãi chuyển sang cho người khác làm dịch vụ nông nghiệp. Trước đây làm một sào lúa lãi ba bốn trăm ngàn, nếu không gặp thiên tai mất mùa, thì nay, nếu như trừ đi phần trượt giá thì lợi nhuận vẫn như vậy. Nếu lấy đất ruộng chia bình quân đầu người ở vùng nông thôn thì diện tích mỗi người được rất ít, từ năm bảy sào đến nửa ha. Vì thế, người nông dân chẳng mấy ai sống được với cây lúa.

Phát triển đồng ruộng bây giờ cần phải thay đổi về phương thức sản xuất. Đi theo hướng chất lượng cao, sạch và thân thiện với môi trường để nâng cao giá trị. Không thể làm theo cái kiểu chia đều cho mỗi người vài miếng ruộng rồi ra chủ trương dồn điền đổi thửa, mở rộng cánh đồng mẫu lớn một cách chậm chạp như vậy được!? Tích tụ ruộng đất đã được bàn tới nhưng chưa thể thực hiện được ngay. Nếu chúng ta thận trọng, sợ người nông dân mất tư liệu sản xuất, có thể phát sinh những vấn đề về đời sống, xã hội… thì có thể đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp. HTX được quản trị theo cách thức của một công ty, bà con nông dân là người góp vốn, có thể bằng ruộng. Làm theo cách này sẽ dễ đồng nhất về chất lượng sản phẩm, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, đầu tư thiết bị máy móc. Công sức của người nông dân dôi dư ra có thể có thể chuyển hướng làm nghề, buôn bán nhỏ hoặc là các dịch vụ khác. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều thuận lợi bây giờ là lớp trẻ ở khu vực nông thôn được học hành nhiều, có trình độ kiến thức, một bộ phận không nhỏ đã tham gia vào thị trường lao động ở các khu vực khác. Như ở tỉnh ta là đi cư vào Nam làm ăn, tham gia vào ngành dệt may, xuất khẩu lao động và nhiều ngành nghề khác. Việc làm ruộng ở khu vực nông thôn bây giờ chủ yếu là người lớn tuổi nên cũng là một điều kiện thuận lợi để chuyển phương thức sản xuất lúa theo hướng nói trên.

Về nông thôn nghe bà con nông dân nói “làm ruộng bây giờ khỏe lắm”. Đúng là khỏe hơn thật nhưng thấy có một điều gì đó không vui. Khỏe nhưng phải khá hơn lên mới là niềm vui trọn ven.

Bình Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm nông khép kín - bền & xanh

Khái niệm làm nông theo kiểu "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trong thời buổi hiện nay đã không còn phù hợp, thậm chí được xem là lạc hậu. Thay vào đó là làm nông "khép kín", ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng công nghệ cao.

Làm nông khép kín - bền  xanh
Bước tiến mới trong nông nghiệp

Sau những năm tháng thăng trầm của chiến tranh, biến cố thiên tai, dịch họa, sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang có những bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 3%/năm.

Bước tiến mới trong nông nghiệp
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Ngày 9/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 các tỉnh phía Bắc”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì hội nghị.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Châu Âu: Mất mùa do nắng nóng và hạn hán tăng gấp 3 lần trong vòng 50 năm

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, tình trạng mất mùa nghiêm trọng do các đợt nắng nóng và hạn hán đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua ở châu Âu, nêu bật tính dễ bị tổn thương của hệ thống lương thực trước biến đổi khí hậu.

Châu Âu Mất mùa do nắng nóng và hạn hán tăng gấp 3 lần trong vòng 50 năm
Return to top