ClockThứ Bảy, 13/02/2021 13:39

Ra khơi ngày mới

TTH - Từ biển khơi, những cuộc đời vọng lại, đi qua thăng trầm, để đến những yêu thương, tự hào…

Ra khơi ngày mưa, rétNgười trẻ bám biển

Ảnh: Hoàng Phước

Thoạt nhìn dáng người tầm thước, gầy gầy của người đàn ông ngoài 50 tuổi, tôi không nghĩ ông Đỗ Văn Mãi (thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) là ngư dân lão luyện 35 năm. Ông Mãi nở nụ cười hào sảng bảo, ngư dân như ông không tính gắn bó với biển bằng con số tháng, năm mà tính bằng những cuộc đời cha truyền con nối. Cái thời đi biển “hồn treo cột buồm” là “tiếng sóng” vọng đời này sang đời khác. Tiếng vọng từ buồn, vui và có thể từ một cuộc đời nằm lại với biển, để con cháu đời này, đời sau, đời sau nữa biết yêu thương, trân trọng những gì cha ông đã tạo dựng. 

Kể về những ngày đầu tiên ra biển cách đây 35 năm trước, ngư dân Đỗ Thanh Thuấn (cháu gọi ông Đỗ Văn Mãi bằng chú ruột) trầm giọng. Lúc 9 tuổi, những ngày nghỉ học, cậu bé Thuấn theo cha làm quen với sóng nước. “Thời đó, cha tôi và một bạn nghề thường ra biển đánh bắt bằng chiếc thuyền nan chèo tay. Thuyền nhỏ nên không thể đi xa. Cứ ra hết sóng là thả lưới. Ngày mùng 5 tháng giêng (âm lịch) năm 1985, tôi theo cha ra biển như thường lệ. Đang yên ả, biển bỗng nổi cơn cuồng nộ. Cha dặn, dù điều gì xảy ra, cũng ôm chặt chiếc thuyền. Vậy nên khi chiếc thuyền bị sóng đánh lật úp, tôi vẫn cố gắng bám víu. Cha bơi luồn dưới lòng thuyền bồng tôi ra, đặt tôi ngồi trên vai, “đi ngầm” (bơi đứng) vào trong. Gần vào bờ, gặp luồng nước chảy ngược, cha tôi đuối sức không thể tiếp tục, chú tôi bơi ra ứng cứu. Thế nhưng khi được dìu lên bờ, cha ngã xuống và ông đã không bao giờ tỉnh lại nữa”- ngư dân Đỗ Thanh Thuấn xúc động.

Cha mẹ ông Thuấn có 8 người con. Khi cha mất, ông Thuấn và anh trai là Đỗ Thanh Tuấn phụ mẹ chăm lo cho đàn em còn thơ dại. Thay cha trở thành trụ cột gia đình, anh em Thuấn - Tuấn tiếp bước nghề cha, đi về phía sóng, “theo đuôi” con cá, con tôm. Ban đầu, vừa đi học vừa đi công cho người ta. Đến năm 13 tuổi, Thuấn chính thức bám biển. Biển không phụ. 17 tuổi, anh em Thuấn - Tuấn gom góp, sắm được chiếc thuyền riêng, vươn lên làm chủ.

Trong câu chuyện đời, chuyện nghề, chú cháu ông Mãi luôn nhắc tới cái tình của biển, dân biển. “Hồi đó thuyền câu mực của tôi với 12 bạn thuyền, ra biển thả 12 thúng rái (thúng tròn, nhỏ, một người ngồi). Câu qua nửa đêm thì bất ngờ giông tố nổi lên. Chiếc thuyền thúng quá bé nhỏ, tính mạng con người như ngàn cân treo sợi tóc. Anh em chúng tôi hai, ba thúng cột lại với nhau, dìu nhau qua giông gió. Chừng giờ đồng hồ thì biển êm trở lại, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Cái tình với nhau khi gặp hoạn nạn trên biển quý lắm. Đó chính là một trong những điểm tựa vững chắc trong đời ngư dân”, ông Mãi bộc bạch.

Vì cái tình mộc mạc đó, trong một lần cùng bạn thuyền Nguyễn Công Hòa đi thuyền chèo tay, thả lưới cá ngứa, thuyền bị sóng đánh chìm, ông Hòa kiệt sức, đành buông tay. Ông Mãi gắng hết sức lực, ôm bạn nương theo sóng trôi dạt vào bãi biển địa phận thôn An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang). Người dân An Bằng vội vã đốt lửa ngay trên bờ, kịp sưởi ấm, giành giật mạng sống cho những ngư dân bên cửa sinh tử. Ngọn lửa đó là ân tình mà lão ngư và con, cháu giữ mãi, làm hành trang ấm áp để nỗ lực không ngừng vươn lên. Bây giờ anh em ngư dân Thuấn - Tuấn ai cũng là ông chủ, có mấy chiếc tàu công suất lớn 700CV, là những thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm, vững chãi trong các chuyến đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý, lãi ròng mỗi chuyến 500-600 triệu đồng, đảm bảo đời sống sung túc cho tất cả các bạn thuyền.

Có những người gắn bó, yêu biển đến độ không thể xa rời. “Cường biển khơi” là tên trang facebook của ngư dân Trần Văn Cường (tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), một thuyền trưởng trẻ tuổi, chủ tàu công suất lớn 1.018CV. 33 tuổi, 17 năm “đi sóng về gió”, luôn mang theo tình yêu sâu nặng đối với biển. Từng học rất nhiều nghề như nghề pha chế đồ uống, thợ may, sửa chữa điện thoại di động, “nhưng cuối cùng, tôi không xa biển được. Tôi nhận ra trong từng đường gân thớ thịt của mình là tình yêu đối với biển. Dù những chuyến đi dài ngày không ít vất vả, nhưng cứ ra khơi, tôi lại thấy hạnh phúc”, ngư dân Trần Văn Cường bộc bạch.

Tình yêu anh Cường dành cho biển cũng chính là lòng biết ơn, tình yêu đối với quê hương, Tổ quốc. Tình cảm đó biến thành hành động. Ngư dân Trần Văn Cường với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” đã thực hiện mô hình vớt rác trên biển, giữ biển quê hương sạch, đẹp. Cường nói rằng, sắp tới anh sẽ tiếp tục cải tiến kỹ thuật, chế tạo nhà chống lũ (từ rác vớt ở biển) tặng người dân vùng thấp trũng.

Từng được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của (cuối năm 2019) và giải thưởng Lý Tự Trọng (năm 2020), ngư dân Trần Văn Cường bộc bạch, anh rất hạnh phúc. “Với tôi, hạnh phúc hơn cả là một ngày mới bắt đầu với những chuyến vươn khơi vừa đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi lần ra vùng biển Hoàng Sa, thấy hàng trăm tàu ngư dân, cờ Tổ quốc tung bay trên biển, trong tôi lại dấy lên niềm yêu thương, tự hào”.

Theo ông Lê Đức Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, bão lũ, nhưng năm 2020, ngư dân huyện Phú Vang vẫn khai thác 29.589 tấn/29.500 tấn, đạt 100,3% kế hoạch năm. Năm nay khai thác trúng mùa khuyết (ruốc) mang lại thu nhập đáng kể cho ngư dân. Trong 1.215 chiếc tàu thuyền có 490 tàu xa bờ chiều dài đến hơn 15 mét trở lên. Đội tàu dịch vụ thu mua sản phẩm đánh bắt ngay trên biển phát triển mạnh, tăng hiệu quả kinh tế và đánh bắt dài ngày trên biển.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top