ClockThứ Hai, 01/11/2021 15:16

Ra Va Lục sang Nhật lập nghiệp

TTH - Với bà con ở xã Hồng Hạ và các xã khác ở huyện A Lưới, đi làm việc ở nước ngoài là điều không ai tin và muốn đi, dám đi. Ấy vậy mà cách đây 3 năm, Ra Va Lục, người dân tộc Pa Cô đã vượt mọi “rào cản” từ phía gia đình, bạn bè để đăng ký sang Nhật lao động và em đã biến nhiều mong ước thành hiện thực.

Tiên phong hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

Ra Va Lục trải qua 6 tháng đào tạo tại Suleco trước khi sang Nhật làm việc

Ước mơ đổi đời

Qua kết nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở LĐTB&XH và lời giới thiệu của Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco) - Văn phòng đại diện Suleco tại Thừa Thiên Huế về gương người thật việc thật “nhà nghèo vượt khó”, chúng tôi biết đến Ra Va Lục, chàng trai đồng bào dân tộc Pa Cô hiện đang làm việc về ngành xây dựng và bảo dưỡng công trình tại Saitama, Nhật Bản.

Ra Va Lục tại công trường thi công ở Shinjuku, Tokyo (Nhật Bản)

Ngày chúng tôi lên thăm nhà Ra Va Lục ở thôn Ba Ring, xã Hồng Hạ (A Lưới) cũng là lúc ba mẹ và các em Lục vừa dọn vào ngôi nhà mới 2 tầng ít hôm. Bà Lê Thị Phái, mẹ của Ra Va Lục, người dân tộc Cơ Tu mừng rớt nước mắt khi đã thoát cảnh mấy chục năm ở nhà dột, thường bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa bão đến. Bà Phái kể: “Nhà xây hết 600 triệu đồng, đều là tiền Lục gửi về. Hằng tháng Lục đều đặn gửi tiền về cho ba mẹ hơn 20 triệu đồng. Hồi sang Nhật mới được 2 tháng là con đã gửi về cho gia đình rồi. Tiền vay ngân hàng gần 85 triệu đồng, mượn bà con, anh em, Lục đã gửi về trả xong từ lâu và còn giúp ba mẹ nuôi người em học xong đại học hệ chính quy tại Trường đại học Khoa học Huế”.

Vừa trò chuyện, bà Phái vừa khoe chiếc áo điều hòa mát rượi được con trai gửi về tặng nhân ngày sinh nhật. “Lục còn thường xuyên gửi các loại thuốc bổ cho vợ chồng tôi. Con còn hứa mua cho mẹ cái ghế mát-xa giúp mẹ bớt đau khớp”, mẹ Lục kể.

Cơ duyên và quyết định sáng suốt

Nhớ lại cách đây mấy năm khi Ra Va Lục bàn với gia đình sang Nhật lao động, trong nhà ai cũng can ngăn, bà Phái là người nhất quyết ngăn cản không cho con đi. Bà nghĩ, người ta lừa mình đó. Vừa sợ bị lừa mất tiền và lo nếu con đi làm xa, ra tận nước ngoài lạ tiếng, lạ nước lạ cái là bà Phái không tài nào ăn ngon, ngủ yên được.

Ước mơ xây cho ba mẹ ngôi nhà mới khang trang của Ra Va Lục đã thành hiện thực

Giờ nhớ lại, mẹ Lục còn xúc động: “Cũng may lúc ấy con gặp được anh Chính (NV- Mai Quang Chính, Trưởng Văn phòng đại diện Suleco tại Thừa Thiên Huế) bày vẽ và có quyết định sáng suốt. Nếu không đi Nhật, ở quê chắc giờ Lục cũng theo đường đốn củi, chặt gỗ, làm ster (bốc vác, lột vỏ tràm) và gia đình sẽ còn nghèo mãi chứ đừng nói sẽ xây được ngôi nhà khang trang như giờ”.

Có ý chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lục luôn chăm chỉ học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, Lục thi vào hệ tại chức, Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), học tại Huế. Ra trường, vì khó xin việc, Lục nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, trong lần tham gia chương trình “Định hướng và đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ” vào đầu năm 2018, Lục được tư vấn và hưởng chính sách hỗ trợ học nghề cho quân nhân xuất ngũ. Lục chọn theo học ngành hàn tại Trường cao đẳng Nghề số 23 (thuộc Bộ Quốc phòng). Qua kết nối của trường, Lục biết tới chương trình sang Nhật làm việc. Và cơ duyên của Ra Va Lục với Suleco cũng bắt đầu từ đây.

Khi biết chắc chắn “không bị lừa” do Suleco là đối tác uy tín của Trường cao đẳng Nghề 23, cộng thêm được ngân hàng hỗ trợ cho vay 85 triệu đồng, nên Lục không chần chừ quyết định “đi Nhật”. Để đủ điều kiện sang Nhật làm việc, Lục trải qua 6 tháng học các lớp đào tạo ở Suleco. Lục thừa nhận, môi trường kỷ luật ở đây rất nghiêm khắc, dù bạn đã có 2 năm quân ngũ. Giờ nhớ lại, Lục thầm cảm ơn và hãnh diện: “Thời gian học và rèn giũa tại Suleco đã giúp em nhanh thích nghi với cuộc sống tại Nhật và biết cách làm việc chỉn chu, cẩn thận. Thực tập sinh tụi em luôn được chủ và đồng nghiệp Nhật dành lời khen về tác phong làm việc, chịu khó, chăm chỉ”.

Cầu nối giúp đồng bào thoát nghèo

Ông Lê Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, năm 2018, Ra Va Lục là người đầu tiên của xã Hồng Hạ và gần như người tiên phong của huyện A Lưới đi lao động ở Nhật. Qua gần 3 năm làm việc ở Nhật, Lục không chỉ giúp gia đình thoát nghèo, hỗ trợ người thân về tài chính, em còn lan tỏa câu chuyện “người thật việc thật” của chính mình để giúp nhiều người trong xã hiểu và yên tâm khi sang xứ người làm việc. Đến nay, đã có 3 bạn thanh niên trong xã xuất cảnh sang Nhật làm việc cũng nhờ kênh truyền đạt kinh nghiệm của Ra Va Lục. “Hiện toàn xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 25%. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã luôn vận động con em đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, vì đây là cơ hội lớn để người dân có thể đổi đời và khi “từng hộ thoát nghèo, cả xã sẽ phát triển”, ông Hợi khẳng định.

Mẹ Ra Va Lục vui mừng khoe chiếc áo điều hòa con trai gửi về tặng nhân ngày sinh nhật

Chia sẻ về dự định tương lai, Lục cho biết, sau khi hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng, bạn sẽ chuyển sang Visa kỹ năng đặc định để tiếp tục làm việc tại Nhật thêm 5 năm. Lục còn đặt ra mục tiêu phải làm cầu nối để có thêm nhiều bạn thanh niên cùng quê sang Nhật làm việc, giúp các bạn có được công việc, thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào Pa Cô, Cơ Tu ngày một khấm khá hơn.

Ở Nhật, Lục thường xuyên kết nối liên lạc với mọi người ở quê qua Facebook. Qua mạng xã hội này, Hồ Minh Hiếu ở chung xóm cũng được Lục chia sẻ mọi thông tin về chính sách vay vốn, về chương trình học và làm tại Nhật. Hiện, Hiếu đang làm công việc gia công, hoàn thiện nội thất tại Kanagawa (Nhật).

Ra Va Lá, em trai của Ra Va Lục đang ở quê chưa có việc làm cũng vừa nộp hồ sơ đăng ký phỏng vấn để sang Nhật làm việc. Định hướng của Lá sẽ đăng ký ngành lắp ráp xây dựng dân dụng.

Trưởng Văn phòng đại diện Suleco tại Thừa Thiên Huế, ông Mai Quang Chính cho biết: Trong hơn 3 năm hoạt động tại địa phương, Suleco đã kết nối và đưa gần 200 lao động tại tỉnh đi làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập ổn định, cải thiện đời sống gia đình.

Theo ông Phan Trọng Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua những tấm gương “người thật việc thật” như Ra Va Lục, tỉnh mong muốn thúc đẩy người lao động, nhất là lao động ở vùng cao, xã nghèo mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để lập nghiệp và làm giàu chính đáng.

Bài: HOÀI THƯƠNG - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
“Lửa” từ những trái tim yêu thương

Trong trái tim của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Xã đoàn Phú Gia (Phú Vang) luôn cháy ngọn lửa nhiệt huyết và yêu thương, mang ấm áp đến với những phận đời kém may, xây dựng niềm tin trong lòng người dân trên địa bàn.

“Lửa” từ những trái tim yêu thương
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top