ClockThứ Tư, 30/11/2016 05:31

Rào cản trong bình đẳng giới về việc làm

TTH - Luật Bình đẳng giới quy định rõ về bảo đảm việc làm, chống phân biệt đối xử, nhất là quyền được bảo vệ sức khỏe… cho phụ nữ. Trên thị trường lao động, phụ nữ vẫn chưa được đối xử công bằng và chịu nhiều thiệt thòi.

Nhiều lao động nữ thích chọn nghề may

Doanh nghiệp thường thích sử dụng lao động nam hơn lao động nữ. Ngay trên các thông báo tuyển dụng cũng có yêu cầu về giới tính, khiến tình trạng bất bình đẳng giới càng rõ nét hơn, phản ánh qua tỉ lệ thất nghiệp của nữ giới thường cao hơn so với nam giới. Tại sàn giao dịch việc làm, các việc làm đăng tuyển đều có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam, có 30% mong muốn ứng viên nữ nộp hồ sơ. Vị trí quản lý yêu cầu ứng viên nam nhiều hơn, nhất là giữ các vị trí chủ chốt trong công ty. Đa số các ngành nghề mà nam giới được ưu tiên tuyển dụng thường có kỹ năng cao hơn và thu nhập tốt hơn so với hầu hết các công việc dành cho phụ nữ. Chị Nguyễn Thùy Uyên, kế toán một Công ty tư nhân bộc bạch: “Cầm tấm bằng đại học đi xin việc ở các Công ty, chủ doanh nghiệp hỏi qua loa về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc. Họ thường hỏi về khả năng làm việc ngoài giờ, tình trạng hôn nhân, kế hoạch sinh con. Có nơi đưa ra yêu cầu về thời gian tôi không đáp ứng được, có nơi nhận vào làm thì mức lương quá thấp”.

Nữ giới còn đối mặt với nhiều thách thức hơn khi bước vào giai đoạn làm mẹ. Rất nhiều người quyết định hy sinh và thay đổi nghề nghiệp khi có con. Lao động nữ có xu hướng tìm những công việc linh động thời gian, dù cơ hội thăng tiến không nhiều để có điều kiện chăm sóc con cái. Phần lớn các công ty đều ít có chế độ giờ làm việc linh hoạt hay những chương trình hỗ trợ lao động nữ sau sinh khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc nuôi con nhỏ khi quay trở lại làm việc. Nhiều nhà tuyển dụng cũng khá cân nhắc trong vấn đề sử dụng lao động nữ. Anh Trần Đại Thành, Giám đốc Công Ty TNHH Thành Nam, cho hay: Tôi thích nhận lao động nam vào làm việc hơn vì họ có nhiều thời gian tập trung cho công việc. Lao động nữ chăm chỉ hơn nhưng sau khi sinh con họ thường “bớt giờ” của doanh nghiệp, đi muộn, về sớm...”.

Qua kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp có đông lao động nữ, vẫn còn đơn vị vi phạm pháp luật lao động đối với lao động nữ về chế độ thai sản, độ tuổi tuyển dụng, quy định thời gian có thai và sinh con… Luật quy định thời gian nghỉ thai sản trước 2 tháng và lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày, nhưng nhiều doanh nghiệp không thực hiện. Những trường hợp này thường rơi vào những đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Khảo sát mới đây của Sở Lao động, TB&XH cho thấy, phụ nữ thường tham gia thị trường lao động sớm hơn nam giới, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Lực lượng lao động nữ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật vẫn còn thấp nên khả năng tìm việc và mất việc luôn chiếm tỷ lệ cao. Ở các nhóm trình độ càng thấp, mức độ chênh lệch tiền lương giữa nữ và nam càng rõ nét. Đối với các nhóm không có bằng cấp, tiền lương bình quân hàng tháng của nữ chỉ bằng 72% so với nam. Riêng tiền lương bình quân tháng của lao động nữ bằng 0,83 tiền lương bình quân lao động nam (nữ 3,2 triệu đồng/tháng; nam 3,8 triệu đồng/tháng). Mức chênh lệch tiền lương của lao động nữ và lao động nam ở khu vực đầu tư nước ngoài rất lớn, tiền lương lao động nữ chỉ bằng một nửa nam giới.

Để  phụ nữ được tôn trọng trong xã hội, trước tiên  họ phải được đối xử bình đẳng trong công việc. Bình đẳng giới cần phải có chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động nữ, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nữ. Ban nữ công Công đoàn cơ sở nên tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kỹ năng, lồng ghép công tác bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn để  phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách không chỉ là nỗ lực từ nhà tuyển dụng, mà còn từ chính bản thân người lao động, nhất là lao động nữ. Các chị cần chủ động thể hiện suy nghĩ, mong muốn của bản thân về chuyên môn, mức lương, cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân trước các nhà tuyển dụng lao động.    

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rào cản trong xuất khẩu thủy hải sản

Trong tổng số sản lượng 62 ngàn tấn thủy hải sản khai thác năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu chiếm rất nhỏ mà chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Thủy sản tiêu thụ nội địa cũng chủ yếu hàng tươi sống, chế biến quy mô rất nhỏ.

Rào cản trong xuất khẩu thủy hải sản
​Phá vỡ rào cản với các kỹ thuật can thiệp tiên tiến

Chiều 15/3, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thực hiện 4 ca can thiệp tim mạch khó sử dụng các phương tiện công nghệ cao, trong đó 2 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được Công ty Boston Scientific hỗ trợ các dụng cụ và phương tiện hiện đại trị giá hàng chục triệu đồng.

​Phá vỡ rào cản với các kỹ thuật can thiệp tiên tiến

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top