ClockChủ Nhật, 12/08/2018 06:35

Rào cản từ công nghiệp hỗ trợ

TTH - Toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may (DM) với khoảng 300 chuyền may, 500 ngàn cọc sợi; mỗi năm sản xuất trên 500 triệu sản phẩm. Song, đến nay trên địa bàn chỉ có duy nhất một DN sản xuất nguyên phụ liệu DM, gây khó khăn cho nhiều DN.

Ngành thép và dệt may Việt Nam thêm rủi ro vì cuộc chiến thương mạiHàng dệt may Việt Nam vào Australia có thể tăng mạnh với CPTPPDệt may và da giày Việt Nam dưới tác động của CPTPP

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế

Nhập từ cái kim, tấm vải

Mỗi năm, các DNDM trên địa bàn mang về cho tỉnh khoảng 600 triệu USD kim ngạch xuất khẩu (KNXK), chiếm 80% tổng KNXK của tỉnh. Trong khi đó, các DN lại bỏ ra trên 400 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Chưa kể, nhiều DN còn nhập nguyên phụ liệu từ các DN 100% vốn nước ngoài ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh với con số không nhỏ. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng lâu nay các DNDM chỉ làm khâu trung gian, nhập nguyên phụ liệu về và thuê nhân công “gia công”, sau đó đưa đi xuất khẩu.

Hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa từ tháng 10/2017, nhà máy may của Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế đang đối mặt với nhiều khó khăn khi 100% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài và các DN có 100% vốn nước ngoài tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Chi phí sản xuất tăng, nhiều đơn hàng bị trễ hẹn do thời gian vận chuyển nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh kéo dài từ 21-45 ngày/chuyến, đây chính là những trở lực khiến DN chưa thể mở rộng quy mô.

Vải, nguyên phụ liệu chính để sản xuất hàng dệt may phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc

Giám đốc phát triển Tổng Công ty TNHH Sơn Hà, ông Huỳnh Trọng Nghĩa thông tin, là một trong số 10 nhà máy đóng tại Việt Nam, Sơn Hà Huế đang gặp “bất lợi” khi chi phí sản xuất tăng cao do phải “gánh” thêm các khoản phí nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước, trong đó 70% từ Trung Quốc, Hồng Kông và 30% còn lại từ các tỉnh phía Nam.

Ông Nghĩa lý giải, với 50% đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian), song do thiếu nguyên phụ liệu tại chỗ nên hiện DN không thể nhận thêm các đơn hàng mới và mở rộng quy mô sản xuất khi không thể chủ động nguyên phụ liệu sản xuất do phải qua nhiều khâu vận chuyển và thời gian kéo dài.

Sau 10 năm đặt nhà máy tại KCN Phong Điền, năm 2017 tốc độ tăng trưởng của Công ty Scavi Huế đạt trên 40%, cung ứng sản phẩm cho 30 đối tác lớn, như HBI, Puma, Nike (Mỹ), Decathlon (Pháp)… Song, DN đang “đau đầu” khi 60% nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài, 40% còn lại từ các DN trong nước, trong đó nguồn nguyên liệu tại chỗ chiếm chưa tới 2% từ Công ty TNHH Hivi đóng tại Cụm công nghiệp Hương Sơ, TP. Huế.

Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ so sánh, trước đây các nguyên phụ liệu để sản xuất đồ nội y nữ phải nhập từ Tập đoàn Hivi ở Hồng Kông, vừa mất thời gian vừa tốn chi phí vận chuyển; nay DN bao tiêu sản phẩm của Hivi tại Huế, vừa chủ động đơn hàng, chi phí giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới chỉ có duy nhất Công ty Hivi sản xuất các sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nên trên 95% nguyên phụ liệu DN vẫn phải nhập từ các DN trong và ngoài nước, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Do thiếu nguyên phụ liệu tại chỗ nên nhà máy may Sơn Hà chưa thể mở rộng quy mô sản xuất

Cùng quan điểm với lãnh đạo Scavi, Tổng Giám đốc Công ty CP DM Huế, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, bài toán CNHT đã tồn tại lâu nay và rất khó tìm ra lời giải khi hạ tầng các KCN chưa đồng bộ, nhà máy xử lý nước thải chưa được đầu tư và nguồn lao động đang thiếu hụt nên mỗi DN sản xuất hàng DM vẫn phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu tốt, giá cả phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Không chỉ thiếu CNHT, các dịch vụ cần để phục vụ sản xuất hàng DM như giặt là, in ấn cũng đang thiếu trầm trọng.

Một trong những khó khăn dẫn đến nhiều tập đoàn, DN sản xuất các mặt hàng, sản phẩm ngành CNHT lớn trên thế giới đến khảo sát vị trí, nghiên cứu chính sách đầu tư, song đa phần là “một đi không trở lại”, một phần là do các KCN trên địa bàn chưa đáp ứng các điều kiện cần để đầu tư nhà máy.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp- ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận, mặc dù Ban đã nỗ lực triển khai công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, song đến nay trên địa bàn chỉ có duy nhất Công ty Hing Man (Hồng Kông) đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu DM quy mô 7,8ha tại KCN Phong Điền, còn các DN khác vẫn chưa chấp nhận chủ trương đầu tư. Qua tìm hiểu, nguyên nhân là do hiện trên địa bàn có 6 KCN, song chỉ có KCN Phú Bài đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn, trong khi quy trình sản xuất nguyên phụ liệu DM đòi hỏi phải có nhà máy xử lý đạt yêu cầu.

Chủ động kêu gọi đầu tư

Là tập đoàn sản xuất hàng DM quy mô lớn với 6 nhà máy đặt tại Việt Nam và Lào, để chủ động nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, cuối tháng 7/2018 Tập đoàn Scavi (Pháp) đã tổ chức hội nghị “Chuỗi liên kết Quốc tế tại Việt Nam” quy tụ 30 khách hàng - thương hiệu- nhà cung cấp nguyên phụ liệu, bạn hàng sản xuất, nhà cung cấp máy móc công nghệ trên thế giới.

Chủ tịch tập đoàn, ông Trần Văn Phú cho rằng, đây là bước tiên phong, là cuộc cách mạng nối kết giữa 3 bên, bao gồm khách hàng – Scavi – nhà cung cấp với mong muốn kêu gọi các đối tác sản xuất nguyên liệu ngành CNHT đến Việt Nam, đến Huế đặt nhà máy sản xuất để các DNDM trong nước, trong đó có các thành viên của Scavi chủ động nguyên liệu, nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh.

Theo ông Phú, để sản phẩm làm ra phù hợp nhất cho người tiêu dùng về chất lượng, giá cả và tính cạnh tranh, CNHT đóng vai trò khá quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành và giúp DN ký kết nhiều đơn hàng lớn.

Sau hội nghị, đã có 7 nhà đầu tư ở Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan đưa ra các dự án xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu DM tại KCN Phong Điền, đồng thời đề xuất các phương án khảo sát, làm việc với lãnh đạo tỉnh để triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Sơn kỳ vọng, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực CNHT theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển CNHT giai đoạn 2017-2025 với tổng kinh phí 52 tỷ đồng, sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư để lấp đầy các KCN, nhất là lĩnh vực CNHT DM. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm trong ngành CNHT phục vụ sản xuất công nghiệp, như CNHT DM- da giày; linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa- cao su và phụ tùng điện- điện tử…; trong đó tập trung phát triển KCN hỗ trợ DM tại KCN Phong Điền thành trung tâm sản xuất CNHT DM lớn của khu vực miền Trung và cả nước.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top