ClockThứ Ba, 03/11/2020 10:34

Rào Trăng, nỗi đau còn lại…

“Tôi không nghĩ hiện trường tìm kiếm hiểm trở, gian nan và vất vả đến thế”Nặng lòng với Rào Trăng

Đại diện Quỹ Sen xanh (trái) gửi quà thăm viếng, chia buồn cùng gia đình anh Huỳnh Ngọc Quý

“Mong trời đừng mưa để con tui còn về”

 “Mạ, con đi hới. Hắn cười tươi chào tui mà tui không nghe rõ nên tui chạy lên hỏi chi rứa, chi rứa, hắn hét to hơn “đi hới, đi hới”, tay vẫy vẫy. Tui biết mô đó là lần cuối được thấy hắn, được nghe hắn nói…”. Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của anh Ngô Viết Huy (sinh năm 1996, phường Thuỷ Châu, thị xã Hương Thuỷ, 1/17 công nhân hiện đang mất tích tại Rào Trăng 3), kể lại trong nước mắt về phút giây cuối được nhìn con trong lần về nhà sau cùng của anh vào đầu tháng 10 vừa qua.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Huy nằm cuối hẻm trên một quả đồi vắng vẻ, đường vào nhà mấp mô sỏi đá rất khó đi, khó tìm. Nhà vừa lợp lại mái, những tấm tôn cũ, han rỉ, chưa kịp dọn nằm quanh sân. Ngôi nhà lặng ngắt, không khí u uất bao trùm, người cha già trên 70 tuổi không muốn bắt chuyện. Ông lặng thinh, mắt nhìn sâu vào căn chòi vừa làm trước sân để lập bàn thờ vọng cho đứa con xấu số đang nằm đâu đó ở Rào Trăng. Người mẹ vẫn nói trong vô thức: “Trời mưa là tui lại khóc, trời mưa thì người ta phải dừng tìm kiếm, con tui lại tiếp tục lạnh lẽo giữa núi rừng”. Huy là con út, ba mẹ làm nông, nghèo khó. Huy tốt nghiệp cao đẳng công nghiệp điện, mới vào làm nhà máy điện Rào Trăng 3. Lương học việc mỗi tháng 4,5 triệu đồng, nhưng Huy đều góp lại để ba mẹ sửa nhà. Mẹ Huy mếu máo kể, hắn đưa tiền để thay cái mái tôn  qua mái ngói, nói để ba mạ ở cho mát. Hắn còn khoe, “tháng 10 ni sẽ được nhận lương chính thức, 8 triệu  đồng lận”. Bà Hoa nhìn di ảnh con, nước mắt chan chứa: “Vợ chồng tui không cần nhà đẹp nữa, chỉ cần con về… mưa lạnh ri mà”…

Hôm nghe tin Rào Trăng 3 bị sạt, vợ chồng bà Hoa như có điện giật trong tim, liên lạc với Huy cũng không được nhưng cả nhà vẫn nuôi hy vọng. Người thân chạy lên Bệnh viện Bình Điền đưa ảnh Huy cho những công nhân thoát nạn đang điều trị ở đây để hỏi thăm, ai nhìn ảnh cũng từ chối trả lời. Phải nói dối đây là thằng em nhà hàng xóm họ mới nói Huy là một trong những người mất tích. Tuyệt vọng nhưng không ai dám báo cho ba mẹ Huy, cuối cùng tin dữ cũng về. Huy ra đi khi tuổi đời mới 25, mới một lần dẫn người yêu về giới thiệu, còn ngại ngần nói với ba mẹ “công việc ổn định rồi tính, chứ nợ sửa nhà chưa hết…”. Khi tin dữ báo về có một cô gái trẻ âm thầm đến khóc trước bàn thờ!

“Hắn còn lạc mô đó trên rừng”

Không khí trong ngôi nhà anh Huỳnh Ngọc Quý, (sinh năm 1993, 1 trong 2 công nhân người Hương Thuỷ mất tích ở Rào Trăng 3) ở thôn Khe Sòng, xã Dương Hoà lạnh buốt. Không nhang đèn bàn thờ trong nhà, cũng không lập bàn thờ vọng ngoài sân vì mẹ của Quý (bà Nguyễn Thị Sen) vẫn hy vọng con trai mình còn lạc đâu đó trong rừng.  

Bà Sen người nhỏ thó, hốc hác, mắt quầng thâm bởi hơn nửa tháng nay không đêm nào tròn giấc, cứ lắng nghe gió, nghe mưa, nghe tiếng động ngoài ngõ, trong sân, hy vọng anh Quý bất ngờ xuất hiện với nụ cười hiền lành, núm đồng tiền ăn sâu trên má… Gần 20 ngày đã qua, ngày 30/10, trên huyện cho người về đón thân nhân ra Rào Trăng bà cũng không đủ sức để đi…

Anh Quý là con út trong gia đình đông anh chị em, cũng là đứa con chịu thiệt thòi vì cha mất sớm. Các anh chị có gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn. Quý sống với mẹ, là đứa con chịu thương chịu khó nhất nên vừa học anh vừa làm thêm nuôi mình và nuôi mẹ già thường xuyên đau ốm. Học ngành điện tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, ra trường 6 năm là 6 năm anh vừa đi làm vừa học thêm về điện dân dụng.

 Mong muốn có một công việc ổn định, hơn năm trước anh xin được vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Làm việc xa nhà hơn 50km nhưng để chăm mẹ, hàng tuần Quý vẫn về Dương Hoà, anh dành những đồng lương đầu tiên (chưa đến 5 triệu/tháng) của công nhân thử việc giúp mẹ sửa nhà.

Chị Trần Thị Tình, Trưởng thôn Khe Sòng cũng là hàng xóm kể: “Quý hiếu thảo lắm. Anh chị đều lấy vợ gả chồng hết rồi, riêng nó bảo muốn trả xong nợ đã rồi mới tính tới chuyện lập gia đình”. Tuần trước khi gặp nạn, do mưa lớn Quý không về được nhưng gọi điện về bảo mẹ đừng lo, trên này vẫn an toàn, nào ngờ… Người mẹ già chưa nguôi nỗi đau mất chồng giờ lại đau đớn trước tin dữ, nhưng bà vẫn không tin Quý đã đi. “Đêm mô, tui cũng thấy bà ra vào trước sân chờ chú Quý, mấy ngày có chịu ăn chi mô, tui qua nhắc mới uống chưa hết một phần bịch sữa. Cứ ri hoài thì chịu chi thấu”, chị Tình xót xa.

Nếu mẹ anh Quý vẫn một mực nghĩ con mình chưa chết thì ba mẹ của Huy khóc nấc, “chỉ mong bây giờ người ta tìm thấy nó, đưa nó về với gia đình… như thế sẽ đau nhưng 6, 7 năm rồi cũng giảm, chứ nó không về được chúng tôi chết không nhắm mắt”.

Tai nạn xảy ra, các anh Huy, anh Quý mãi mãi không về, nỗi đau khiến những người thân yêu của họ hiện tại không kịp nghĩ tới ngày mai. Nhưng, người đi cũng đã đi rồi, còn lại là hai gia đình với ba người già, bệnh tật ốm đau, nợ nần… lại phải mang nỗi đau quá lớn khi đứa con trụ cột của gia đình ra đi mãi mãi, là nỗi lo mà hàng xóm láng giềng lo cho ba mẹ của các anh.

Qua Báo Thừa Thiên Huế, chúng tôi kêu gọi các mạnh thường quân hãy chung tay giúp cha già mẹ yếu của hai anh Huỳnh Ngọc Quý và Ngô Viết Huy, để họ có cuộc sống ổn định và giúp vong hồn các anh được an ủi phần nào.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Sen, thôn Khe Sòng, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, TP. Huế. Bà Nguyễn Thị Hoa, tổ 4, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, TP. Huế. Hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0914.078 282; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, Thừa Thiên Huế (ghi hỗ trợ gia đình anh Huỳnh Ngọc Quý/Ngô Viết Huy bị nạn tại Rào Trăng 3).

Bài và ảnh: Phạm Phước Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm ra “nỗi đau của thị trường”

Nếu trước đây, những người khởi nghiệp tạo ra sản phẩm, rồi khảo sát thị trường, tìm kiếm khách hàng,… thì bây giờ bước đầu tiên là tìm ra “nỗi đau của thị trường” và tạo ra giải pháp hay sản phẩm giải quyết các vấn đề đó.

Tìm ra “nỗi đau của thị trường”
Nỗi đau hậu chiến

Sáng ngày 10/8, tôi nhận được hai yêu cầu của những người chưa quen biết. Cả hai đều là nữ, quê ở miền Bắc và cho biết, sau khi đọc bài “Tấm gương dũng cảm của vị Tham mưu trưởng” (đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 12/11/2020), do người thân của họ ở cùng đơn vị với nhân vật mà bài báo đề cập: Thiếu tá Võ Đại An, Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên-Huế nên họ đã tìm cách liên lạc với tôi nhờ giúp tìm manh mối nơi hy sinh của những người thân của họ.

Nỗi đau hậu chiến
Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau: “Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”

Chủ trương ấy tiếp tục được ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định tại Hội nghị biểu dương nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin điển hình, tiêu biểu vượt khó. Hoạt động này do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tổ chức sáng 4/8, nhân dịp kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (10/8).

Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau “Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”
Return to top