Bạn đọc Bạn đọc viết
Rau sạch sẽ hết?
TTH - Năm 2010, Thừa Thiên Huế đưa mô hình sản xuất rau an toàn (rau sạch) theo hướng VietGap vào thí điểm tại một số vùng trồng rau với tổng diện tích 7,4 ha, trong đó tập trung vào huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà. Quá trình thực hiện, người nông dân nhận thức tốt lợi ích từ việc sản xuất rau sạch cho cộng đồng, mong muốn sản phẩm rau sạch ngày càng phát triển. Vậy nhưng, thực tế thì ngược lại.
![]() |
Nông dân Hà Cảnh Hoàng (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) giới thiệu ruộng rau trước đây quy hoạch trồng theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nay đã “quay về” với cách trồng “tự do”. Ảnh: Xuân Trường
|
VietGap là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành năm 2008 dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân; Nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
|
Ngày 6/8/2013, UBND tỉnh ban hành công văn số 3866 “Về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm” gửi các Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Công thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông; UBND TP, thị xã và các huyện yêu cầu: Tổ chức rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt; Tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Quyết định 01 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…
|
![]() “Sẵn sàng mua rau sạch với giá cao hơn…”
Rau là thực phẩm cần thiết, không thể thiếu trong từng bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm như hiện nay, chúng tôi rất lo sợ khi mua phải rau không an toàn. Người bán nào cũng nói rau của họ là sạch. Chúng tôi biết sự thật không phải vậy, nhưng không thể không ăn nên phải mua. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau vô tội vạ, không đảm bảo tiêu chuẩn, mục đích để thu hoạch sản phẩm rau có bề ngoài xanh tươi, mượt mà, bắt mắt (nhưng độc hại, gây bệnh tật cho người ăn), làm sao chúng tôi tin và phân biệt được rau nào là rau sạch, trong khi sản phẩm đều đưa ra chợ như nhau theo hình thức từng bó, từng mớ?
Chúng tôi sẵn sàng chi giá tiền cao hơn để mua được rau an toàn, nhưng phải có gì chứng nhận ở rau sạch để người tiêu dùng an tâm lựa chọn.
![]() “Phải dần dần xây dựng lòng tin”
Người tiêu dùng chưa phân biệt được và chưa có niềm tin thì phải làm cho họ phân biệt được rau sạch và rau không sạch. Đồng thời phải tập thói quen sử dụng rau sạch cho người tiêu dùng, tạo đầu ra rộng rãi vào thị trường cho rau sạch. Muốn vậy, phải có sự “bắt tay” giữa nhà sản xuất, nhà thu mua sơ chế, phân phối. Cơ quan Nhà nước sẽ vào cuộc, hỗ trợ những điểm bán rau sạch. Ngoài kiểm soát quy trình, chúng tôi còn hỗ trợ cho việc bảo trợ nhãn mác, làm thủ tục đăng ký nhãn mác rau an toàn và Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu đó.
Làm cho người tiêu dùng phân biệt được rau sạch và rau không sạch, còn có thể xây dựng hiệp hội phân phối rau sạch, đăng ký chất lượng, đăng ký nhãn mác, sau đó đóng gói đề tên rau sạch, cơ sở sản xuất, cam kết chất lượng về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình.
Tuy nhiên, cả nhà sản xuất và phân phối phải luôn luôn coi trọng chữ tín mới dần dần xây dựng được lòng tin nơi người tiêu dùng. Cần một quá trình lâu dài mới có thể khẳng định uy tín trên thị trường. Mặt khác, phải có sự thỏa hiệp để giá trị được phân phối đồng đều. Người phân phối hưởng công phân phối. Người sản xuất cũng phải thu lại phần công sức một cách xứng đáng. Do đó, người tiêu dùng phải mở “hầu bao” với giá đắt hơn so với rau không an toàn.
Phạm Thùy Chi (ghi)
![]() Xây dựng thương hiệu và tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của địa phương”
Thời gian qua, tình hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thị xã Hương Trà gặp nhiều khó khăn. Việc sản xuất còn phân tán, manh mún, năng suất thấp. Chất lượng rau chưa được theo dõi, kiểm định, đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định. Địa phương thiếu cơ sở chế biến, chưa hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Việc chế biến, bảo quản rau để cung cấp cho thị trường chưa được quan tâm nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ.
Để khôi phục lại mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap, UBND thị xã Hương Trà đã chỉ đạo các địa phương (Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân) có lợi thế trồng rau, cần rà soát bổ sung quy hoạch để hoàn thiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Địa phương tập trung đầu tư trọng điểm các địa điểm trồng rau truyền thống đồng thời, tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ và quản lý sản xuất rau an toàn cho người trồng rau…
Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà đã chỉ đạo các phường xây dựng kênh thông tin qua hệ thống khuyến nông, các tổ chức đoàn thể, các hợp tác xã và hỗ trợ việc xây dựng, quảng bá thương hiệu về các sản phẩm rau an toàn băng in các tờ rơi, áp phích, pano khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tập trung đầu mối để tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Xuân Trường (ghi)
|
Quỳnh Anh
- Cần tiếp tục giám sát, theo dõi đảm bảo đúng quy định (17/03)
- Mệt mỏi từ những cuộc gọi mời vay tiền (17/03)
- Phối hợp với chính quyền giải quyết kiến nghị người dân (16/03)
- Xử phạt đơn vị thi công, buộc trồng lại diện tích thiệt hại (15/03)
- “Bát nháo” trạm cân gỗ keo tràm (11/03)
- Chuyện không hề nhỏ (01/03)
- Ông Trần Văn Anh Tài có thể khởi kiện ra tòa (28/02)
- Ức chế với những quảng cáo trên mạng (27/02)